Là nền kinh tế triển vọng nhất Đông Nam Á, WB vẫn hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam vào phút chót
Nạn hạn hán, xâm nhập mặn là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng của Việt Nam chậm lại so với các dự báo trước đây.
- 09-04-2016WTO: Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng
- 06-04-2016Credit Suisse: Tận dụng tăng trưởng Việt Nam, mua cổ phiếu ngành tiêu dùng
- 01-04-2016ANZ: Tăng trưởng thấp hơn dự báo trong quý I nhưng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ vượt trội trong khu vực
- 01-04-2016Đại biểu Quốc hội: Đánh giá tăng trưởng “ở mức hợp lý” chỉ là cảm tính và tự an ủi
Được đánh giá là nước có tốc độ tăng trưởng tốt so với các nước trong khu vực Đông Nam Á song Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam có thể giảm so với năm 2015. Đó là nhận định được WB đưa ra tại buổi công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương do WB công bố sáng ngày 11/4 tại Hà Nội.
Nền kinh tế Việt Nam dã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo mới hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trở lại, khi tăng 6,68% trong năm 2015.
Nhiều rủi ro chính sách tài khóa
Về phía cầu, lạm phát thấp và niềm tin người tiêu dùng được củng cố trở lại đã dẫn đến tăng trưởng tiêu dùng cá nhân. Đồng thời, đầu tư cũng tăng nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng tín dụng trong nước phục hồi trở lạ; chi Chính phủ cũng tăng mạnh, riêng chi thường xuyên tăng 11% năm 2015.
Tăng trưởng xuất khẩu đã giảm xuống mức 8% do giá thực phẩm và giá nguyên liệu giảm, và chỉ được bù trừ một phần nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm chế tạo. Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng nhanh, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu ròng bị giảm nhẹ.
Về phía sản xuất, tăng trưởng GDP chủ yếu dựa trên các ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng. Các ngành này tăng trưởng 11% trong năm 2015 và đóng góp trên 1/2 tổng mức tăng trưởng GDP.
Thị trường bất động sản cũng phục hồi dần, tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng và các quy định thông thoáng hơn đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã góp phần vào tăng trưởng trong ngành xây dựng.
Tuy nhiên, tăng trưởng du lịch đã chậm lại, sản xuất nông nghiệp năm 2015 cũng bị suy giảm do giá nông sản toàn cầu suy giảm và điều kiện thời tiết không thuận lợi dưới tác động của El Nino.
Các chuyên gia của WB cho rằng, ổn định và bền vững kinh tế vĩ mô đã được quy trì, tuy nhiên, tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp và đang có xu hướng giảm đang gây nhiều quan ngại.
CPI đã giảm so với năm 2015 và đạt mức thấp nhất kể từ năm 2001. Tỷ giá hối đoái so với đồng USD được điều chỉnh trong năm 2015 để ứng phó với biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.
Tháng 1/2016 Ngân hàng Nhà nước đã được áp dụng một chính sách tỷ giá linh hoạt hơn, trong đó có biện pháp quy định tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Tuy vậy, tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức hai tháng nhập khẩu càng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Thâm hụt tài khóa đạt 6,5% GDP trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khóa tăng lên. Ước tính, nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh đã đạt mức 62,5% trong khi năm 2014 là 65%. Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức trần do luật quy định là 65%.
Hạ dự báo tăng trưởng GDP còn 6,2%
Các chuyên gia WB khuyến cáo Việt Nam cần phải đưa ra biện pháp thích hợp để củng cố tài khóa trung hạn cả thu và chi. Bởi nếu không có kế hoạch tài chính thận trọng hơn, bức tranh tài chính của Việt Nam có thể phải chịu nhiều rỏ ro.
Mặc dù nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt. Song trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu và còn nhiều làn gió ngược chiều, nhiều nước lớn có sự suy giảm kinh tế, sẽ tác động đến nền kinh tế khác.
"Vì vậy đây là lý do chúng tôi giảm bớt dự báo tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam chỉ còn là 6,2% trong năm nay thôi. Với lý do là những gì xảy ra nền kinh tế trong khu vực, như xâm nhập mặn, gây ra nhiều sụt giảm sản xuất nông nghiệp Việt Nam và sự tăng trưởng âm của nông nghiệp, thì dự báo không chỉ của chúng tôi mà của cả Chính phủ nữa" - Chuyên gia WB nói.
Tuy vậy, mức tăng trưởng này đã được WB điều chỉnh vào phút chót, trước khi đưa ra công bố báo cáo này. Theo lý giải của chuyên gia WB, với những diễn biến xấu của nền kinh tế trong thời gian vừa qua, không chỉ là tác động của xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp.
Mà điều quan trọng theo chuyên gia của WB, đó là tăng trưởng của khối FDI vốn là động lực chính cho tăng GDP cũng đang giảm dần trong xuất khẩu. Do đó, WB lo ngại rằng đây có thể là nhân tố làm ảnh hưởng đến tăng trưởng nói chung trong năm nay.