MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là ngành học "có mức thu nhập bình quân cao", ngành Bảo hiểm đang được đào tạo ra sao?

12-04-2023 - 10:40 AM | Sống

Bảo hiểm là một trong ba ngành có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế.

Dù bảo hiểm là một ngành học mới nhưng lại rất có sức hút đối với các bạn trẻ hiện nay, một phần nhờ vào những tiềm năng phát triển cũng như cơ hội việc làm đa dạng và phong phú mà ngành này mang lại.

Theo "Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2022" của Tổng cục Thống kê, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế với với 25 triệu đồng.

So sánh chi tiết hơn, số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của Việt Nam ước tính đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng. Nó cho thấy độ chênh về thu nhập của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm so với thu nhập trung bình là rất lớn.

Là ngành học "có mức thu nhập bình quân cao", ngành Bảo hiểm đang được đào tạo ra sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Ngành học đầy tiềm năng

Theo từ điển Oxford, bảo hiểm (tiếng Anh là Insurance) là một thỏa thuận của khách hàng với  công ty bảo hiểm, trong đó khách hàng có nghĩa vụ đóng tiền đều đặn cho công ty bảo hiểm và trong trường hợp có bất kỳ bất trắc gì xảy ra như: qua đời, bị bệnh... họ sẽ có trách nghiệm thanh toán các chi phí cho khách hàng.

Phân tích sâu hơn, bảo hiểm là ngành học đào tạo kiến thức về tài chính ngân hàng và có kiến thức chuyên sâu về bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên môn về quản lý, tổ chức tài chính và bảo hiểm.

Một số trường đào tạo ngành Bảo hiểm tại Việt Nam cùng điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 như sau: Học viện Tài chính (điểm chuẩn: 25,8 - thuộc chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng); Đại học Kinh tế Quốc dân (điểm chuẩn 26,4), Trường Đại học Kinh tế TPHCM (điểm chuẩn 24,8); Đại học Lao động - Xã hội (điểm chuẩn 21,15)...

Là ngành học "có mức thu nhập bình quân cao", ngành Bảo hiểm đang được đào tạo ra sao? - Ảnh 2.

Học viện Tài chính là một trong những trường đào tạo về ngành Bảo hiểm

Theo học ngành Bảo hiểm, sinh viên được học các kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan như: Thương mại trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm, thiết lập và quản lý hợp đồng bảo hiểm, định phí bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, lập các báo cáo tài chính, phân tích tài chính trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm...

Để theo học ngành Bảo hiểm, ngoài sự đam mê, ham học hỏi và cởi mở thì bạn cần có khả năng tư duy logic và đánh giá vấn đề; Phản ứng nhanh nhạy, xử lý tốt các tình huống phát sinh; Có khả năng truyền đạt và giao tiếp tốt... Những tố chất này hợp lại sẽ là bàn đạp để bạn theo đuổi công việc này sau này.

Mức lương thế nào, cơ hội việc làm ra sao?

Hiện nay, trên cả nước có khá ít cơ sở đào tạo cử nhân về ngành Bảo hiểm, số lượng sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Đặc biệt, thị trường lao động trong lĩnh vực bảo hiểm lại thiếu một lượng lớn chuyên viên "lành nghề" trong việc phân tích dữ liệu, tư vấn chính sách bảo hiểm một cách hiệu quả.

Nguồn nhân lực "khan hiếm" là một trong những yếu tố khiến ngành này có mức lương cực cạnh tranh. Khi mới ra trường chưa có kinh nghiệm, bạn có thể bắt đầu làm nhân viên tư vấn/ bán bảo hiểm với mức lương cơ bản 6-8 triệu đồng, cùng với đó doanh thu và làm tốt có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng.

Là ngành học "có mức thu nhập bình quân cao", ngành Bảo hiểm đang được đào tạo ra sao? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Khi đã có kinh nghiệm và đảm nhận vị trí cao hơn như nghiên cứu, phân tích, thẩm định… thì mức lương cơ bản từ 15-20 triệu đồng kèm thưởng hiệu suất công việc. Đây cũng là ngành có thu nhập không giới hạn cho những ai thực sự có đam mê.

Còn về nơi làm việc, cử nhân ngành Bảo hiểm có thể đảm nhận vị trí trong môi trường hết sức năng động mang tính hội nhập đa quốc gia. Khi hành nghề thuộc ngành này thì các bạn sẽ vận động liên tục về cả hành động lẫn tư duy, không làm cố định trong một không gian như văn phòng mà còn phải di chuyển đến các xí nghiệp, nhà máy, trường học, khu dân cư, ngân hàng...

Một số vị trí công việc cho sinh viên sau khi ra trường như: Người đánh giá rủi ro; Chuyên viên tư vấn bảo hiểm; Giám định thiệt hại và bồi thường; Cán bộ quản lý danh mục đầu tư; Nhà nghiên cứu về bảo hiểm; Cán bộ định phí; Chuyên viên tái bảo hiểm; Chuyên viên phát triển bảo hiểm...

Tổng hợp

Theo Đông

Tổ quốc

Trở lên trên