MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là nước thuần nông, nhưng tại sao Việt Nam không hấp dẫn nhà đầu tư ngoại rót vốn vào nông nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài kể lại trong buổi hội thảo về vốn FDI gần đây, ông đã ngỡ ngàng khi nhận ra không một tham luận nào đề cập đến đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp. Nhưng ngẫm lại, ông bảo: “Cũng đúng thôi!”.

“Hầu hết các dự án đầu tư vào nông nghiệp đều thất bại”

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, 6 tháng đầu năm 2017, tính tổng cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần của các nhà đầu tư ngoại vào nông nghiệp chỉ đạt hơn 137 triệu USD (cấp mới: 127 triệu USD, tăng vốn: 6,16 triệu USD, mua cổ phần: 3,77 triệu USD).

Trong khi đó, tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam khoảng thời gian đó đạt 19,2 tỷ USD, nghĩa là vốn rót vào nông nghiệp chỉ chiếm 0,7%, chưa bằng 1/10 vốn FDI thu hút vào ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất điện, khí…

Nhìn lại trong 3 năm gần đây, vốn FDI vào nông nghiệp cũng chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu vốn FDI vào Việt Nam. Cụ thể, ở các năm 2014, 2015, 2016 tỷ lệ lần lượt là 0,5% - 1% và 0,4%.

Vấn đề được đặt ra là với tiềm năng và lợi thế của một nước vốn có gốc làm nông, tại sao dòng vốn ngoại đổ vào nông – lâm – ngư nghiệp vẫn còn hạn chế?

Câu hỏi này thực tế đã được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Nghị trường giữa tháng 6 năm nay.

Lúc đó, ông Dũng thừa nhận: “Vốn FDI vào nông nghiệp chỉ đạt 0,9% - 1% tổng vốn đầu tư. Thực tế hầu hết các dự án đầu tư vào nông nghiệp đều thất bại” và “Thu hút đầu tư hết sức khó khăn, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế rồi nhưng chưa phù hợp thực tế, chưa đủ hấp dẫn”.

Hơn chục năm trước, báo chí từng nhắc đến việc “tháo chạy” của công ty quốc tế Kiến tài (doanh nghiệp liên doanh giữa Centre Trading and Development Corp, công ty Astro – Đài Loan và Công ty Nông – lâm sản xuất khẩu Kiên Giang) như một ví dụ điển hình về sự thất bại của dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau 7 năm thực hiện dự án (kể từ khi cấp phép thành lập năm 1991), công ty trồng được gần 23.300 ha (trên tổng số 60.000 ha), đào 237 km kênh mương để thau chua, rửa phèn.

Tuy nhiên, quy hoạch sử dụng đất thay đổi, doanh nghiệp không triển khai được xây dựng nhà máy sản xuất giấy theo hợp đồng và tỉnh Kiên Giang không có khả năng di chuyển dân để giao đủ đất cho doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT đã ra quyết định chấm dứt hoạt động trước thời hạn và tiến hành thanh lý công ty liên doanh. Việc bồi hoàn cho bên nước ngoài theo thoả thuận là gần 1 tỷ USD và được hoàn tất vào ngày 30/4/2003.

Rủi ro chính sách cho đến nay vẫn là rào cản lớn, khiến cho doanh nghiệp nước ngoài không mặn mà với nông nghiệp – ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài nhận định.

“Doanh nghiệp Việt đầu tư vào nông nghiệp cũng rất hạn chế vì nhiều khó khăn, rào cản. Những gì nhà đầu tư trong nước vấp phải khi đầu tư vào nông nghiệp như chính sách, hạn điền… các nhà đầu tư ngoại cũng phải chịu. Nhưng nhà đầu tư ngoại còn gặp khó khăn hơn”, ông Toàn nói. Theo ông, đó là vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, tạo quan hệ với chính quyền, người dân.

Bên cạnh đó, ông Toàn phân tích về bài toán lợi ích giữa nhà đầu tư nước ngoài và người tham gia vào quá trình đấy. Ví dụ như việc đào tạo, họ thuê nông dân rồi cung cấp kiến thức, vốn, giống… trả lương nhưng khi được mùa nông dân không thực hiện cam kết hợp đồng giao thành phẩm, rồi những bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá khiến nhà đầu tư nản chí.

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thất bại trong nông nghiệp chứ chưa nói đến nông nghiệp công nghệ cao”, ông Toàn nhấn mạnh.

Những chuyển động mới...

Dù vậy, theo ông Toàn, Nghị quyết phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 2/2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn…

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí nông nghiệp sạch…

Về phía các doanh nghiệp Việt, thời gian gần đây đã cập nhật xu thế và đón bắt cơ hội đầu tư vào nông nghiệp với những dự án quy mô trung bình và lớn, nhiều dự án số vốn đến hàng nghìn tỷ đồng, nhiều cánh đồng mẫu lớn đang hình thành, phát triển.

Đối với doanh nghiệp nước ngoài, ông Toàn nói rằng về hành lang pháp lý, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 và hệ thống văn bản của hai luật này đã giảm đáng kể những khác biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI với nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước, hành lang pháp lý minh bạch hơn, thông thoáng hơn đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp trong đó có nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

Các chính sách tháo gỡ cho đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, mở rộng hạn điền, phát triển nông nghiệp mô hình chuỗi giá trị hàng hóa... đang bước đầu phát huy hiệu quả, tạo động lực cho thu hút đầu tư trong đó có đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Dù vậy, ông nhấn mạnh vấn đề quy hoạch cho phát triển nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa cho nông nghiệp vẫn cần có lời giải thấu đáo và tương xứng với chủ trương ưu tiên cho phát triển nông nghiệp của chính phủ.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý bài toán lợi ích giữa nhà nước, người nông dân, ngư dân, doanh nghiệp, đặc biệt là quan hệ người nông dân và doanh nghiệp. Nhất là khi những chính sách mới như mở rộng hạn điền, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, quyền sử dụng đất đai, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp... được triển khai, những vấn đề mới, những mâu thuân mới sẽ nảy sinh cần được lường định và có giải pháp khắc phục.

Vấn đề nguồn nhân lực để có thể ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp cần có nghiên cứu và giải pháp căn cơ vì trong thời gian qua, khi Việt Nam tập trung cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, những lực lượng lao động trẻ, có trình độ văn hóa, sức khỏe và khả năng tiếp thu cái mới đều đổ về thành thị và các khu công nghiệp để lại lỗ hổng rất lớn cho nguồn nhân lực có chất lượng ở nông thôn.

“Khoảng cách giữa chính sách và điều hành thực thi chính sách vẫn là vấn đề cần được quan tâm, khắc phục”, Phó Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho biết.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên