MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lá thư cha gửi con trai sợ khó, ngại khổ: Tuổi trẻ hãy bán sức lao động của mình ở nơi người ta muốn mua với giá tốt nhất và biến mình trở nên đáng tiền!

30-04-2020 - 10:07 AM | Sống

Bỏ thời gian và tâm huyết chưa chắc đã giúp cho công việc thuận lợi, nhưng không chịu bỏ thời gian và tâm huyết thì chắc chắc không thể có công việc thuận lợi!

Con trai yêu dấu!

Hơn một năm nay, ta thấy con loay hoay với công việc. Ta và mẹ con nhìn thấy rõ những mệt mỏi, chán nản của con trong bữa cơm mỗi khi nhắc tới công việc. Con thú nhận con không yêu công việc hiện tại, nhưng vì trong con luôn tồn tại một "luật sư bào chữa", rằng "biết đâu chỗ mới không tốt bằng nơi này", "biết đâu công việc mới nhiều khó khăn hơn",... nên con chần chừ không dám nhích thêm một bước, không dám từ bỏ công việc hiện tại và tìm kiếm một công việc mới hứng khởi, say mê hơn. Nghe lời thú nhận của con vào đêm muộn hôm trước: "Con sợ vấp ngã", "con không dám xông pha", ta nghe thấy tim mình buốt nhói và lòng siết bao sóng cuộn.

Con đã bao giờ nhìn sâu vào bản thân khi đứng trước gương, và nhận ra con đang dần đánh mất ước mơ của mình trong những tháng ngày đơn điệu, lặp đi lặp lại? Hồi nhỏ con từng ao ước trở thành một đầu bếp, và bây giờ con chọn là một nhân viên văn phòng với các con số khô khan? Cha không nói những con số ấy xấu xí, nhưng gắn với con nó trở nên vô hồn.

Ta nhớ, con từng nói những ước mơ thuở nhỏ của mình thật mơ mộng hão huyền, bây giờ nghĩ lại thấy nực cười biết bao? Là bởi, khi trưởng thành, những ước mơ đó đã bị cơm áo gạo tiền gặm nhấm dần, mất đi thứ hào quang lung linh vốn có? Con không còn hi vọng gì vào ước mơ của mình nữa sao? Ta tin rằng hình ảnh ta bắt gặp con say mê không phải làm báo cáo về doanh thu, sản lượng của công việc, mà miệt mài nơi góc bếp với hành, tỏi, gia vị... là minh chứng thật thà nhất cho một đức tin bị lẩn khuất đâu đó giữa cơm áo gạo tiền.

Cha sẽ tóm lược 4 điều nhỏ bé dưới đây, mong con đọc và ngẫm về nó, bởi nó được đúc rút từ chính kinh nghiệm, trải nghiệm, vấp ngã và hoài bão của đời ta.

Lá thư cha gửi con trai sợ khó, ngại khổ: Tuổi trẻ hãy bán sức lao động của mình ở nơi người ta muốn mua với giá tốt nhất và biến mình trở nên đáng tiền! - Ảnh 1.

1. Theo đuổi ước mơ và không chọn an nhàn khi còn trẻ 

Con biết không, nhiều lúc nhìn con, cha thấy thật ghen tỵ. Sự ghen tỵ xen lẫn tự hào, khi biết chắc chắn rằng con trai mình đang sống trong thời gian đẹp đẽ nhất đời người. Con đang nắm trong tay đặc quyền là tuổi trẻ, với biết bao ước mơ, khát vọng, dám sai và dám sửa sai (bởi vẫn còn cơ hội để sửa chữa những thiếu sót, sai lầm...)

Con vẫn còn trẻ như vậy, trong độ xuân xanh phơi phới đó, thử nghĩ mà xem, nếu con không dám mạo hiểm, không dám nỗ lực, không chịu tìm tòi những thử thách trong công việc, không phấn đấu hướng đến ước mơ của mình..., chấp nhận sống đời của một zombie, thì đúng là đang sống hoài, sống phí đó con trai ta.

Khi mải miết đi tìm một công việc với mức lương cao, ổn định và không phải làm thêm, con cần hiểu rằng: Không bao giờ có công việc nào vừa nhiều tiền, vừa nhàn hạ lại gần nhà. Con cho đi bao nhiêu sẽ nhận lại bấy nhiêu. Con hoàn toàn có thể thành công, và minh chứng con được sếp coi trọng, phân công làm trưởng bộ phận, có điều, ta không thấy con vui hay hãnh diện như cảm xúc đáng lẽ nên có.

Hơn một lần, con ước được làm đầu bếp, nhưng, lại là chữ "nhưng" chết tiệt ấy, con sợ con đường học trở thành đầu bếp lắm chông gai trong khi công việc hiện tại của con đang dần có thành tựu. Con sợ nhảy việc sẽ dẫn tới khủng hoảng tài chính, con sợ kiếm tiền khó khăn. Cũng phải thôi, rõ ràng kiếm tiền chưa bao giờ dễ dàng. Và nếu theo đuổi ước mơ làm đầu bếp kia, chắc chắn còn vất vả hơn nhiều lần hiện tại.

Tin cha đi, bằng cuộc đời lăn lộn từ Bắc vào Nam làm ăn, rồi sang cả nước Lào, rồi cả Châu Âu..., cha chắc chắn một điều: Bất kì thời đại nào, kiếm tiền luôn giống như lao vào rừng rậm để khai phá và mở ra một con đường mới, lắm khi trải qua muôn trùng khó khăn, nằm gai nếm mật, vật vã cả năm trời mà chẳng thu được đồng nào, thậm chí mất cả vốn liếng. Bỏ thời gian và tâm huyết chưa chắc đã giúp cho công việc thuận lợi, nhưng không chịu bỏ thời gian và tâm huyết thì chắc chắc không thể có công việc thuận lợi!

Thanh xuân là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong đời, cũng là những năm tháng then chốt có thể quyết định tương lai của một người. Nếu con sợ hãi không theo đuổi ước mơ của mình, chắc chắn năm 40 tuổi, 50 tuổi con sẽ ôm nuối tiếc và kéo dài nốt phần đời còn lại.

Con đừng ngại khó, ngại khổ, con trai ạ! Bởi lẽ, lựa chọn an nhàn trong 10 năm, tương lai sẽ buộc con phải vất vả 50 năm để bù đắp lại. Nếu con bươn chải vất vả trong 10 năm, chắc chắn con sẽ thu được 50 năm hạnh phúc. Nói cha nghe, con muốn trở thành một kẻ bất hạnh hay một người may mắn trong cuộc đời hữu hạn của chính mình?

Con ạ, nhân khi còn ở độ thanh xuân, với sự nhiệt tình, năng động và những bài học thất bại, hãy bước về phía trước, dựng xây một cuộc đời khác biệt. Hãy như một chiến binh dũng mãnh tiến về phía trước, chấp nhận bầm dập, chấp nhận đau thương, chấp nhận trầy da tróc vảy. Nhưng, đổi lại con sẽ thu hoạch được rất nhiều: Trải nghiệm, giá trị bản thân, mối quan hệ, cơ hội... Đừng lựa chọn cuộc sống an nhàn, quẩn quanh trong vùng an toàn, hời hợt với ước mơ trong những năm tháng cần sự phấn đấu quyết liệt và gai góc.

Con trai ta! Tuổi trẻ ngại gì nhảy việc: Hãy bán sức lao động của mình ở nơi người ta muốn mua với giá tốt! Và hãy biến mình trở nên đáng tiền với thoả thuận ấy!

Lá thư cha gửi con trai sợ khó, ngại khổ: Tuổi trẻ hãy bán sức lao động của mình ở nơi người ta muốn mua với giá tốt nhất và biến mình trở nên đáng tiền! - Ảnh 2.

2. Địa vị không thể làm lá chắn trong công việc 

Ngày con mới đi du học về, con kể ngày đầu tiên đi làm ở một tập đoàn lớn, con hoàn toàn choáng ngợp bởi những con người hào nhoáng, địa vị cao cũng như mức thu nhập "khủng" tương đương với chức vụ họ đang nắm giữ. Rồi con cũng muốn được như họ, con định nghĩa "thành công" là có được địa vị, chức vụ như thế.

Cha biết, khi nói hào hứng kể những điều đó, cha đã dội cho con một gáo nước lạnh, rằng những tham vọng của thực ra thật vô nghĩa. Con phản biện lại lời nói của cha. Không sao, cha kiên nhẫn thời gian sẽ làm con hiểu lên tất cả. Và quả đúng vậy, những ảo ảnh đó trôi đi rất nhanh, con dần vỡ vạc, nhận ra những danh hiệu, chức vụ đó không thể nói lên khả năng của một người. Và bằng chứng, con muốn từ bỏ công việc ở đó, vì bản thân con mong muốn và một phần con cảm thấy đó không phải thế giới con thuộc về.

Kể cả sau này, con làm bất cứ công việc gì, hãy nhớ rằng: Bản thân ta chỉ cần làm việc với tất cả những gì tích cực nhất con có thể mang lại. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc mang địa vị/chức vụ ra để làm lá chắn trong công việc.

3. Phần thưởng không bao giờ là đủ

Ngày xưa, cha từng có một tuổi trẻ lẫy lừng. Đã có lúc, cha đam mê những chiếc xe thể thao, những bộ quần áo đẹp, những người phụ nữ đẹp vây quanh như một phần thưởng cho đích đến của công việc. Nhưng rồi chú Minh, đồng nghiệp của cha đã nói: "Nếu cậu đánh giá thành công của mình bằng như gì cậu sở hữu thì sẽ chẳng bao giờ là đủ".

Tất nhiên, những lời ấy không lọt tai cha ngay đâu. Kinh nghiệm, bài học phải mua bằng tiền của chính mình. Cho tới khi bàng hoàng nhận ra những phần thưởng cha tự tặng cho mình không khiến cha hạnh phúc hơn, hay chúng không có sức mạnh xoá bỏ những khoảng trống trong lòng... thì cha đã chọn dừng lại những phung phí ấy.

Cha của sau đó đã biết rằng mọi phần thưởng chỉ là phù du, vì khi có 1 thì ta sẽ muốn có thêm 10. Nhưng tất cả những điều đó rốt cuộc rồi chẳng đi đến đâu. Thành công thật sự đến từ việc con cảm thấy hài lòng khi hoàn thành công việc yêu thích và luôn tràn trề động lực sáng tạo ra những sản phẩm mới tốt hơn, chất lượng hơn!

Lá thư cha gửi con trai sợ khó, ngại khổ: Tuổi trẻ hãy bán sức lao động của mình ở nơi người ta muốn mua với giá tốt nhất và biến mình trở nên đáng tiền! - Ảnh 3.

4. Những người ưu tú thực thụ không hề màu mè

Cha cực kỳ ấn tượng với huyền thoại công nghệ Steve Jobs - người luôn cố tình tránh đặt sự giàu có làm ưu tiên số 1. Ngay cả khi là 1 tỷ phú, ông vẫn lựa chọn một cuộc sống giản dị bên người vợ Laurene Powell Jobs và các con, tránh lối sống hào nhoáng, xa xỉ.

Steve Jobs sống ở một ngôi nhà bình thường, trên một con phố bình thường tại Palo Alto. Nhà của ông không có đường dành cho xe lớn cũng không có những hàng rào an ninh.Đó là một ngôi nhà của gia đình bình thường.

Hay như tỷ phú Warren Buffett và gia đình ở trong căn nhà khiêm tốn ở Omaha, Nebraska (Mỹ) suốt từ năm 1958 tới nay. Căn nhà được mua với giá 31.500 USD, tương đương 274.357 USD hiện nay, chỉ bằng 0,0003% tổng tài sản của ông. Rồi ông chủ của Facebook - Mark Zuckerberg sống trong ngôi nhà chỉ bằng 0,01% tài sản của mình...

Rất nhiều ví dụ điển hình về những con người ưu tú. Điểm chung của họ là lối sống rất mực giản dị, đi sâu vào thực chất bên trong chứ không phải hào nhoáng bên ngoài. Thứ duy nhất họ thể hiện với công chúng là những sản phẩm chứng minh khả năng thiên tài, tự tin với ý tưởng và không ngần ngại đánh giá của người khác.

Dài dòng là vậy, những mong con hiểu thấu đâu là giá trị cốt lõi của mình, thay vì chạy theo áo quần, đồng hồ, giày dép... như câu thơ chát đắng mỉa mai của người xưa: "Trời cho cái mẽ bên ngoài/ Để che đậy cái sơ sài bên trong". Hãy là một con người học thức, hiểu biết, dám phấn đấu, có giá trị giữa cuộc đời nhiều rối ren, thật - giả lẫn lộn này!

Theo Hoa Chanh

Trí thức trẻ

Trở lên trên