MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là thước đo 'sức khoẻ' của nền kinh tế, thị trường đồng liệu đã bước vào giai đoạn phục hồi?

17-11-2022 - 10:30 AM | Thị trường

Là thước đo 'sức khoẻ' của nền kinh tế, thị trường đồng liệu đã bước vào giai đoạn phục hồi?

Thị trường đồng đã phải chịu những áp lực từ các yếu tố vĩ mô và triển vọng nhu cầu tiêu cực kể từ đầu tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, tháng 11 đang chứng kiến đà phục hồi tiềm năng của giá đồng sau một khoảng thời gian liên tục đi ngang. Điều này khiến thị trường đặt ra một câu hỏi lớn rằng, xu hướng tăng giá này liệu có được duy trì bền vững trong thời gian tới?

Động lực đằng sau đà phục hồi của giá đồng trong tháng 11

Thị trường đồng bước vào giai đoạn nửa cuối năm đã đánh mất khoảng 30% giá trị chỉ trong vòng hơn 1 tháng, và liên tục thất bại trong việc tìm kiếm động lực phục hồi cho đến cuối tháng 10. Có thể thấy, sức ép từ việc tăng lãi suất của hàng loạt Ngân hàng Trung ương trên thế giới nhằm kìm hãm lạm phát liên tục ở mức cao đã đè nặng lên nhu cầu về đồng cho sản xuất. Thêm vào đó, các quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu trên thế giới cũng đều đối diện với những thách thức riêng.

Nếu như Trung Quốc, thị trường tiêu thụ hơn 50% lượng đồng trên thế giới, loay hoay với bài toán kiểm soát dịch bệnh và lĩnh vực bất động sản suy yếu, thì đất nước có nhu cầu đồng lớn thứ 2 trên thế giới, Nhật Bản cũng phải đối diện với sự trượt dốc của đồng Yên và những khó khăn trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế. Với việc các đầu tàu kinh tế lớn trên thế giới đều chịu các áp lực không nhỏ, giá đồng đã không thể tìm kiếm được xu hướng phục hồi rõ rệt.

Là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, thị trường đồng liệu đã bước vào giai đoạn phục hồi? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, kể từ tháng 11 cho đến nay, thị trường đồng đang cho thấy một số dấu hiệu khởi sắc. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 16/11, chỉ số MXV-Index Kim loại giảm 2,18% xuống 1.745 điểm, nhưng trước đó đã ghi nhận chuỗi tăng điểm 6 phiên liên tiếp. Một trong những đóng góp lớn cho đà tăng này là sự phục hồi của giá đồng niêm yết trên sở COMEX, mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trong nhóm kim loại. Hiện tại, giá đồng COMEX đạt mức 8.351 USD/tấn và đang ở vùng giá cao nhất trong vòng gần 3 tháng qua.

Một trong những động lực chính thúc đẩy giá đồng trong thời gian gần đây là kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc tiến trình thắt chặt tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tăng chậm lại từ mức 8,2% trong tháng 9 xuống còn 7,7% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh bại kỳ vọng tăng 8,0% của thị trường. Trong khi đó, lạm phát đầu vào thông qua chỉ số giá sản xuất PPI tháng 10 mới được công bố tăng 8,0%, thấp hơn so với mức tăng 8,4% trong tháng trước.

Là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, thị trường đồng liệu đã bước vào giai đoạn phục hồi? - Ảnh 2.

Trên thực tế, các quan chức Fed cũng đang dần bày tỏ quan điểm cho rằng các cuộc họp kế tiếp nhiều khả năng sẽ hướng tới mức tăng lãi suất nhỏ hơn. Mặc dù chi phí vay gia tăng vẫn sẽ gây áp lực cho nền kinh tế và qua đó, nhu cầu đồng cho hoạt động sản xuất sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đà tăng chậm lại có thể tạo điều kiện cho thị trường có thời gian thích nghi và Fed cũng sẽ có thêm lựa chọn nhằm điều tiết và cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát. Hiện tại, đồng Dollar Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng do áp lực chi phí nắm giữ giảm bớt.

Nhiều rào cản vẫn còn bủa vây, đà phục hồi của giá đồng tương đối chậm

Theo ông Phạm Quang Anh, giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam: “Thị trường kim loại nói chung và thị trường đồng nói riêng nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục đà phục hồi trong giai đoạn tới khi các áp lực vĩ mô đang dần giảm bớt. Tuy nhiên, xu hướng tăng có thể sẽ chậm, khi nhu cầu tại Trung Quốc vẫn sẽ là bài toán nan giải do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp”. Thực tế, số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc hiện đã vượt mốc 20.000 người, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm nay, và đang là rào cản lớn nhất đối với bức tranh kinh tế tại quốc gia này.

Khó khăn thể hiện qua hàng loạt các dữ liệu kinh tế kém sắc trong tháng 10 vừa qua, với doanh số bán lẻ Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5, với mức giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Niềm tin tiêu dùng suy yếu cũng sẽ khiến hoạt động sản xuất thiếu động lực mở rộng, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu nguyên liệu đầu vào quan trọng như mặt hàng đồng. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc cũng chậm lại với mức tăng 5% từ mức 6,3% trong tháng 9, thấp hơn ước tính trung bình ở mức 5,2%.

Là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, thị trường đồng liệu đã bước vào giai đoạn phục hồi? - Ảnh 3.

Mặc dù vậy, khác với giai đoạn trước, thị trường đang kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ dần nới lỏng chính sách Không Covid, nhất là khi Chính phủ nước này tiến hành tinh chỉnh một vài quy định về cách ly. Trong tháng 11, giá đồng cũng đã nhận được động lực tăng đáng kể trước niềm tin này, bất chấp việc số ca nhiễm Covid-19 vẫn đang không ngừng gia tăng.

Thêm vào đó, yếu tố vĩ mô được nhìn nhận sẽ mang lại động lực tích cực hơn cho giá đồng trong vài tháng tới. Dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ được Bộ Thương mại công bố vào tối qua cho thấy mức tăng trưởng 1,3% trong tháng 10 so với tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1 năm nay. Lạm phát hạ nhiệt, trong khi hoạt động tiêu dùng vẫn mạnh mẽ sẽ thúc đẩy niềm tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ tránh được rủi ro về một cuộc suy thoái. Nhìn chung, thách thức còn tiềm ẩn vẫn sẽ khiến giá đồng ghi nhận các mức điều chỉnh giảm, nhưng cánh cửa cơ hội đang rộng mở hơn giai đoạn trước, và do đó, xu hướng phục hồi vẫn sẽ chiếm ưu thế.

Hồng Hạnh (Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam - MXV)

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên