MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạc quan với nguồn vốn FDI

Gần 8,9 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Lạc quan với nguồn vốn FDI - Ảnh 1.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính đến hết tháng 4, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ. Trong tổng vốn đăng ký, vốn đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần đã tăng trở lại so với cùng kỳ. Cụ thể, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 65,2% về số dự án và tăng 11,1% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với vốn đầu tư tăng thêm đạt 1,66 tỷ USD, tăng 19,5% về số dự án và giảm 68,6% về số vốn so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, có 1.044 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 1,8% về số lượng và tăng 70,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 5,1 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành tài chính, ngân hàng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với số vốn đăng ký gần 972 triệu USD. Có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ 2 với gần 2 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 752 triệu USD.

Trong khi đó, vốn đầu tư mới của tháng 4 đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong quý I/2023. Số dự án đầu tư mới cũng tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với mức tăng của 3 tháng (62,1%).

Ngoài ra, dù vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ, nhưng số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 4 tháng đầu năm. Thu hút FDI của Hà Nội tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt khoảng 1,71 tỷ USD (tăng 260% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD (trong đó vốn, mua cổ phần với giá trị 21,8 tỷ USD). Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%), là tỷ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ... Dự án tập trung vào các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Dù vậy, các nhà đầu tư cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Giới chuyên gia trong nước cũng chỉ ra  những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi cạnh tranh với rất nhiều quốc gia trong xu hướng chuyển dịch đầu tư toàn cầu. Do đó để hấp dẫn đầu tư nước ngoài đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp cải thiện.

Ông Nguyễn Đình Nam - Chủ tịch IPA Vietnam -  doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến và tư vấn đầu tư cho biết: Nhà đầu tư nước ngoài gặp một số “rào cản”. Chẳng hạn, thời hạn visa doanh nghiệp với một số quốc gia chỉ khoảng 15-20 ngày, không đủ để nhà đầu tư khảo sát môi trường đầu tư - kinh doanh tại các địa phương. Ngoài ra, giá thuế đất KCN tăng trưởng nhanh những năm gần đây cũng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, có nhóm khách hàng gặp không ít khó khăn do cách giải thích, áp dụng chính sách pháp luật thiếu đồng nhất giữa các địa phương. Cùng với đó việc giải thích, áp dụng quy định về kiểm tra - giám sát hải quan, thuế và đăng ký thành lập doanh nghiệp chế xuất cũng có sự khác biệt giữa các địa phương. Điều này, khiến không ít doanh nghiệp đặt ra câu hỏi về tính an toàn pháp lý khi đầu tư tại Việt Nam.

Để Việt Nam thực sự thành điểm đến của các doanh nghiệp lớn trong làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, ông Nguyễn Đình Nam cho rằng, các chính sách đầu tư cần tập trung vào việc tối đa hóa lợi ích của đầu tư nước ngoài để có thể vừa thu hút được FDI giúp phục hồi kinh tế, thúc đẩy sản xuất và nâng cao năng lực trong nước, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia.

Về phía nhà phát triển KCN, bà Trần Thị Huyền - Quản lý Kinh doanh cấp cao của KCN Deep C, khuyến nghị ban quản lý các KCN và đơn vị tư vấn - môi giới đầu tư cần xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ để đưa ra thông điệp chung về môi trường, điều kiện đầu tư tại Việt Nam và các khu công nghiệp, tránh tình trạng “mỗi bên nói một kiểu”. Ngoài ra, cần nắm bắt kỹ lưỡng nhu cầu của nhà đầu tư về giá thuê, vị trí địa lý, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, lao động…

Theo Phương Chi

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên