MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi cao từ cho vay cá nhân, tiêu dùng

26-07-2018 - 11:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Ghi nhận từ báo cáo tài chính quý II của các NHTM, tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm so với năm ngoái.

Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến lợi nhuận của NH vì thu nhập lãi thuần vẫn tăng mạnh do các NH tiếp tục mở rộng cho vay cá nhân, cải thiện tốt thu nhập lãi cận biên (NIM) so với cuối năm 2017.

Tín dụng tăng chậm

Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 11,3% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn mức 13,1% cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, hoạt động cho vay khách hàng của OCB dù tăng 12,2% so với năm 2017, nhưng vẫn thấp hơn mức 13,5% của 6 tháng đầu năm 2017. Trong khi đó, dư nợ tín dụng toàn hệ thống của VietinBank 6 tháng chỉ tăng trưởng 7,56% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 9,6%).

Báo cáo kết quả kinh doanh của VIB cũng cho thấy tính đến ngày 30-6, dư nợ tín dụng đạt 91.700 tỷ đồng, tăng 8,94% so với đầu năm (cùng kỳ năm ngoái tăng tăng 15,7%). Sacombank 6 tháng qua cho vay đạt hơn 247.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm, thấp hơn mức 10% của cùng kỳ năm 2017. Còn tăng trưởng tín dụng của MB chỉ đạt 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái là 14,55%.

Theo số liệu của NHNN, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,88%, trong khi cùng kỳ của 2016 và 2017 lần lượt 8,2% và 9,06%. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết trong các giai đoạn 2008-2009 và 2013-2014 do lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, NHNN đã thắt chặt tín dụng nên bình quân tăng trưởng hàng năm chỉ 8-10%. 3 năm trở lại đây, cơ chế tín dụng linh hoạt hơn, cho phép tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm 17-18%.

Tuy nhiên, nếu năm 2017 mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra 18%, thực hiện 18,5%, nhưng với năm 2018 mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% là khá cao, ngành NH phải cố gắng nhiều mới có thể đạt được. Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng của TPHCM mới đạt 7,5% với mức dư nợ gần 1,9 triệu tỷ đồng. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2018 chậm hơn so với cùng kỳ 2017.

Thu nhập lãi tăng đột biến

Mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm lại, nhưng lợi nhuận của các NH trong 6 tháng qua vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Là NH đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý II, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí NH có lợi nhuận dẫn đầu thị trường.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của NH đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ 2017, đạt 55,2% kế hoạch 2018. VietinBank cũng công bố kết quả kinh doanh tích cực như lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 5.200 tỷ đồng, tăng hơn 8% và đạt 48% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của VIB tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 201% so với cùng kỳ 2017. Đây là kết quả của việc doanh thu ròng đạt 2.701 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động chỉ ở mức 1.316 tỷ, tăng 16%.

Mặt khác, với chất lượng tín dụng liên tục được cải thiện, chi phí dự phòng được duy trì ở mức thấp 234 tỷ đồng. OCB cũng ghi nhận lãi hơn 1.300 tỷ đồng trước thuế trong nửa đầu năm nay, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ 2017. Báo cáo tài chính quý II cũng cho biết lợi nhuận trước thuế của VPBank tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 4.375 tỷ đồng; MB đạt 3.829 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 52,5% so với cùng kỳ…

Lãi cao từ cho vay cá nhân, tiêu dùng - Ảnh 1.
Mở rộng cho vay cá nhân và tiêu dùng, MB thu lãi lớn dù tăng trưởng tín dụng không cao.

Đáng chú ý, đóng góp chính cho mức tăng trưởng lợi nhuận trên của các NH là thu nhập từ lãi thuần. Chẳng hạn, tại Vietcombank trong  2 quý qua tăng trưởng tín dụng thấp hơn cùng kỳ nhưng thu nhập lãi thuần vẫn đạt gần 13.000 tỷ đồng (cùng kỳ đạt gần 11.000 tỷ đồng), còn thu nhập từ dịch vụ chỉ đạt 1.732 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của VIB trong 6 tháng đạt 2.256 tỷ đồng, lãi từ hoạt động dịch vụ 315 tỷ đồng.

VPBank cũng cho biết lãi thuần 6 tháng đạt 12.186 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ đạt 604 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,5%. Tương tự, MB cũng thông báo mức thu nhập lãi thuần tăng mạnh 32,3% so với cùng kỳ, đạt 6.797 tỷ đồng.

Dồn sức cho vay cá nhân, tiêu dùng

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các NH, vì hệ số NIM được cải thiện. Đơn cử, NIM hợp nhất và tính riêng của VPBank lần lượt đạt 9% và 4,8% (năm 2017 tỷ lệ này 8,8% và 4,6%).

Hệ số NIM tăng xuất phát từ việc các NH dồn sức cho vay khách hàng cá nhân. Tại MB, cho vay khách hàng cá nhân cuối quý II tăng 17,3% so với đầu năm, đạt 70.513 tỷ đồng, đóng góp 34,4% vào tổng dư nợ (quý II-2017 là 30,3%). Theo đó, tỷ lệ NIM của NH này tăng 0,35% so với cùng kỳ lên 4,65%.

Tại Vietcombank, hệ số NIM cũng tiếp tục được cải thiện nhờ các khoản cho vay khách hàng cá nhân tăng trưởng tốt và chiến lược tăng tỷ lệ cho vay trên huy động của NH. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân trong kỳ của Vietcombank dự báo tăng trưởng 19% so với đầu năm 2017, nâng tỷ trọng cho vay nhóm khách hàng này lên mức 27%.

Mức lãi tăng gấp 3 lần cùng kỳ của VIB cũng có sự đóng góp từ dư nợ cho vay cá nhân của VIB ở mức cao trong số các NHTM. 6 tháng qua, NH đã giải ngân mới cho vay ô tô chiếm hơn 30% thị phần và tăng trưởng cho vay mua nhà cá nhân đạt 78%.

Hiện nay lãi suất cho vay doanh nghiệp ở mức thấp, phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Do đó, các NH phải đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân. Khi cho vay khách hàng cá nhân có thế chấp, các NH có thể ưu đãi lãi suất những tháng đầu khoảng 6,5-8%, sau đó lãi suất vào khoảng 0,8-1,1%/tháng, tương đương 9,6-13,6%/năm. Nếu cho vay tín chấp, lãi suất có thể cao hơn.

Hiện tỷ lệ NIM của hệ thống NH cuối năm 2017 chỉ ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5.82%) và Philippines (3,58%). Do đó, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển đang là cơ hội để các NH cải thiện NIM. Mặc dù triển khai các món vay nhỏ lẻ có chi phí cao, nhưng mức lãi suất cao hơn cho vay doanh nghiệp 3-4%/năm, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận.

  

Theo Đỗ Linh

Sài Gòn Đầu Tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên