MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lại lo chăn nuôi vỡ trận

03-03-2018 - 10:28 AM | Thị trường

Đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng mạnh, làm dấy lên sự lo ngại về việc sản phẩm chăn nuôi lại phải kêu gọi "giải cứu"

Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 1-2018 đạt 336 triệu USD, tăng 48,02% so với tháng trước và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả năm 2017 là 3,2 tỉ USD - bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp (DN) nhập gần 267 triệu USD. Các thị trường chính cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam là Argentina, Mỹ, Ấn Độ, Brazil...

Chăn nuôi quy mô nhỏ có nguy cơ phá sản

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định việc nhập khẩu sản phẩm đầu vào cho ngành chăn nuôi tăng mạnh cho thấy tổng đàn gia súc, gia cầm trong nước không những giảm mà còn tăng.

Lại lo chăn nuôi vỡ trận - Ảnh 1.

Giá heo hơi thấp, người nuôi chưa hết khó khăn

"Đối với con heo, nếu các đơn vị chăn nuôi chủ động giảm đàn từ khi xảy ra khủng hoảng giá vào đầu năm 2017 thì Tết vừa qua đã cân đối được cung cầu, giá về mức hợp lý. Tuy nhiên, thị trường thịt heo Tết vừa qua cho thấy vẫn khủng hoảng thừa dẫn đến dội hàng, giá thấp. Ngày 30 Tết, giá heo mảnh chợ sỉ chỉ 15.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành. Thống kê đến cuối năm 2017 tại Đồng Nai cho thấy đàn heo vẫn chưa giảm được bao nhiêu, cuối năm 2017 là 2 triệu con. Trước đó, năm 2015, tổng đàn heo tại tỉnh này chỉ 1,6 triệu con, năm 2016 là 1,7 triệu và thị trường Trung Quốc lúc đó rất hút hàng" - ông Đoán phân tích.

Theo ông Trầm Quốc Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi heo Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP HCM), với cục diện ngành nuôi heo như hiện nay, chỉ sau 3-6 tháng nữa, chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ sẽ sụp đổ. Chỉ còn DN lớn với tiềm lực tài chính dồi dào trụ lại chờ thị trường phục hồi.

"Trước đây, thị trường Trung Quốc quá hấp dẫn nên mọi người đổ xô nuôi heo. Vì đã trót đầu tư nên họ không dễ rút lui mà phải tiếp tục chăn nuôi. Do đó, dù chăn nuôi nông hộ có giảm nhưng đàn nuôi tại các công ty lớn vẫn chưa giảm, thị trường vẫn thừa. Từ rằm tháng giêng trở đi, giá heo có dấu hiệu giảm tiếp, thị trường đang giao dịch ở mức chỉ 29.000-30.000 đồng/kg, người chăn nuôi rất khó khăn. Chúng tôi đang chuẩn bị dự án tổ chức lại sản xuất nhằm giúp xã viên giảm giá thành, tổ chức lại khâu phân phối để giữ nguồn sống cho người nuôi. Dự án này cần hỗ trợ tín dụng để nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này" - ông Thắng trăn trở.

Đáng lưu ý, với giá heo xuất chuồng khoảng 30.000 đồng/kg, người nuôi nhỏ lẻ bị lỗ nhưng các trang trại quy mô lớn, nhất là những cơ sở thuộc hệ thống của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vẫn có lãi nhờ giá thành thấp. Việc tăng quy mô chăn nuôi để đạt hiệu quả làm ăn đẩy nhiều nông dân ít vốn ra khỏi ngành, trong khi nhiều "đại gia" lại tiếp tục mở rộng để chiếm lĩnh thị trường.

Lo thủy cầm phát triển nóng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1-2018, gia cầm được tiêu thụ ổn định, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả nên đàn gia cầm tiếp tục phát triển, mở rộng với quy mô lớn theo hình thức gia trại, trang trại. Ước tính, tổng đàn gia cầm của cả nước trong tháng 1-2018 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu tiêu dùng thịt heo, chiếm hơn 75% các loại thịt tiêu thụ. Tuy nhiên, sau hàng loạt thông tin về chất tạo nạc, thuốc an thần liên tục xảy ra trong những năm gần đây, sự lựa chọn thịt đã đa dạng hơn để giảm bớt nguy cơ. Khảo sát tại quầy thịt các siêu thị cho thấy thịt gia cầm có nhiều nhà cung cấp. Người tiêu dùng có thể mua nguyên con hoặc từng phần, phụ phẩm. Ngoài ra, các giống gà mới cũng giúp cho ra nhiều sản phẩm tuy nuôi công nghiệp nhưng chất lượng chấp nhận được (đặc biệt là món gà luộc) nếu so với gà ta thả nuôi truyền thống nhưng giá thấp hơn nhiều. Điều này lý giải phần nào ngành nuôi gà công nghiệp phát triển trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, nuôi vịt công nghiệp (thủy cầm) tại Đồng Nai đang phát triển nóng nhưng chưa được thống kê đầy đủ. "Mỗi trang trại có thể nuôi 30.000-50.000 con, trong khi nếu nuôi như trước đây thì chỉ 10.000 con đã chạy ngập đồng. Việc không kiểm soát được quy mô có thể đẩy đàn vịt vào thế "vỡ trận" trong năm 2018" - ông Đoán cảnh báo.

Tuy nhiên, đối với vịt thịt, hiện có rất ít cơ sở giết mổ bảo đảm tiêu chuẩn nên tiêu thụ qua thương lái tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là đặc điểm khác với gà công nghiệp đã có cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ, có khả năng dự trữ khi dư thừa.

Nuôi vịt trang trại thay chạy đồng

Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TP HCM), nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng một phần là do việc thay đổi hình thức chăn nuôi từ thả đồng sang trang trại khiến nhu cầu sử dụng cám tăng mạnh.

"Trước năm 2015, chỉ có vịt thả đồng đẻ trứng nhưng sau khi thí điểm nuôi vịt tại trang trại thành công, từ năm 2017, việc chuyển đổi mô hình rất mạnh mẽ. Riêng tại công ty chúng tôi, tỉ lệ trứng vịt từ trang trại đã chiếm 90%. Vịt nuôi trang trại sử dụng cám toàn bộ. Việc đưa vịt vào trang trại giúp kiểm soát tốt được dịch bệnh và an toàn thực phẩm nên được chính quyền địa phương hỗ trợ để chuyển đổi. Khi các trang trại quy mô lớn tăng thì giảm chăn nuôi nhỏ lẻ là điều dễ hiểu" - ông Thiện nhận định.

Theo Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên