MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi lớn năm 2017, ‘Vua tôm’ Minh Phú đã trở lại đường đua?

21-02-2018 - 10:07 AM | Doanh nghiệp

Sau 2 năm suy thoái, Vua tôm Minh Phú vừa ghi nhận khoản lợi nhuận năm 2017 tăng gấp 8 lần so với năm trước, báo hiệu một tính hiệu tích cực của doanh nghiệp dẫn đầu ngành tôm VN.

Doanh nghiệp ngành tôm xuất khẩu đang có một năm kinh doanh thuận lợi nhất trong nhiều năm trở lại đây nhờ sự tăng trưởng nhu cầu tăng nhanh ở các thị trường nhập khẩu lớn.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây cho biết, thị trường xuất khẩu tôm đã rất khởi sắc trong năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016. Đóng góp rất lớn vào tăng trưởng trên đến chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng trên 60% và sắp vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường đứng thứ 2 chỉ sau EU.

Sự tăng trưởng nhu cầu từ các nhà nhập khẩu mang lại một tín hiệu tốt đẹp cho các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, 2017 cũng là năm mà đánh dấu sự khởi sắc trở lại sau 2 năm liền điêu đứng của ‘vua tôm’ Minh Phú -Tập đoàn Thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Báo cáo tài chính trước kiểm toán của ‘vua tôm’ cho thấy, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2017. Doanh thu của Minh Phú tăng đến 41% so với năm trước, và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi giá vốn thấp hơn phản ánh sự ủng hộ rất lớn của thị trường. Theo đó, sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp này đạt mức lãi ròng đến 642 tỷ đồng, tăng 8 lần so với năm 2016.

Mức tăng trưởng tốt nhất thể hiện rõ trong quý IV năm nay, riêng doanh thu trong quý 4 đạt đến hơn 6000 tỷ dồng, tăng 56% so với cùng kỳ, góp đến 253 tỷ đồng vào lợi nhuận cả năm 2017. Sự tăng trưởng mạnh trong quý IV mang lại một tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp đầu ngành tôm và bức tranh chung của thị trường tôm Việt Nam.

Lợi nhuận cao nhưng chưa vững 

Mặc dù báo cáo lợi nhuận đột biến trong năm 2017, tuy nhiên bản thân Vua tôm vẫn còn những mối lo chưa được giải toả. Đặc biệt, lợi nhuận của Minh Phú vẫn thiếu tính ổn định dù doanh thu trên đà tăng trưởng đều đặn. Đặc biệt trong 6 năm gần nhất, lơi nhuận của Minh Phú có xu hướng tăng mạnh rồi giảm đột ngột trong 2 năm tiếp theo.

Lãi lớn năm 2017, ‘Vua tôm’ Minh Phú đã trở lại đường đua? - Ảnh 1.

Quay trở lại từ những năm 2006 cũng cho thấy điều tương tự, lợi nhuận của Minh Phú vẫn thiếu tính ổn định mà theo chiều hướng năm được năm mất. Điều này bên cạnh sự yếu tố thị trường thì bản thân nội tại doanh nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự bấp bênh của doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường tôm tại VN. Và dù doanh nghiệp kinh doanh có lãi lớn trong năm 2017 nhưng dòng tiền kinh doanh âm và nợ vay thì không được cắt giảm là một tín hiệu không khiến giới đầu tư an lòng.

Báo cáo tài chính quý IV/2017 cho thấy, đến 31/12/2017, doanh nghiệp này có tổng nguồn vốn kinh doanh gần 9.500 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ phải trả đang chiếm phần lớn với 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt là khoản nợ vay phải trả lãi tổng cộng 5.500 tỷ đồng. Trong những năm qua, chi phí tài chính của Minh Phú chiếm rất lớn trong tổng chi phí. Đây là ẩn số lớn khiến cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường không thuận lợi.

Thực tế không hẳn không được lãnh đạo Minh Phú quan tâm. Bởi đầu năm 2015, "vua tôm" đã khiến giới đầu tư tài chính bất ngờ khi đưa ra quyết định táo bạo là rút khỏi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh sau khi công bố lãi đậm trong năm trước đó và giá cổ phiếu vẫn được neo ở mức cao 122.000 đồng/cp.

Nguyên nhân được ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú đưa ra là công ty đang tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng việc niêm yết trên sàn chứng khoán gây cản trở khả năng tăng vốn của công ty khi MPC muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhưng lại bị giới hạn room ngoại ở mức 49%.

Những tưởng với quyết định táo bạo trên, khi nuôi ước vọng "bỏ ao làng" để "vươn ra biển lớn" nhưng thực tế Minh Phú đã phải trải qua 2 năm liền suy thoái. Năm 2015, 2016, vua tôm chỉ lãi tượng trưng trước khi có sự đột phá năm 2017 nhờ sự sôi sục của thị trường Trung Quốc.

Cho đến nay, giới hạn room đã được gỡ bỏ và Minh Phú đã trở lại sàn chứng khoán nhưng vẫn chưa có thông tin gì mới về chiến lược tăng vốn. Vốn góp chủ sở hữu của Minh Phú vẫn giữ nguyên mức 700 tỷ đồng chục năm trước đây. Với việc Chủ tịch Lê Văn Quang và người nhà đang sở hữu phần lớn cổ phần Minh Phú, chưa biết liệu những bước đi tiếp theo của Minh Phú sẽ như thế nào, chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu để tăng sức mạnh tài chính cho công ty hay tiếp tục đánh cược vào sự ủng hộ của thị trường sẽ là câu chuyện được quan tâm trong thời gian tới.

Tuy vậy, bài học của ‘vua cá tra’ Hùng Vương đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc sử dụng đòn bẫy tài chính quá lớn vẫn còn đó. Duy trì một mức nợ vay lớn để kinh doanh trong thực tế khác hẳn với lý thuyết trong bối cảnh mặt bằng lãi suất VN vẫn đang còn rất cao. Và thực tế, hàng loạt doanh nghiệp ngành thuỷ sản VN từng nhiều phen điêu đứng vì tình cảnh tương tự.


Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên