Lãi lớn từ chứng khoán
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán chưa mạnh do doanh nghiệp vẫn đang xoay trở trong khó khăn, áp lực trả nợ trái phiếu vẫn còn nhiều
- 25-05-2023Nhà đầu tư tìm giải pháp đi đường dài với chứng khoán
- 25-05-2023Khối ngoại bán ròng khớp lệnh gần 2.700 tỷ đồng từ đầu tháng 5, điều gì đang xảy ra?
- 25-05-2023Lợi nhuận ngành thép 'kẹp' giữa những luồng thông tin trái chiều
"Sell in May and go away" (tạm dịch là Bán cổ phiếu vào tháng 5 rồi đi) - là câu nói nổi tiếng trong giới đầu tư chứng khoán. Theo chiến lược này, nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu vào tháng 5 và đầu tư lại vào tháng 11. Vì đây thường được xem là "mùa chốt lời". Tuy nhiên, thực tế của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tháng 5 lại trái ngược hoàn toàn.
Kiếm bộn tiền
Thị trường Việt Nam đã tăng một mạch trong nửa đầu tháng 5 rồi lình xình đi ngang trong khoảng 1 tuần trở lại đây chứ không giảm mạnh. Trong thời gian này, nhiều nhóm cổ phiếu thay phiên nhau tăng giá mạnh, như bất động sản, chứng khoán, xây dựng, điện, sắt thép - vật liệu xây dựng, dầu khí... giúp những nhà đầu tư bắt đúng "sóng" đã kiếm bộn tiền.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng giá 10%-20% so với 1 tháng trước, cá biệt có mã cổ phiếu tăng giá gấp đôi như PSH của Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, từ 6.300 đồng lên 13.000 đồng; một số mã khác như CIG tăng trên 80%, ABR tăng 62%, EVG và QBS tăng gần 54%, ITC tăng xấp xỉ 50%... Dù vậy, cũng có không ít cổ phiếu giảm giá đáng kể sau đợt tăng hồi tháng 4.
Nhà đầu tư Phạm Quang Bình (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết anh lãi hơn 15% trong vài tuần nhờ bắt đúng "sóng" với mã cổ phiếu BCG của Tập đoàn Bamboo Capital. Tuy nhiên, vì lo thị trường điều chỉnh và lo hiệu ứng "Sale in May" nên anh bán sớm cổ phiếu, nếu tiếp tục giữ đến giờ sẽ lời nhiều hơn. Tương tự, ông Hoàng Thanh (TP Thủ Đức) mua 100.000 cổ phiếu FCN với giá hơn 11.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 5, hơn 1 tuần sau mã FCN tăng giá mạnh lên 13.500 đồng/cổ phiếu, ông bán chốt lời và bỏ túi gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu này tiếp tục tăng lên hơn 14.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy vậy, không phải ai cũng bắt đúng "sóng" và kiếm lời nhiều, vẫn có nhiều nhà đầu tư chấp nhận cầm tiền đứng ngoài thị trường vì sợ hiệu ứng "Sell in May", lo thị trường điều chỉnh, lo kinh tế còn khó khăn hoặc chờ cổ phiếu giảm giá thêm mới mua... Đến giờ, hầu hết nhà đầu tư này đều tỏ ra tiếc nuối. "Tôi đã bán hết cổ phiếu từ cuối tháng 4 để chờ thời điểm mua mới. Tuy nhiên, các cổ phiếu tôi quan tâm đều không giảm mà còn tăng mạnh. Nhìn giá lên mà tôi cảm thấy tiếc thật sự" - bà Thu Tâm, một nhà đầu tư ở Phú Nhuận, TP HCM, thừa nhận.
Còn chị Thanh Hồng (quận 7, TP HCM) cho biết vì chủ quan, không theo nhân viên môi giới mà chị mất hết lợi nhuận trong đợt "sóng" tháng 5. Với cổ phiếu HHV của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả mà chị "gồng lỗ" suốt 6 tháng khi vừa phục hồi nhẹ, chị đã bán sạch để chuyển sang mua cổ phiếu ngành chứng khoán. Tuy nhiên, sau bán xong, mã HHV vẫn tăng giá thêm 14% nữa, còn mã chứng khoán chị mua mới không tăng mà còn giảm nhẹ rồi đi ngang ở mức giá cao.
Chứng khoán tháng 5 giúp nhiều nhà đầu tư lãi lớn cũng khiến nhiều người tiếc nuối vì lỡ “sóng” Ảnh: Hoàng Triều
Thận trọng, tránh mua đuổi
TS Lê Đạt Chí, Giám đốc Chương trình Liên kết Cử nhân Tài chính Ứng dụng (Pháp), cho rằng lâu nay TTCK trong và ngoài nước đều theo "Hiệu ứng tháng giêng" (January effect) luôn tích cực và tháng 5 là tháng để bán cổ phiếu tức là "Sale in May". Tuy nhiên, thị trường tháng 5 này không như vậy, vì các yếu tố cơ bản của nền kinh tế trong và ngoài nước đang chuyển mình theo hướng tích cực hơn. Trong nước, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy các nguồn lực để phục hồi kinh tế.
Ở chiều ngược lại, kinh tế vẫn còn nhiều lo lắng, lãi suất còn cao, vĩ mô thế giới còn chưa ổn định và rủi ro suy thoái vẫn còn hiển hiện… Điều này lý giải vì sao thị trường liên tục tăng rồi điều chỉnh, cổ phiếu phân hóa mạnh mẽ chứ không đồng thuận như trước. Chỉ những doanh nghiệp (DN) có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng hưởng lợi trong quá trình kinh tế phục hồi thì giá cổ phiếu sẽ lên mạnh còn những DN khó khăn, cổ phiếu sẽ đi ngang, thậm chí sẽ bị giảm mạnh nếu tình hình nội tại DN quá xấu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đánh giá TTCK tháng 5 năm nay không có "Sell in May", giá cổ phiếu cũng không giảm để nhà đầu tư "săn sale" như kỳ vọng. Trong nửa đầu tháng 5 thị trường đã tăng khá tốt, cổ phiếu phân hóa theo nhóm, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa là những cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, nửa cuối tháng 5, thị trường đã có dấu hiệu hạ nhiệt vì kinh tế tăng trưởng không như kỳ vọng.
"Chuyển biến tích cực của thị trường thời gian qua chủ yếu do tâm lý tích cực và sự kỳ vọng của nhà đầu tư, chứ chưa phải đến từ nội tại của DN và nền kinh tế. Đó cũng là lý do khiến thị trường dao động, "tăng, chỉnh" liên tục rất khó chịu. Vì vậy, nhà đầu tư cần tránh lo lắng thái quá, cũng đừng nôn nóng "mua đuổi" mà nên kiên nhẫn quan sát và chờ chu kỳ mới khi đã lỡ sóng ở một vài cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu nào đó" - ông Minh nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), cho rằng thị trường từ cuối tháng 4 đến nay vừa rung lắc vừa đi lên, dòng tiền liên tục nhảy từ nhóm cổ phiếu này sang nhóm khác là do dòng tiền chưa đủ mạnh để có thể kéo một nhóm ngành tăng lâu dài. Chưa kể nhà đầu tư cũng có tâm lý "ăn chắc" nên lời 5%-10% hay cao nhất 15%-17% là bán chứ ít đợi lâu hơn nên các nhóm cổ phiếu khó duy trì đà tăng bền vững.
Cũng theo ông Tuấn, dòng tiền vào thị trường chưa mạnh còn do DN vẫn đang xoay trở trong khó khăn, áp lực trả nợ trái phiếu vẫn còn nhiều, xuất khẩu, bán lẻ, tiêu dùng chưa thực sự hồi phục. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng dù có giảm nhưng vẫn còn cao. "Nếu tham gia thị trường giai đoạn này, nhà đầu tư phải biết chia dòng tiền ra để vào các nhóm ngành theo chiến lược có công cụ phân tích. Đặc biệt phải theo dõi, bám sát thị trường để có thể giao dịch nhanh nhất thì lợi nhuận sẽ đạt kỳ vọng" - ông Tuấn nói.
Hưởng lợi về dài hạn
Là nhóm cổ phiếu có vai trò dẫn dắt thị trường nhưng thời gian qua, các cổ phiếu ngân hàng (NH) chưa có sự bứt phá mạnh dù được đánh giá sẽ hưởng lợi từ động thái giảm lãi suất liên tục của NH Nhà nước.
Chị M.Ngọc (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) nắm giữ cổ phiếu SHB từ cuối năm ngoái ở vùng giá 11.000 đồng, đến nay chỉ nhích vài % lên 11.850 đồng/cổ phiếu. Tương tự, nhiều nhà đầu tư khác đang nắm giữ những cổ phiếu của các NH có thông tin tích cực như VIB dự kiến chia cổ tức 35%; VPB sắp chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 10%; ACB chia cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt tỉ lệ 25%... cũng không tăng giá như kỳ vọng.
"Nếu so với những cổ phiếu của các dòng bất động sản, xây dựng, chứng khoán, dầu khí..., cổ phiếu NH gần như không tăng trong vài tháng qua dù NH nào cũng lãi từ vài ngàn tới cả chục ngàn tỉ đồng" - anh Đức Thanh (một nhà đầu tư có thâm niên 3 năm trên thị trường) băn khoăn.
Nói về cổ phiếu NH, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng nếu so với giai đoạn đại dịch (2020-2021), tức thời kỳ "tiền rẻ" thì lãi suất hiện tại vẫn đang cao hơn. Chưa kể, các NH đang phải đối mặt với sức ép nợ xấu tăng do DN gặp khó khăn, nhất là bất động sản; tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhiều NH giảm; biên lãi ròng (NIM) của nhiều NH cũng thu hẹp. Chính những sức ép này khiến cổ phiếu "vua" khó bứt phá được.
Báo cáo ngành NH mới đây của FiinGroup - tổ chức chuyên sâu về tài chính - cũng cho thấy trừ các NH có "câu chuyện" riêng còn lại hầu hết NH thương mại đều e dè trong việc đặt mục tiêu lợi nhuận tăng thấp hơn hay thậm chí giảm. Nguyên nhân là do bối cảnh vĩ mô hiện tại không thuận lợi, cụ thể là mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao, hoạt động xuất khẩu yếu đi, cầu tiêu dùng trong nước suy yếu, thị trường bất động sản và trái phiếu DN trầm lắng.
"Triển vọng lợi nhuận của ngành NH trong năm 2023 đang chịu ảnh hưởng bởi 3 yếu tố là thu nhập từ lãi dự kiến kém đi vì do tín dụng tăng thấp và NIM khó có thể tăng do cạnh tranh cho vay các nhóm khách hàng tốt. Thu nhập từ hoạt động khác, chủ yếu là hoạt động bán chéo bảo hiểm, cũng tăng thấp. Áp lực trích lập dự phòng tăng lên khi chất lượng tài sản suy yếu do hệ lụy từ những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản và trái phiếu DN. Do đó, nhà đầu tư đang e dè với cổ phiếu NH" - các chuyên gia của FiinGroup nhận định.
Liên quan tới việc NH Nhà nước giảm lãi suất tác động thế nào tới chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng trong ngắn hạn thông tin tích cực này chưa hỗ trợ cho thị trường, thậm chí nhà đầu tư sẽ phản ứng bán chốt lời với những dòng cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng mạnh thời gian qua.
Về dài hạn, khoảng 6 tháng cuối năm, chứng khoán có thể hưởng lợi khi các DN niêm yết tiếp cận vốn tín dụng với chi phí vốn thấp hơn, lãi suất cho vay giảm hỗ trợ các lĩnh vực đang gặp khó như bất động sản.
Thái Phương
Người Lao động