Lại "lùa gà" đầu tư tiền ảo
Tình trạng kẻ gian tạo ra những đồng tiền số không có giá trị, tạo lập cộng đồng để bơm thổi giá trị ảo nhằm mục đích lừa đảo lại rộ lên gần đây
- 08-01-2025Apple điêu đứng vì AI tự tung “tin giả”
- 08-01-2025Người dân có phải đổi thẻ căn cước khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
- 07-01-2025Lập nhóm Zalo, dùng “tiếng lóng” để báo chốt giao thông
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, giá Bitcoin (BTC) - đồng tiền số lớn nhất thị trường - liên tục phá đỉnh, lập mốc lịch sử 110.000 USD/BTC (tương đương gần 2,8 tỉ đồng/BTC), kéo theo đà tăng đột biến của nhiều coin khác như BNB, ETH... Thị trường vì thế xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo ăn theo sức nóng của các đồng tiền số.
Mời chào đầu tư khắp nơi
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều hội, nhóm tiền ảo trên mạng xã hội Facebook, Telegram... những tuần gần đây bắt đầu hoạt động sôi động trở lại. Ví dụ, trên nền tảng Facebook, nhóm Trade Coin Việt Nam có 433.700 thành viên, nhóm Học viện Crypto với 591.400 thành viên, Pi Network Việt Nam với 322.000 thành viên, Thế giới Pi Network với 247.000 thành viên... đang rần rần chia sẻ loạt bài viết khoe lãi và kêu gọi đầu tư.
Trên một Fanpage, tài khoản Q.L cho biết chỉ vừa đầu tư vào đồng coin E. đã kiếm được lời ngay lần đầu giao dịch. Ra sức quảng cáo đồng tiền số này chắc chắn sẽ tăng giá gấp 4-5 lần, mức độ uy tín 100%, người này kêu gọi mọi người truy cập đường link để mua tích lũy. "Đây là cơ hội để có tiền tiêu thoải mái dịp Tết này" - Q.L quả quyết.
Ở một nền tảng khác, để thu hút người tham gia, tài khoản P.T kể lại hành trình đầu tư tiền số thành công của mình trong năm qua. Theo T., đầu năm 2024, sau khi tìm hiểu thông tin trên các hội, nhóm đầu tư coin, người này đã vay mượn 200 triệu đồng để mua 2 đồng S. và B., đến cuối năm thì lời gấp đôi. "Sau khi chốt lời, tôi đã mua ô tô mới. Hiện giờ tôi bỏ tiền ngắn hạn vào đồng B. để kiếm tiền xài Tết. Ai cần hỗ trợ cứ nhắn tin, tôi sẽ hướng dẫn tải ứng dụng và tặng 300.000 đồng để đầu tư, bảo đảm lãi lớn" - tài khoản P.T nhiệt tình.
Ở phần bình luận dưới những bài viết này, nhiều tài khoản ảo còn "mồi" thêm để kích thích người chơi, như: "Thắng thua là chuyện bình thường, nhưng một khi đã lãi thì lãi lớn, như tôi đầu tư 30 triệu sau 1 năm tăng hơn 300 triệu", "Tôi đầu tư 3-4 năm rồi, có thắng có thua nhưng tính chung vẫn lãi, không cần đi làm nhiều"...
Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên thị trường tiền điện tử song nhiều người vẫn "sập bẫy" với số tiền "khủng".
Mới đây, đầu tháng 12-2024, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông phát cảnh báo liên quan vụ việc một phụ nữ tên T. ở Hà Nội trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo đầu tư tiền ảo, bị chiếm đoạt số tiền 9,4 tỉ đồng. Theo đó, thông qua mạng xã hội Facebook, bà T. đã kết bạn, trò chuyện với tài khoản Nguyễn Thị Thùy Dung. Sau một thời gian, người này mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo thông qua website mcprimetrusted.com.
Trước lời quảng cáo hấp dẫn, bà T. tạo tài khoản theo hướng dẫn, rồi nạp 5 tỉ đồng để nhận 350.000 USD (tương đương 9 tỉ đồng) như hứa hẹn. Tuy nhiên, khi bà T. muốn rút số tiền trên, đối tượng lừa đảo yêu cầu trong vòng 5 giờ phải đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản, đóng thêm 15% nữa để mua bảo hiểm tiền gửi và 3% phí chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân. Tin tưởng, bà T. nộp tiền thêm nhưng không rút được gốc.
Nhiều hình thức lừa đảo
Tại tọa đàm về phòng chống tội phạm tài chính trên không gian mạng do Ban Chuyên đề Công an TP HCM phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức mới đây, thượng tá Trần Tiến Quang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP HCM, đã thông tin chi tiết về tình hình lừa đảo liên quan tiền ảo.
Theo đó, gần đây trên địa bàn xuất hiện hình thức kẻ gian tạo ra những đồng tiền số không có giá trị, tạo lập cộng đồng để trao đổi, bơm thổi giá trị ảo nhằm mục đích lôi kéo, lừa đảo người chơi. Những kẻ này còn thường xuyên tổ chức sự kiện, đưa "con mồi" đi nước ngoài để dẫn dụ, quảng bá.
"Cần xem tiền mã hóa là tài sản để có chế tài xử lý. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa xem loại tiền này là tài sản nên cơ quan chức năng rất khó khăn khi tiếp cận, xử lý các vụ việc" - ông Quang cho hay.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch VBA, tại Việt Nam, nhiều tổ chức không rõ thông tin như CrossFi, Bom Network liên tiếp tổ chức hội thảo kín để huy động vốn bất hợp pháp. Các sàn giao dịch Mexc, Binance... cũng quảng bá công khai thông tin về tiền số và cho phép giao dịch tự do dù không được cấp phép tại Việt Nam.
Do đó, ông Trung đề xuất cơ quan chức năng cần có giải pháp phòng ngừa để ngăn chặn hành vi vi phạm khi chưa hình thành. Đồng thời, cần kiểm soát hoạt động chuyển từ ví tiền mã hóa sang nền tảng tài chính truyền thống.
Luật sư Đào Tiến Phong, Giám đốc Điều hành Hãng luật Investpush, cho rằng tiền mã hóa vẫn là một khái niệm còn rất mới tại Việt Nam và chưa có quy định để kiểm soát. Trong khi đó, giá trị giao dịch tiền mã hóa trên thị trường rất lớn, lên đến hàng trăm triệu USD.
Để bảo đảm an toàn cho người chơi và nhà nước không bị thất thu thuế, ông Phong đề xuất quy định các sàn, nhà cung cấp loại tiền này phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Song song đó, yêu cầu sàn thực hiện các biện pháp xác minh khách hàng thông qua nhận diện khuôn mặt (KYC).
"Cần có cơ quan chuyên trách theo dõi hoạt động trên sàn tiền số nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, có thể đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tham khảo những quy định mà thế giới đã áp dụng, tăng cường biện pháp chống rửa tiền một cách nghiêm ngặt" - ông Phong kiến nghị.
Rửa tiền thông qua coin lên đến 100 tỉ USD
Theo Chainalysis - công ty phân tích Blockchain của Mỹ, từ năm 2019-2024, khoảng gần 100 tỉ USD tiền mã hóa bất hợp pháp đã được "rửa" thông qua các dịch vụ chuyển đổi. Riêng năm 2022, số tiền được "rửa" qua hoạt động này đã lên đến 31,5 tỉ USD, phần lớn là qua sàn giao dịch Garantex của Nga.
Năm 2023, hơn 1,4 triệu ví trung gian chuyển tiền bất hợp pháp đã bị các cơ quan chức năng trên thế giới phát hiện, tăng đáng kể so với khoảng 800.000 ví vào năm 2022.
Người Lao Động