Lãi nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ sản xuất kẹo cu đơ
Vị bùi bùi của lạc, ngọt đậm của mật, hương thơm thoang thoảng của gừng kết hợp với nhau tạo nên một hương vị khó quên. Nhờ kẹo cu đơ, nhiều hộ dân đã có nguồn thu ổn định từ 300 - 500 triệu đồng/hộ/năm.
- 24-02-2023Hàng loạt thương hiệu lớn rời bỏ thị trường, người dùng Nga “chốt đơn” mua Cocacola, Zara, Ikea kiểu gì?
- 23-02-2023Chân dung chiếc xe điện có giá hơn 500 triệu đồng soán ngôi bán chạy của Tesla, bắt đầu đẩy mạnh cuộc đua giành thị phần xe điện tại thị trường của VinFast
- 23-02-2023Hé lộ thiết kế như xe sang của Hyundai Accent 2023, giá dự kiến chỉ từ 320 triệu đồng, bỏ xa Toyota Vios và Honda City?
Về làng nghề bánh kẹo ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An những ngày này, không khí lao động nhộn nhịp. Khoảng 20 năm trở lại đây, nghề làm bánh kẹo phát triển đem lại thu nhập chính, làm giàu cho nhiều hộ gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Thế Lực (SN 1966, trú xóm Xuân Bắc), chủ cơ sở sản xuất kẹo lạc Lực Thanh gắn bó với nghề lâu nhất ở xã Diễn Vạn. Để sản phẩm làm ra ngon, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng thì khâu chọn nguyên liệu luôn được ông chú trọng. “Tất cả những nguyên liệu đầu vào như lạc, vừng, mạch nha, đường... phải là loại ngon, đảm bảo độ giòn, thơm, béo. Để có được miếng kẹo cu đơ thơm ngon thì người làm nghề phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt”, ông Lực chia sẻ.
Theo ông Lực, làm ra một mẻ kẹo cu đơ không khó, cái khó nấu kẹo thế nào cho ngon, để lâu mà không ướt, hỏng. “Chảo sau khi được bắc lên bếp lửa đỏ rực sẽ lần lượt cho mạch nha, mật mía, đường trắng vào quấy đều cho sôi. Khi vừa tan đường thì từ từ đổ lạc vào. Yếu tố quyết định hình thức cũng như chất lượng của kẹo chính là công đoạn khuấy nha và đường, chỉ cần quá lửa một chút là kẹo sẽ bị đắng, ăn không thơm ngon nữa”, ông Lực nói.
Mỗi ngày cơ sở sản xuất kẹo lạc Lực Thanh làm khoảng 3 tạ lạc với 30 mẻ kẹo. Dịp Tết, nhu cầu tăng cao, cơ sở của ông làm lên đến 1 tấn lạc/ngày, đỏ lửa cả ngày lẫn đêm.
Hiện, cơ sở sản xuất trên 10 món kẹo như cu đơ giòn, kẹo lạc vừng, kẹo dồi, kẹo hộp…Trong đó, nhiều nhất là kẹo cu đơ giòn.
Những chiếc kẹo thơm ngọt sau khi được đóng gói được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Thanh Hóa, TPHCM,… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cơ sở của ông Lực thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Dàn cho kẹo đều trên mặt bánh đa.
Kẹo sau khi được dàn đều sẽ được phủ một lớp vừng
Năm 2021 và 2022, kẹo cu đơ giòn của cơ sở sản xuất bánh kẹo Lực Thanh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Làng nghề phát triển đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Những năm trước, nghề làm bánh kẹo truyền thống hoàn toàn bằng thủ công. Hiện nay, nhiều hộ sản xuất đã đầu tư máy móc hiện đại vào các công đoạn để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Hoàng Thiên Long, Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu) cho biết, năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo cho hai xóm Xuân Bắc và Đồng Hà. Ngoài tạo việc làm cho những người trong gia đình, làng nghề phát triển còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
“Làng nghề bánh kẹo ở Diễn Vạn hiện có hơn 100 hộ với 500 lao động địa phương. Trong năm 2022, nhiều hộ đạt lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề; tiếp tục hướng dẫn cho bà con sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng; đồng thời đăng ký, xây dựng sản phẩm OCOP, để bánh, kẹo của bà con có thương hiệu”, ông Long cho hay.
Tiền phong