Lãi suất cao, ngân hàng cũng chẳng được lợi
Tiếp cận tín dụng với lãi suất ưu đãi, vướng mắc về tài sản thế chấp… là những vấn đề nóng được nhiều doanh nghiệp đặt ra tại Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2023 do UBND TP.HCM, NHNN chi nhánh TP.HCM tổ chức ngày 28/2 với chủ đề “ Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển”.
- 01-03-2023Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 01/3: Ở ngân hàng nào cao nhất?
- 28-02-2023Vì sao lãi suất đồng loạt giảm dù NHNN hút thanh khoản mạnh kỷ lục?
- 28-02-2023Ngân hàng cam kết tung 11.000 tỉ đồng cho vay lãi suất từ 7%/năm
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh về việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay còn cao, hay sự khác biệt về lãi suất cho vay tại các ngân hàng...
Phản hồi những ý kiến này, đại diện Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) chia sẻ, lãi suất cho vay của ngân hàng được tính toán dựa trên cơ sở chi phí huy động vốn đầu vào, dựa trên điểm tín nhiệm và mức độ giao dịch của khách hàng tại ngân hàng, cũng như loại hình cho vay là ngắn hạn, trung hạn, hay dài hạn… Căn cứ trên tất cả các yếu tố đó, ngân hàng sẽ ra các mức lãi suất khác nhau cho từng đối tượng khách hàng. Vì lẽ đó khó có thể áp một mức lãi suất cho vay chung cho các ngân hàng hay với các đối tượng khác nhau.
Quang cảnh hội nghị
Đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng cho biết, khi lãi suất huy động và kéo theo đó là lãi suất cho vay cao, các ngân hàng chẳng những không hề được lợi, mà trái lại đó còn là rủi ro lớn. Bởi lãi suất cao khiến cầu tín dụng giảm, doanh nghiệp tăng chi phí tài chính, dẫn tới sản xuất kém hiệu quả và có khả năng không trả được nợ ngân hàng. “Các ngân hàng luôn muốn lãi suất thấp. Thời gian qua NHNN cũng liên tục chỉ đạo rất quyết liệt về việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp để tạo điều kiện sản xuất kinh doanh hiệu quả”, đại diện OCB nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện OCB, mặt bằng lãi suất đang giảm, trong đó lãi suất cho vay giảm nhanh hơn huy động. Ngay như OCB cách đây 3 tuần đã giảm một loạt lãi suất cho vay đối với nhiều lĩnh vực, đặc biệt là cho vay vốn lưu động và vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, OCB cũng như các ngân hàng khác hiện đang đẩy mạnh phát triển thêm các dịch vụ và hy vọng doanh nghiệp tích cực tham gia. Khi doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng, sẽ đem lại thêm nguồn thu cho ngân hàng, từ đó tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Ghi nhận những ý kiến từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề lãi suất, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM khẳng định: “Lãi suất cao là vấn đề mà chúng tôi không mong muốn. Thời gian qua, NHNN cũng như UBND TP.HCM có rất nhiều chỉ đạo để làm sao kéo giảm lãi suất xuống. Chúng tôi tin thời gian tới lãi suất sẽ xuống dần theo tín hiệu thị trường, sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường thế giới”.
Nhiều vấn đề “ngoài tầm” của ngân hàng
Một nhóm vấn đề khác được nhiều doanh nghiệp nêu lên là trong định giá, thế chấp tài sản là bất động sản để vay vốn. Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất – Thương mại Mebipha nêu thực trạng, gần đây hồ sơ vay vốn thế chấp bằng đất thuê trong khu công nghiệp của doanh nghiệp này bị trả lại với lý do đất thuê trong khu công nghiệp là đất thuê hàng năm nên không được định giá và thế chấp, cho dù doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuê đất hàng năm tới 2056. “Tôi biết Luật Đất đai khiến ngân hàng bị vướng. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang rất khó khăn do quy định này và chúng tôi đề nghị có cách nào để xem lại điều kiện, cho doanh nghiệp thế chấp đất này để vay hay không?”, bà Ái đặt vấn đề.
Trong khi theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, đất nông nghiệp hiện nay được định giá thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Từ đó dẫn tới khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp khi sử dụng đất nông nghiệp làm tài sản đảm bảo vay vốn. Khó khăn càng lớn hơn khi các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay đều mở rộng sản xuất ở địa phương, nơi đất nông nghiệp còn được định giá thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn.
Liên quan đến những vấn đề này, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM chia sẻ, trong hoạt động ngân hàng việc định giá tài sản đảm bảo cũng phải tuân theo các quy định, hướng dẫn để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay được tiến hành trong thời gian dài, vì vậy công tác định giá phải đảm bảo để giá trị tài sản ổn định trong thời gian dài, không thể căn cứ vào thời điểm sốt giá để định giá tài sản.
Qua những ý kiến trên có thể thấy, mặc dù các ngân hàng đã rất nỗ lực để đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, song bản thân các ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế. Chia sẻ với những khó khăn này từ phía các ngân hàng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định một số vấn đề sẽ được thành phố phản ánh lên trung ương để tháo gỡ, chứ không chỉ nằm trong phạm vi giải quyết của ngành Ngân hàng. Ví dụ các quy định về dùng quyền thuê đất trả tiền hàng năm để thế chấp, hoặc định giá đất làm sao tiệm cận giá thị trường thì ngân hàng không thể tự mình giải quyết được…
Ông Mãi cho biết thêm, trong dự thảo Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, thành phố đã đề xuất được phép sử dụng quyền thuê đất hàng năm để thế chấp, chuyển nhượng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất cho phép được xác định hệ số điều chỉnh giá đất làm sao tiệm cận với giá thị trường trong từng loại đất để phục vụ cho các giao dịch của ngân hàng với doanh nghiệp, người dân. “Nếu được thông qua, các quy định này sẽ mở ra rất nhiều không gian phát triển kinh tế, trong đó có hoạt động ngân hàng”, ông Mãi nói.
Ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm nay sẽ gắn với chương trình hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các TCTD trên địa bàn TP.HCM đã hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố với doanh số đạt 469.000 tỷ đồng. Trong số này, đã giảm lãi suất cho vay theo các chương trình của ngân hàng khoảng 300.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp 100.000 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 trên 9.000 tỷ đồng.
Thời báo ngân hàng