MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm

02-06-2016 - 13:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Đó là một trong những điểm tích cực trong bức tranh kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm theo như Báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 5/2016. Phiên họp diễn ra trong 2 ngày 1-2/6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm tích cực nữa trong bức tranh kinh tế là tín dụng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực ngay từ những tháng đầu năm. Tính đến ngày 20/5/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,64%); tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52% (cùng kỳ tăng 4,26%). Đặc biệt lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm trong khi lãi suất huy động VND tương đối ổn định.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát 5 tháng đã tăng 1,88%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 chỉ tăng 2,4% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của 5 tháng năm 2015 là 9,2%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 9,1% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,8%. Các mức tăng này đều thấp hơn so với cùng kỳ mấy năm gần đây.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn duy trì được đà tăng so với cùng kỳ năm trước, song tốc độ là chậm dần. Theo đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 67,7 tỷ USD, chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015; trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng 7,3%, 2014 tăng 15,4%. Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm nên vẫn duy trì được xuất siêu (5 tháng xuất siêu 1,36 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Tiến độ thu NSNN cũng đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn còn ở mức cao...

Từ thực tế trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhóm giải pháp như kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô (về kiểm soát tình hình giá cả thị trường, tiền tệ, tín dụng; cân đối thu chi NSNN); khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Theo P.L

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên