Lãi suất cho vay giảm nhưng cần thực chất
Ngay sau cuộc họp giữa Thủ tướng với DN, nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm đối với các khoản vay, ngắn, trung và dài hạn. Đây là tin vui cho DN nhưng lại chất chứa nhiều nỗi e ngại của các ngân hàng khi khó có thể kham nổi tác động từ vấn đề này.
Nỗi khổ của ngân hàng
Từ ngày 29-4, thực hiện theo cam kết với phía Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)… đều lên tiếng sẽ điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung, dài hạn VND về tối đa không quá 10%/năm và giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn đưa ra các gói tín dụng cho vay dành cho từng đối tượng doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi khoảng 6-7%/năm.
Đây thực sự là tin vui với các DN sản xuất kinh doanh đang thiếu vốn làm ăn như hiện nay. Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo một số ngân hàng, để có được mức lãi suất giảm như trên, các ngân hàng phải “cắn răng” cắt giảm chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến quy trình, thủ tục… Tiêu biểu như Vietcombank cam kết tiết giảm khoảng 300 tỷ đồng, BIDV cam kết nỗ lực tiết giảm 500-600 tỷ đồng chi phí hoạt động…
Tuy vậy, sức ép lên lãi suất của các ngân hàng luôn chực chờ và các ngân hàng không thể chỉ tiết giảm chi phí hoạt động là đủ. Bởi theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), các ngân hàng cũng là DN kinh doanh nên trong thời điểm bình thường, tiết giảm được bao nhiêu chi phí hoạt động là họ đã phải cố gắng tiết giảm, chứ không chỉ đến lúc này mới thực hiện. Vì thế, các ngân hàng cần nhiều yếu tố hỗ trợ để họ thực sự đồng thuận với việc giảm lãi suất. Một điều hiển nhiên là khi nền kinh tế kém đi, DN ít vay vốn thì lãi suất ngân hàng sẽ buộc phải giảm để thu hút khách hàng, còn nếu ngân hàng vẫn hoạt động được với lãi suất đang ở mức cao như hiện nay có nghĩa là DN chịu đựng được và các điều kiện kinh doanh đang đáp ứng tốt.
Chính vì vậy, tự bản thân các ngân hàng cần tập trung thêm các biện pháp để tăng trưởng tín dụng một cách an toàn nhất, cơ cấu, xử lý nợ xấu một cách triệt để. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, BIDV sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ quy mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao. Hơn nữa, BIDV tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập...
Hỗ trợ cần thực chất
Một điều đáng lưu ý là lạm phát năm 2016 được dự báo ở mức 3-5%, khá cao so với mức 0,63% của năm 2015. Hơn nữa, trong khoảng 3 tháng trở lại đây, lãi suất huy động luôn ở mức cao ngất ngưởng khiến ngân hàng khó giảm giá vốn đầu vào. Trong khi theo nhiều chuyên gia nhận định, việc tăng lãi suất huy động sẽ gây áp lực tăng lãi suất cho vay, nhưng lãi suất cho vay vẫn được được giữ ổn định trong thời gian qua đã cho thấy sự cố gắng hết sức của các ngân hàng và cơ quan quản lý.
Vì thế, nhiều DN tỏ ra lo ngại, lãi suất cho vay giảm nhưng không có nghĩa là DN đủ khả năng tiếp cận được nguồn vốn, bởi có thể chi phí dịch vụ và những vấn đề liên quan khác sẽ tăng theo. Chính vì thế, các ngân hàng cần phải có sự hỗ trợ thực chất để việc giảm lãi suất được đi theo đúng quy luật của thị trường chứ không phải tuân theo mệnh lệnh hành chính hay cam kết “suông” với Chính phủ.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, để đảm bảo việc giảm lãi suất cho vay được hiệu quả trước hết lãi suất huy động phải giảm với mức độ tương đương hoặc giảm nhiều hơn, để lợi nhuận của các ngân hàng được tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh đó, tùy “sức khỏe” của từng ngân hàng, phía Ngân hàng Nhà nước cần giảm mức độ an toàn trong tiêu chuẩn Basel II để các ngân hàng tránh được gánh nặng trích lập quỹ dự phòng rủi ro khá lớn.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trần Bắc Hà kiến nghị, các ngân hàng có đủ khả năng giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm nếu thực hiện một loạt biện pháp đồng bộ như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống còn 1% với VND và 3% với ngoại tệ; giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản xuống 8% thay vì là 10% như theo Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giảm lượng phát hành trái phiếu Chính phủ…
Nhìn chung, việc giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện kinh doanh cho các DN là cần thiết. Tuy nhiên, nếu cứ để các ngân hàng một mình “xoay xở” thì sẽ có những rủi ro nhất định, do vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng và cùng chung tay giúp hỗ trợ các ngân hàng để lãi suất cho vay được giảm thực chất, mang lại hiệu quả cho DN.