Lãi suất có thể tăng thêm 1-1,5 điểm %, đâu là điểm đến cho dòng tiền thời gian tới?
Từ độ “nhạy” của VN-Index với lãi suất, chuyên gia SSI cho rằng với mức lãi suất dự báo tăng cuối năm nay và đầu năm sau thêm 1- 1,5 điểm % nữa có thể gây áp lực lên định giá thị trường nói chung.
Rủi ro vĩ mô hiện hữu
Chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” do VietnamBiz và Công ty Cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức, ông Trần Ngọc Báu nhận định nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bối cảnh chung cho thấy bức tranh không mấy tích cực về kinh tế toàn cầu.
Nhìn về triển vọng vĩ mô năm 2022 của Việt Nam, chuyên gia đánh giá khá tích cực khi tăng trưởng tốt với mức lạm phát duy trì ổn định. Tuy nhiên, việc NHNN mạnh tay tăng lãi suất có thể gây áp lực lên tỷ giá VND và từ đó gây tác động tiêu cực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Sang năm 2023, bối cảnh vĩ mô sẽ xấu hơn khi tăng trưởng GDP chậm lại. Nhiều tổ chức dự báo tăng trưởng GDP chỉ ở mức 6,8% - thấp hơn cả mức trước khi dịch Covid diễn ra.
Về vấn đề tăng lãi suất, Fed sẽ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Việt Nam để ổn định tỷ giá cũng sẽ tăng lãi suất theo. Chỉ trong hai tháng mọi kỳ vọng của thị trường đã đảo lộn hoàn toàn và phải thừa nhận Fed sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như này trong một năm nữa, không thể nhanh chóng nới lỏng.
Theo ông Báu, vấn đề tăng lãi suất chỉ là bề nổi, còn một vấn đề khác mà giới đầu tư dường như không chú ý đến là ngân hàng trung ương (NHTW) từ tháng 5, tháng 6 bắt đầu triển khai thu hẹp bảng cân đối kế toán. Thực tế, Fed đã giảm hơn 200 tỷ USD từ bảng cân đối kế toán và điều này làm cho đồng USD biến động hơn nữa,
Kết hợp giữa việc tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể giúp lạm phát Mỹ hạ nhiệt nhanh hơn. Tuy nhiên, áp lực thắt chặt đó ảnh hưởng khá tiêu cực đến các quốc gia khác. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang là quốc gia có khả năng kiểm soát tỷ giá khá tốt, song sang đến năm 2023 dự báo sẽ hỗ trợ tỷ giá bằng cách nâng thêm lãi suất.
Đâu sẽ là điểm đến của dòng tiền?
Dự báo về thị trường thời gian tới, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì khả quan, đạt khoảng 16,7% trong năm 2022 và 13,3% trong năm 2023.
Về mối tương quan giữ lãi suất và định giá P/E, ông Châu cho rằng có biến động theo hướng ngược chiều. Đưa ra dẫn chứng, trong năm 2009 lãi suất giảm mạnh đã kéo theo P/E của VN-Index tăng gấp đôi từ khoảng 10 lần lên 19 lần. VN-Index trong giai đoạn lãi suất thấp cũng tăng gần gấp 3.
Sau đó, từ cuối năm 2009 – 2012, lãi suất được điều chỉnh tăng trở lại từ mức 8% lên 14-15%, định giá thị trường cũng giảm mạnh. Tiếp theo VN-Index bắt đầu đi lên mạnh mẽ từ năm 2012 – 2018 trong bối cảnh lãi suất nới lỏng.
Tương quan giữa VN-Index là lãi suất được tiếp tục khi năm 2019 lãi suất thắt chặt hơn, chỉ số gần như đi ngang. Tuy nhiên, thị trường lại bùng nổ trong suốt hai năm 2020 - 2021 khi chính sách tiền tệ nới lỏng bởi dịch Covid.
Từ độ “nhạy” của VN-Index với lãi suất, chuyên gia SSI cho rằng với mức lãi suất dự báo tăng cuối năm nay và đầu năm sau thêm 1- 1,5 điểm % nữa có thể gây áp lực lên định giá thị trường nói chung.
Nhìn chung, xu hướng thị trường thời gian tới tiếp tục khó lường khi bối cảnh vĩ mô chưa thuận lợi. Thị trường vẫn có những nhịp tăng giảm và sự phân hóa giữa các nhóm ngành, song các nhịp sóng tăng giảm sẽ ngắn hơn giai đoạn trước.
Đồng thời, khi các yếu tố cơ bản không đủ mạnh, dòng tiền sẽ không đủ để kéo nhiều nhóm ngành. Các doanh nghiệp đầu ngành với năng lực tài chính tốt sẽ có sự chống chịu tốt hơn khi môi trường kinh doanh suy giảm. Đây cũng là thời điểm tốt để mua cổ phiếu nắm giữ dài hạn, nhưng cần định giá hợp lý.
Nhận định về một số nhóm cổ phiếu tiềm năng trong bối cảnh vĩ mô khó đoán, chuyên gia SSI gợi ý 5 nhóm cổ phiếu.
Thứ nhất, nhóm ngành phòng thủ ít phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế như điện, nước, y tế. Những nhóm này có khả năng tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 trước bối cảnh chung, song sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn khi nhiều nhóm ngành khác có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Thứ hai, cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và FDI. Chuyên gia SSI lưu ý nhà đầu tư cần chú ý lựa chọn những doanh nghiệp có ngành nghề liên quan chặt chẽ đến đầu tư công, ít phụ thuộc vào các dự án bất động sản bởi thanh khoản thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn trong những tháng cuối năm nay và kéo dài đến đầu năm sau. Mặt khác, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp cũng có tiềm năng tốt khi nhóm này có thể đạt mức tăng trưởng cao ít nhất hết đến nửa đầu năm 2023.
Thứ ba, nhóm cổ phiếu hưởng lợi khi giá đầu vào giảm. Các loại hàng hóa có sự sụt giảm như giá dầu, đồng chì, thép sẽ giúp các doanh nghiệp có sản phẩm đầu vào là các hàng hóa này sẽ ghi nhận biên lợi nhuận tốt hơn. Đơn cử như nhóm nhựa xây dựng, cao su săm lốp, hóa chất bột giặt,...
Thứ tư, nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng như IPO, thoái vốn hoặc có KQKD đã tạo đáy trước thị trường.
Thứ năm, chú ý những cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn, hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng. Trong bối cảnh định giá thị trường giảm, họ có thể đầu tư M&A các doanh nghiệp đối thủ với mức giá rẻ hơn rất nhiều.
Nhịp Sống Thị Trường