MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất có xu hướng tăng, nhóm ngành nào chịu áp lực lớn nhất?

Lãi suất có xu hướng tăng, nhóm ngành nào chịu áp lực lớn nhất?

Agriseco Research đưa ra những cơ hội và rủi ro của xu thế tăng lãi suất đến một số nhóm cổ phiếu.

Cùng áp lực lạm phát, mặt bằng lãi suất cũng đang có dấu hiệu rục rịch tăng sau 2 năm ở mức thấp kỷ lục. Cụ thể, các NHTW trên thế giới hầu hết cũng tăng lãi suất trong khoảng từ 0,5% - 1% theo sau động thái của Mỹ. NHTW Anh (BoE) đã nâng lãi suất chủ chốt lần thứ 5 liên tiếp lên mức 1,25% - mức cao nhất trong vòng 13 năm trong bối cảnh lạm phát được dự báo có thể tăng cao lên mức 11% tại quốc gia này. Trong khi đó, NHTW châu Âu (ECB) lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ đã tăng lãi suất 0,5% vào ngày 21/07 và dự kiến có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 9.

Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, các NHTM có dấu hiệu tăng lãi suất huy động trước nguy cơ lạm phát cùng việc chịu áp lực thanh khoản hệ thống khi tăng trưởng tín dụng luôn duy trì ở mức cao hơn hẳn so với tăng trưởng huy động (Theo số liệu NHNN, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt mức 9,35% trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,5%). Nhiều NHTM đã đồng loạt tăng lãi suất huy động, dao động từ 5,5% - 7,55%/năm với kỳ hạn 12 tháng, cao hơn khoảng 0,7% so với đầu năm.

Theo nhiều nhà kinh tế, lãi suất có thể tiếp tục chịu áp lực tăng và sẽ tác động tới thị trường chứng khoán cũng như các nhóm ngành, cổ phiếu có liên quan. Trong báo cáo phân tích mới đây, Agriseco Research đưa ra những cơ hội và rủi ro của xu thế tăng lãi suất đến một số nhóm cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu nào hưởng lợi?

Đối với nhóm cổ phiếu hưởng lợi, đội ngũ phân tích cho rằng một số ngành có lượng tiền ròng lớn có thể có triển vọng tốt khi mặt bằng lãi suất tăng. Trong số các nhóm ngành chính, ngành bảo hiểm được hưởng lợi rõ nét nhất khi lãi suất tăng.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, hiện trên sàn có duy nhất doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ BVH. Mặt bằng lãi suất cao giúp cải thiện hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, lãi suất kỹ thuật (lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 10 năm) tăng sẽ làm giảm giá trị trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng BHNT, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp. Với lợi thế là doanh nghiệp niêm yết duy nhất cung cấp sản phẩm BHNT trong nhóm bảo hiểm, yếu tố này sẽ gia tăng mức độ hưởng lợi của BVH so với các doanh nghiệp còn lại trong ngành.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, với quy mô danh mục đầu tư mà tiền gửi và trái phiếu hiện nay chiếm đa số khoảng 90% (tỷ lệ tiền gửi chiếm gần 70% trong khi trái phiếu chiếm khoảng 20%), hiệu suất sinh lời đầu tư của nhóm công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng. Agriseco Research ước tính nếu lãi suất tăng 1% sẽ giúp lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng thêm 10,8%.

Lãi suất có xu hướng tăng, nhóm ngành nào chịu áp lực lớn nhất? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Agriseco Research cho rằng vẫn còn một số ngành khác được hưởng lợi từ xu hướng lãi suất tăng do nắm giữ lượng tiền mặt lớn, ít vay nợ như: Thiết bị, Dịch vụ và Phân phối Dầu khí; Bia và đồ uống; Sản xuất Dầu khí; Vận tải;… Đặc biệt, nhóm Bất động sản KCN cũng sẽ được hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng nhờ duy trì được lượng tiền và tiền gửi ổn định khi có các khoản doanh thu chưa thực hiện lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp nắm giữ sẵn quỹ đất sẵn sàng cho thuê.

Một số nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực

Ngược lại, đội ngũ phân tích cho rằng môi trường lãi suất tăng cao cũng sẽ tác động tiêu cực đến một số nhóm ngành. Cụ thể, những ngành có đòn bẩy tài chính cao có thể chịu áp lực khi tăng lãi suất. Đơn cử như ngành Xây dựng có tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 1,18 lần, ngành Bán lẻ (1,13 lần), Dịch vụ tài chính (1,09 lần), Công nghệ thông tin (0,9 lần), Điện (0,81 lần), Sản xuất thực phẩm (0,74 lần), BĐS (0,53 lần),...

Trong số các nhóm ngành chính, đội ngũ phân tích cũng ước tính ngành Xây dựng bị ảnh hưởng lớn nhất khi lãi suất tăng 1% sẽ khiến lợi nhuận trước thuế toàn ngành giảm khoảng 14% trong điều kiện các nhân tố khác không đổi. Một số ngành khác có mức độ sụt giảm lợi nhuận mạnh khi lãi suất tăng 1% như Sản xuất và phân phối điện (-6%), Bán lẻ (-4,7%), Vật liệu xây dựng và nội thất (-4,5%). Riêng đối với nhóm Bất động sản thì mặc dù tác động chung là -3,7%, song tác động tới nhóm Bất động sản dân cư sẽ cao hơn so với nhóm Bất động sản khu công nghiệp do có tỷ lệ vay nợ cao hơn.

https://cafef.vn/lai-suat-co-xu-huong-tang-nhom-nganh-nao-chiu-ap-luc-lon-nhat-20220804154102878.chn

Thanh Thanh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên