MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất đặt doanh nghiệp như ngồi trên lửa, ngân hàng áp lực “ba bề, bốn bên”

27-08-2022 - 16:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Khủng hoảng đại dịch tạm qua, sản xuất chớm phục hồi, doanh nghiệp lại thêm lo lắng mới khi lãi suất nhấp nhổm tăng…

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Khủng hoảng đại dịch tạm qua, sản xuất chớm phục hồi, doanh nghiệp lại thêm lo lắng mới khi lãi suất nhấp nhổm tăng…

Lãi suất huy động đã và đang tăng dần lên. Mức cao nhất trên 7% đã xuất hiện nhiều dần trên biểu niêm yết. Doanh nghiệp kỳ vọng các ngân hàng chia sẻ và Nhà điều hành có thể bình ổn được áp lực mới này.

“Bẫy” lãi suất cao

Trong tháng 5 và tháng 6, nhiều ngân hàng đã bắt tay điều chỉnh lãi suất huy động nhằm đón dòng vốn nhàn rỗi chuẩn bị tốt thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi kinh tế.

Theo khảo sát, so với tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong tháng 6 tại một số ngân hàng được điều chỉnh tăng từ 0,1 - 0,8%, lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường ở mức 7%/năm.

Kể từ tháng 7 đến nay, xu hướng nâng lãi suất vẫn chưa hạ nhiệt; các “ông lớn” vốn được biết đến với lợi thế “tiền rẻ” cũng đã nhập cuộc. Mức lãi suất trên 7% đã xuất hiện nhiều hơn. Lãi suất ngân hàng cao nhất hiện nay thuộc về ABBank lên tới 8,8% ở kỳ hạn 13 tháng dành cho các khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ.

Trường hợp như trên tại ABBank như một điển hình tạo “bẫy” lãi suất cao, chỉ áp cho những khoản tiền gửi rất lớn. Những mức cao như vậy thường là “tiểu xảo” để các ngân hàng dùng để tham chiếu tính lãi suất cho vay (qua cộng thêm biên độ).

Hiện có khoảng 10 ngân hàng đang huy động lãi suất huy động trên 7%/năm: Bac A Bank, Nam A Bank, BaoVietBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank... áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng. Ngay cả “ông lớn” là Vietcombank cũng tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài lên 5,6%/năm, bằng với các ngân hàng thương mại nhà nước khác là BIDV, Agribank và VietinBank…

Theo ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng, song nguyên nhân chính phải kể đến là lạm phát có xu hướng tăng, khả năng duy trì mặt bằng lãi suất thấp rất thách thức với các tổ chức tín dụng. Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào nữa.

“NHTM buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền vào. Khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, dòng tiền cần phải quay lại khu vực sản xuất, giảm bớt ở các kênh đầu tư tài chính như chứng khoán, tiền, vàng”, ông Lực nhấn mạnh.

Lãi suất đặt doanh nghiệp như ngồi trên lửa, ngân hàng áp lực “ba bề, bốn bên” - Ảnh 1.

 Doanh nghiệp lo lắng

Việc điều điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng - được xem là tín hiệu thị trường khá tốt khiến người gửi tiền vui mừng. Tuy nhiên, doanh nghiệp hay người vay vốn để sản xuất, kinh doanh lại như ngồi trên lửa vì lo lắng lãi suất vay vốn sẽ tiếp theo đà tăng, trong khi giai đoạn này cần vốn để phục hồi kinh tế.

Theo ông Tô Ngọc Phương - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Hanpo Vina, doanh nghiệp mới chỉ vừa phục hồi sau đại dịch và đối diện với nhiều khó khăn như chi phí xăng dầu, hàng hóa đều tăng cao. Nếu lãi suất gia tăng thì chi phí hoạt động sẽ càng tăng cao nên doanh nghiệp không dám nghĩ đến chuyện vay thêm để đầu tư.

“Tôi mong muốn, các NHTM sẽ có những hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi hơn thời gian tới”, ông Phương mong muốn.

Còn theo ông Đinh Văn Hưng - Tổng giám đốc Công ty TNHH SIVAC, doanh nghiệp cũng đang lo ngại về xu hướng lãi suất tăng, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Trong khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ nếu tăng thêm chi phí lãi suất sẽ dẫn đến phải thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư, tăng sản xuất.

“Gói hỗ trợ 2% vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Doanh nghiệp đang cần nguồn vốn rẻ vẫn phải chờ đợi. Đây là một vòng luẩn quẩn cần được tháo gỡ kịp thời”, ông Hưng nhìn nhận.

Hiện nhiều hợp đồng vay của doanh nghiệp đã có lãi suất trên 9%/năm, có hợp đồng đang gánh lãi suất cao nhất từ 9,5 đến 9,7%/năm, trong khi trước đó thời dịch COVID-19 chỉ xoay quanh 8%/năm.

Dù khẳng định, lãi suất cho vay có thể đã chạm đáy thời gian qua và khó giảm thêm trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, song Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink cho rằng, đây là mức lãi suất cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã bắt đầu dần phục hồi “sức khỏe” nhưng chưa thể trở lại bình thường so với giai đoạn trước dịch bệnh. Đáng lo ngại, vừa vượt qua cơn bão COVID-19, họ chưa kịp hồi phục thì giá xăng dầu, nguyên liệu, logistics… thi nhau tăng cao đến chóng mặt. Chưa hết, đang bị bủa vây bởi hàng loạt khó khăn, nay lãi suất huy động của các ngân hàng lại đua nhau tăng… càng tạo thêm sức ép tài chính cho các doanh nghiệp”, ông Vinh quan ngại.

Ngân hàng nỗ lực bình ổn

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận, ngành ngân hàng đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên” khi mà người dân gửi tiền thì mong lãi suất cao để bù đắp lạm phát, trong khi doanh nghiệp đi vay lại muốn lãi suất giảm.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo NHNN khẳng định giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước.

Để tránh gây áp lực với lãi suất cho vay, hiện các NHTM cũng đang phải cân đối mức tăng lãi đầu vào, chỉ ở những kỳ hạn cần thiết hay củng cố nguồn vốn từ thị trường quốc tế để giảm mặt bằng lãi suất.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Giám đốc Ban khách hàng DNNVV BIDV cho biết, trong quá trình với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân hàng đã tìm kiếm nguồn giá rẻ từ các đối tác quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ để đưa ra nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn hiện nay.

“Để tiếp cận những nguồn vốn này, chúng tôi có những buổi hổi thảo tư vấn cho doanh nghiệp làm hồ sơ vay vốn, thủ tục cần thiết hay chúng tôi cũng có hướng dẫn để doanh nghiệp có thể trình bày những phương án kinh doanh, sử dụng vốn để đáp ứng tiêu cho vay”, bà Phượng cho hay.

Bà Đặng Thùy Linh - Giám đốc Quản lý Sản phẩm số hóa, Phòng khách hàng doanh nghiệp MSB cho biết, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay vẫn giữ ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

“Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn cuối năm 2022, ngân hàng vừa đưa ra gói cho vay tín chấp tối đa lên tới 15 tỷ đồng đã dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ưu tiên vào các lĩnh vực thương mại, sản xuất và xây dựng với mức lãi suất ưu đãi”, đại diên MSB thông tin.

Đánh giá cao nỗ lực của ngành ngân hàng, ông Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất cho vay hiện được các NHTM áp dụng theo cung - cầu thị trường và có sự cạnh tranh rất lớn giữa NHTM trong nước và ngân hàng nước ngoài đang hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, đang có sự phân hóa rất lớn về lãi suất cho vay giữa các NHTM đối với doanh nghiệp. Đơn vị nào có dự án tốt, tài chính tốt sẽ có mức lãi suất vay thấp và ngược lại.

“Với các doanh nghiệp, lúc này bên cạnh việc ổn định lãi suất thì cần tái cấu trúc, có phương thức đầu tư, kinh doanh và quản lý tài chính phù hợp trong giai đoạn phục hồi sau dịch”, ông Lực nói.

Theo Nguyễn Ngọc

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên