MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất huy động có thể tăng tới 2%/năm so với giai đoạn dịch bệnh?

26-09-2022 - 07:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất huy động có thể tăng tới 2%/năm so với giai đoạn dịch bệnh?

Theo VCBS, lãi suất huy động bình quân hiện đã tăng 90 – 110 điểm cơ bản (0,9 – 1,1 điểm %), phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các NHTM đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh.

Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, trước các rủi ro bất định gia tăng, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng trên cả thị trường 1 và thị trường 2 ghi nhận rõ nét nhất đối với thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Có thể thấy giai đoạn này thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn dồi dào so với giai đoạn trước.

Cùng lúc, nền kinh tế ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô: áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng. Với ưu tiên chính sách hàng đầu là duy trì các yếu tố ổn định (kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá), NHNN không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào, nhằm mục tiêu giảm sức hấp dẫn với việc nắm giữ đồng USD.

Tính trung bình, lãi suất huy động đã tăng 90 – 110 điểm cơ bản (0,9 – 1,1 điểm %), phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các NHTM đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh.

Cụ thể, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021- mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây trong khi tăng trưởng huy động chỉ đạt hơn 4%. Thực tế này có thể được ký giải do nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh sau dịch.

Ngoài ra, VCBS cho rằng xu hướng tăng của LSHĐ cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.

Lãi suất huy động có thể tăng tới 2%/năm so với giai đoạn dịch bệnh? - Ảnh 1.

Đứng trước nhiều rủi ro và yếu tố bất định gia tăng, nhà điều hành đã lựa chọn phương án duy trì mức thanh khoản vừa phải trên thị trường liên ngân hàng, đảm bảo hài hoà tăng trưởng tín dụng với các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô trong khi vẫn quản lý sát sao, chặt chẽ vấn đề dịch chuyển vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay các thị trường khác. Theo đó, các rủi ro mang tính chất địa chính trị đi kèm với xu hướng trung hoà dần chính sách tiền tệ nới lỏng trên thế giới là các yếu tố chính tạo nên mặt bằng lợi suất liên ngân hàng cao hơn so với cùng kỳ.

''Cho đến thời điểm này lựa chọn NHNN vẫn đang cho thấy sự hợp lý, linh hoạt nhất định trong bối cảnh tình hình chung trên thế giới đặc biệt là lạm phát kỳ vọng vẫn ở mức cao'', VCBS đánh giá.

Nhóm phân tích cũng nhận định, diễn biến trên thị trường tài chính gần đây vẫn thể hiện sự kém lạc quan khi trong suốt 2 tháng gần đây NHNN đã và đang phải sử dụng kết hợp nhiều công cụ cả tỷ giá và lãi suất nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô và thanh khoản trên thị trường tài chính.

Sau khi FED có nhưng đánh giá lại về kỳ vọng lãi suất điều hành cho năm 2023, VCBS cho rằng động thái hợp lý NHNN sẽ là điều chỉnh linh hoạt hơn nữa bao gồm:

Thứ nhất, NHNN tăng lãi suất điều hành để tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung xu hướng của nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Điều này đã hiện thực hóa ngày 22/9 khi NHNN công bố tăng lãi suất điều hành với mức tăng 1%, có hiệu lực từ ngày 23/09.

Thứ hai, NHNN cân nhắc tăng tỷ giá trung tâm, và tăng giá bán ngoại tệ với mức giảm giá phù hợp của VND (~3%-4%) phù hợp diễn biến thị trường ngoại hối. Cũng cần lưu ý thêm ở thời điểm này, mức giảm giá của VND so với nhiều quốc giá khác vẫn ở mức thấp. Và cũng giống như các NHTW trên thế giới, NHNN cũng sẽ nhắm tới mục tiêu các định hướng rõ ràng, tiến hành thay đổi lãi suất, tỷ giá theo từng bước, tránh giật cục, gây cú sốc trên thị trường. Đồng thời, các bước điều chỉnh cũng sẽ được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh có khoảng cách khác biệt quá lớn đối với phần đông các NHTW khác.

Theo VCBS, lãi suất tiếp tục tăng khiến cho các dư địa điều hành mang tính chất định hướng giảm sức nặng trong khi nguồn lực của NHNN còn hạn chế được xem là tín hiệu không tích cực. Cùng với đó, trên thị trường thế giới, FED và nhiều NHTW khác sẽ tiếp tục quyết liệt tăng lãi suất nhằm tránh khỏi vòng xoáy tiền lương - giá cả.

Do đó, VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng 150-200 điểm cơ bản (1,5 – 2,0 điểm %), lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên