Lãi suất huy động đi lên và 3 thế khó của ngành Ngân hàng
Lãi suất cho vay thấp, lãi suất đầu vào hợp lý và tạo ra lợi nhuận là 3 thế khó của ngành Ngân hàng hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng cần hài hòa giữa các yếu tố: lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế; lãi suất đầu vào hợp lý để giữ tiền ở lại hệ thống và duy trì chênh lệch lãi suất tiền đồng so với đô la Mỹ trong tầm kiểm soát; đồng thời tạo ra đủ lợi nhuận, tăng dự phòng đối với rủi ro nợ xấu tăng lên.
- 21-06-2024Các kênh đầu tư nhiều biến động, nên đổ tiền vào đâu 6 tháng cuối năm?
- 21-06-2024Từ 1/7, Thông tư 22 chính thức có hiệu lực: Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để vay mua nhà sẽ bị ảnh hưởng?
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), xu hướng lãi suất huy động đi lên đang ngày càng rõ rệt hơn, với tốc độ tăng nhanh hơn trong thời gian gần đây. Chỉ trong vòng một tháng qua, đã có hơn 25 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó có những ngân hàng tăng liên tục 2-3 lần, với mức tăng khá mạnh. Trong bối cảnh lãi suất trên thị trường 2 tiếp tục neo ở mức cao, lãi suất qua đêm trên mốc 4%/năm, lãi suất thị trường 1 cũng vận động tăng lên cao hơn là điều tất yếu.
Lãi suất huy động khó lòng đứng yên khi phải chịu quá nhiều áp lực khi dòng tiền chuyển dịch sang các tài sản như vàng, ngoại tệ và liên tục đẩy giá các tài sản này lên cao, khiến nhà điều hành phải tăng lượng cung vàng và đô la Mỹ ra thị trường để bình ổn giá, vô hình trung đã rút bớt một lượng đáng kể tiền đồng ra khỏi hệ thống, phần nào gây áp lực lên thanh khoản và tiếp đó có thể là lãi suất tiền đồng.
Trước đó, ABS phân tích, trong quý I năm nay, lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp nhất lịch sử. Tuy nhiên, bước sang quý II, xu hướng này đã đảo chiều, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng. Biên độ tăng lớn nhất thuộc về các ngân hàng thương mại (NHTM). Các NHTM cổ phần Nhà nước tăng tập trung ở một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn.
"Việc một số ngân hàng tăng lãi suất gần đây có thể đến từ một vài lý do. Cụ thể, trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này", ABS nhận định.
Ngoài ra, khi hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng nhiều hơn, các ngân hàng sẽ có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.
ABS cho rằng, trong ngắn hạn, áp lực tỷ giá dự báo sẽ còn cao trong một khoảng thời gian nữa với áp lực chung đến từ nhu cầu đô la Mỹ cho nhập khẩu, việc FED giữ lãi suất đô la Mỹ cao và áp lực giữ dòng tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sẽ được gia hạn đến hết năm 2024. Do đó, một số doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn mới, nên nhu cầu vốn để cho vay dự kiến sẽ tăng hơn trong thời gian tới. Mặt khác, các NHTM cũng cần tăng các khoản dự phòng rủi sau khi Thông tư 02 hết hạn. Những lý do này khiến lãi suất khó giảm nhiều (nhu cầu vốn tăng, nhu cầu duy trì biên lãi suất sẽ kéo mặt bằng lãi suất lên). Hơn nữa, NHNN cũng phải duy trì mặt bằng lãi suất tiền đồng không quá xa với đô la Mỹ.
Tuy nhiên, trước đó, Chính phủ đã yêu cầu giảm 1-2% lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Từ những vấn đề trên, ABS nhận định, ngành Ngân hàng xuất hiện 3 lợi ích khó “hài hòa” gồm:
Một là , lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Hai là , lãi suất đầu vào không thấp để khuyến khích tiền ở lại NHTM và duy trì chênh lệch lãi suất tiền đồng so với đô la Mỹ trong tầm kiểm soát.
Ba là , NHTM có đủ lợi nhuận để tạo ra “của để dành”, tăng dự phòng đối với rủi ro nợ xấu tăng lên.
“Thế khó này có thể sẽ dễ thở hơn vào các tháng cuối năm khi áp lực tỷ giá được dự đoán sẽ giảm bớt”, ABS nhận định.
Thị trường tài chính tiền tệ