Lãi suất huy động nhích tăng, tỷ giá USD "nóng" lên: Chuyên gia dự báo như thế nào?
Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024".
Tại Hội thảo, ông Vũ Như Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Uỷ Ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng kinh tế năm 2024 có nhiều triển vọng hơn 2023 nhờ việc đẩy mạnh đầu tư công và các chính sách cụ thể thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh tế tiêu dùng, đầu tư,…
Tuy nhiên có những yếu tố áp lực, chẳng hạn như tỷ giá có những biến động thời gian gần đây, trong đó có yếu tố tâm lý. Cung cầu ngoại tệ vẫn đang được đảm bảo. Dự báo tỷ giá sẽ có những điều chỉnh cho đến khi FED hạ lãi suất nửa cuối năm 2024.
Ông Thăng cũng cho biết, năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng trưởng tốt hơn nhờ mặt bằng lãi suất thấp được duy trì hỗ trợ phục hồi kinh tế. Rủi ro nợ xấu tiếp tục gia tăng, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Dự phòng rủi ro có sự phân hoá lớn giữa các ngân hàng, trong đó đáng chú ý có một số ngân hàng có dự phòng thấp, tỷ trọng cho vay bất động sản, trái phiếu cao sẽ khó khăn.
Trình bày báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và Triển vọng 2024" tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng triển vọng kinh tế năm 2024 tích cực hơn so với năm 2023. "Chúng ta đảo chiều chính sách sớm so với các nước, cả chính sách tài khoá và tiền tệ. Hiện môi trường lãi suất của chúng ta tương đối thấp và tôi cho rằng mặt bằng này sẽ duy trì ở mặt bằng thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Mục tiêu của chúng ta năm nay là thúc đẩy tăng trưởng trước, ổn định kinh tế vĩ mô sau", ông Lực nói.
Theo vị chuyên gia, cung tiền sẽ cao hơn năm ngoái, vòng quay tiền cũng dự báo sẽ cao hơn. Lãi suất sẽ tiếp tục ở mức thấp. Thời gian qua một số ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng theo ông Lực đó chỉ là cục bộ, thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào. Năm 2024, thanh khoản của các TCTD dự báo ổn định nhờ sự cân bằng hơn cả từ phía huy động và cho vay. Tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14−15% nhờ kinh tế tăng trưởng cao hơn, lãi suất thấp và thị trường bất động sản, tiêu dùng phục hồi tốt hơn.
Nói về biến động tỷ giá thời gian gần đây, TS Cấn Văn Lực cho biết cơ bản là do đồng USD tăng giá. Từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 4,5%. Đô la Mỹ tăng với 2 lý do: Thứ nhất, FED có vẻ lưỡng lự hạ lãi suất, Thứ hai là kinh tế Mỹ không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến USD tăng giá và các đồng nội tệ neo với USD đều bị giảm trong thời gian qua. Ông cho biết, cơ bản quan hệ cung cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn. Khi FED bắt đầu hạ lãi suất, có thể từ quý 3 thì ngay lập tức tỷ giá sẽ bớt đi áp lực. Dự báo, tỷ giá có thể tăng 2,5-3% trong năm nay.
Một điểm tích cực của năm 2024 là cơ cấu cung ứng vốn cho nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn trong năm 2023. Huy động vốn từ thị trường chứng khoán dần phục hồi trở lại, tỷ trọng cung ứng vốn từ kênh chứng khoán đạt mức 12,4% (so với 10,8% năm 2022); Tỷ trọng tín dụng ngân hàng giảm nhẹ, nhưng vẫn là kênh dẫn vốn chủ cho nền kinh tế, ở mức 48,4% (từ mức 51,7% năm 2022). Dự báo cơ cấu cung ứng vốn cho nền kinh tế năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ thay đổi tích cực hơn, giảm dần tỷ trọng tín dụng ngân hàng, tăng tỷ trọng vốn từ kênh thị trường vốn, đầu tư tư nhân...