Lãi suất huy động sắp giảm đồng loạt?
Dự kiến vài ngày tới, các ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh giảm đồng loạt lãi suất huy động thêm khoảng 0,5 điểm % nhằm thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.
- 01-03-2023Một ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất từ hôm nay 1/3
- 01-03-2023Lãi suất cao, ngân hàng cũng chẳng được lợi
- 01-03-2023Cổ phiếu ngân hàng nào tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay?
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất huy động thêm tối đa khoảng 0,5 điểm % từ ngày 6-3 tới. Cụ thể, các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ giảm toàn bộ 0,5 điểm % lãi suất huy động so với bảng lãi suất hiện hành. Mức giảm lãi suất sẽ áp dụng đối với các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm lãi suất vào khoảng 0,2 điểm % so với mức lãi suất hiện hành.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), xác nhận thông tin này và cho biết sự đồng thuận được các ngân hàng thương mại thống nhất tại một cuộc họp gần đây nhằm hạ chi phí đầu vào và có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.
Quan trọng, việc đồng thuận nhằm kéo mặt bằng lãi suất đi xuống để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Lãi suất huy động sắp giảm đồng loạt
Chia sẻ tại buổi đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp do UBND TP HCM tổ chức ngày 28-2, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cũng cho hay từ ngày 6-3, lãi suất huy động sẽ giảm theo cam kết của nhiều ngân hàng thương mại. Cách đây 3 tuần, OCB cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ một số đối tượng khách hàng doanh nghiệp.
Đến ngày hôm nay (1-3), OCB đã thay biểu lãi suất huy động mới theo hướng giảm ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy của ngân hàng này là 9%/năm cho kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng; gửi tiết kiệm online cao nhất là 9,3% năm cùng các kỳ hạn trên. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm giảm tối đa 0,5 điểm %.
Đây là lần thứ 2 các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất. Trước đó, hồi cuối năm ngoái, các ngân hàng đã từng đồng thuận để kéo lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm bao gồm cả khuyến mại, ưu đãi.
Phản ánh của nhiều doanh nghiệp, lãi suất cho vay ở mức cao thời gian qua khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn vì áp lực chi phí lãi vay tăng. Nhiều doanh nghiệp bị ăn mòn lợi nhuận vì "lợi nhuận làm ra chỉ đủ trả lãi vay ngân hàng". Do đó, giảm lãi suất là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này.
Người lao động