MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất huy động sẽ giảm thêm?

08-08-2020 - 12:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Mặt bằng lãi suất (cả tiết kiệm và cho vay) được dự báo sẽ giảm thêm thời gian tới...

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục giảm 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo về việc điều chỉnh lãi suất áp dụng với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng , chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, áp dụng từ ngày 1/8.

Đây là lần giảm thứ ba kể từ đầu năm NHNN điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên, tại lần điều chỉnh này, NHNN không giảm một số lãi suất điều hành quan trọng như: trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiền, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng...

Việc điều chỉnh lãi suất lần này của NHNN được cho là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất trên thị trường. Đặc biệt, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã xuống và duy trì vùng thấp nhất trong gần bốn năm trở lại đây.

Quyết định vừa qua của NHNN làm giảm thiểu lợi ích của các NHTM ở nguồn tiền gửi dự trữ bắt buộc. Điều này sẽ buộc họ phải cân đối lại chi phí huy động, cũng như xem xét đẩy mạnh hơn cho vay đầu ra.

Mặt khác, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đưa ra trong bối cảnh nguồn vốn và huy động của hệ thống dồi dào, cùng thời điểm NHNN bắt đầu trở lại mua vào lượng lớn ngoại tệ và cung ứng thêm nguồn vốn VND ra thị trường...

Được biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ đó thị trường tiền tệ, ngoại hối được kiểm soát và mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng được điều chỉnh giảm về mức phù hợp.

Sau động thái giảm tiếp lãi suất điều hành của NHNN nói trên, cùng lượng VND cung ứng mới, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ giảm tiếp trong tháng 8/2020. Theo đó, các ngân hàng có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay.

Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất

Mặc dù động thái hạ lãi suất cụ thể của các ngân hàng được dự báo sẽ thực hiện vào từ 10/08, nhưng ghi nhận thực tế cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, nhiều thành viên đã tiếp tục chuỗi giảm lãi suất huy động, mức giảm trung bình từ 0,2% đến 0,5%/năm.

Tính chung, trong 7 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1 - 2 điểm phần trăm so với cuối năm 2019 ở phần lớn các ngân hàng.

Dữ liệu thị trường vừa được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố cho thấy, lãi suất huy động trong tháng 7 của các nhóm ngân hàng đều có mức giảm đối với cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, từ mức 0,14% đến 0,5%.

Trong đó ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất trung bình của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm mạnh nhất (0,5%) từ 4,9% xuống 4,4%, nhóm ngân hàng có vốn trên 5.000 tỷ đồng cũng giảm 0,14% lãi suất huy động 6 tháng.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất của nhóm ngân hàng quốc doanh với mức giảm 0,5%, từ 6,12% xuống 5,62%. Nhóm ngân hàng có vốn trên 5.000 tỷ đồng cũng giảm 0,12%/năm.

Tương tự, theo báo cáo tổng hợp từ Công ty Chứng khoán SSI, chốt tháng 7/2020, lãi suất tiền gửi được điều chỉnh giảm ở một số ngân hàng thương mại lớn từ 0,2 - 0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Cụ thể, mới đây, Ngân hàng ACB giảm 0,1 điểm phần trăm ở hầu hết tất cả các kỳ hạn, lãi suất từ 1-3 tháng dưới 4%/năm, từ 6-9 tháng dao động từ 5,45-5,75%/năm. Riêng lãi suất kỳ hạn 12 tháng lại giảm mạnh từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm.

Ngân hàng Hàng Hải (MSB) cũng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở một số kỳ hạn, giảm đến 0,35 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6 tháng, chỉ còn 5,45%/năm, trong khi giảm mạnh nhất kỳ hạn trên 12 tháng (giảm 0,55 điểm phần trăm) chỉ còn 5,75%/năm.

Trong khi đó, Ngân hàng HDBank lại chỉ giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở kỳ hạn 6-9 tháng, còn 6,2%/năm và kỳ hạn 24 tháng còn 6,5%/năm.

Báo cáo tháng 7/2020 của NHNN chi nhánh TP.HCM vừa đưa ra cũng cho thấy, đối với lãi suất huy động bằng VND, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất theo định hướng và các mức lãi suất điều hành của NHNN.

Khối ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm các kỳ hạn, phổ biến khoảng 0,08-0,58%/năm. Khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm phổ biến khoảng 0,7-2%/năm tùy kỳ hạn.

Lãi suất huy động bằng VND được ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 4,2-4,25%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 4,9%-7,29%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; mức 6,04%-7,55%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng.

Đại diện NHNN TP.HCM cho biết, lãi suất huy động giảm trước áp lực giá vàng tăng mạnh trong gần đây khiến nhiều người liên tưởng đến việc một số khách hàng sẽ rút tiết kiệm chuyển sang vàng. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, sau khi liên tục tăng nhanh và lên mức rất cao, giá vàng lại tiềm ẩn rủi ro.

Theo đó, dự kiến, trong thời gian tới, sẽ có nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động, nhất là trong bối cảnh tín dụng đầu ra vẫn bí bách với mức tăng trưởng chỉ khoảng 3,45% sau 7 tháng, buộc họ phải tiếp tục cân đối chi phí đầu vào.

Theo Đức Nhân

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên