Lãi suất huy động tăng, người dân đua nhau gửi tiền ngân hàng
Tiền gửi thanh toán từ dân cư tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục đi lên và các kênh đầu tư khác nhiều rủi ro.
- 04-07-2022Lãi suất cao, tiền gửi vào ngân hàng tăng đột biến
- 02-07-2022Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi ngay đầu tháng 7, mức hơn 7%/năm đã xuất hiện tại hơn chục ngân hàng
- 30-06-2022Tăng trưởng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng bất ngờ chậm lại
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về tiền gửi thanh toán cá nhân tại thời điểm cuối quý I/2022 cho thấy số dư tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân đã vượt mốc 1 triệu tỉ đồng, tăng hơn 100.000 tỉ đồng so với quý trước đó.
Đáng lưu ý, số dư tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân liên tục tăng trong thời gian qua và đã gấp đôi so với thời điểm quý I/2020. Điều này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư đã chảy mạnh trở lại vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như giá vàng không có "sóng", thị trường chứng khoán liên tục lao dốc từ đầu năm đến nay và bất động sản cũng trầm lắng…
Về phía ngân hàng thương mại, lãi suất huy động cũng liên tục nhích lên và đến hiện tại, xu hướng này vẫn chưa dừng lại do áp lực của lạm phát.
Tiền nhàn rỗi từ dân cư tiếp tục chảy vào ngân hàng
Sau khi 2 "ông lớn" ngân hàng là Agribank và BIDV chính thức nhập cuộc tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài, một số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh lãi suất đầu vào.
Cụ thể, biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ đầu tháng 7 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã tăng đáng kể ở các kỳ hạn. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm từ 100-500 triệu đồng kỳ hạn 9 tháng lãi suất mới nhất là 5,5%/năm, tăng thêm 0,9 điểm % so với trước đó; kỳ hạn 12 tháng lãi suất cũng tăng thêm 0,4 điểm % lên 5,7%/năm so với trước đó.
Lãi suất cao nhất tại ACB hiện là 6,5%/năm áp dụng cho khách hàng ưu tiên với số tiền gửi trên 500 triệu đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay được ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã vượt 7,5%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm online các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Mức lãi suất huy động trên 7%/năm cũng được ghi nhận ở nhiều ngân hàng thương mại hơn so với trước đây.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm vừa công bố, Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định với áp lực lạm phát gia tăng, dự báo lạm phát trung bình cả năm sẽ vào khoảng 3,7% và trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % trong quý IV.
Trước đó, báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI cũng phân tích theo số liệu mới cập nhật từ Tổng cục thống kê tính đến 20-6, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 8,51% trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,97% so với cuối năm ngoái. Diễn biến này tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động.
Vì vậy, trong nửa cuối năm 2022, công ty SSI nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi về cuối năm, đặc biệt là khi tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% có hiệu lực từ ngày 1-10.
Người lao động