MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất huy động thiết lập mặt bằng mới

23-10-2018 - 14:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng, trong đó có cả các ngân hàng lớn, đã có những động thái tăng lãi suất huy động. Theo các chuyên gia, sự vào cuộc của các “ông lớn” trong cuộc chơi này sẽ dẫn tới mặt bằng lãi suất huy động mới được thiết lập và các doanh nghiệp lo ngại về áp lực lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động

Nếu như trước đây việc tăng lãi suất huy động thường diễn ra ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ khi mà nguồn vốn, thị phần của các ngân hàng này kém xa so với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, thì trong thời gian gần đây, các ngân hàng lớn cũng nhập cuộc tích cực trong cuộc đua “hút” vốn.

Khảo sát biểu lãi suất huy động tại một số ngân hàng cho thấy, cả 4 ngân hàng quốc doanh lớn đều điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tại BIDV, một số kỳ hạn lãi suất huy động đã được điều chỉnh tăng khoảng 0,2%. Nếu như vào tháng 9, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,2% từ mức 4,1%/ năm lên 4,3%/năm thì hiện kỳ hạn này có lãi suất lên 4,5%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trong tháng 9 cũng được điều chỉnh tăng từ 5,1% lên 5,3% và hiện nay tăng lên 5,5%/năm.

Tại  Agribank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng của ngân hàng này tăng từ mức 4,3% lên 4,5%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng lãi suất huy động tăng từ 5,3% lên 5,5% và 12 tháng là 6,8%. Kỳ hạn 18 và 24 tháng của ngân hàng này đều ở mức 6,8%.

Trong khi đó, tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng hiện ở mức 4,5%. Với kỳ hạn 3 tháng lãi suất là 4,8% và kỳ hạn 6 tháng là 5,5%. Kỳ hạn 12 tháng của VietinBank hiện được niêm yết ở mức 6,8%, 24 tháng là 6,6%, 18 tháng là 6,6% và 24 tháng là 6,7%.

Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,1% lên mức 4,4%, kỳ hạn 3 tháng hiện ở mức 4,8% và lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng là 5,5%.

Tại các ngân hàng cổ phần, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh tăng. Đơn cử, tại Techcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2  tháng hiện được niêm yết ở mức 4,6%, kỳ hạn 3 tháng là 4,7% và kỳ hạn 6 tháng là 5,8%. Eximbank hiện cũng niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 4,6% và lãi suất 5% cho kỳ hạn 3 tháng 5% và kỳ hạn 6 tháng 5,6%. Một số ngân hàng có biểu lãi suất khá cao, cụ thể như TPBank, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 5,25%, kỳ hạn 3 tháng là 5,45% và kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 6,1%. Đáng chú ý, nếu so với biểu niêm yết của Lienvietpostbank thì lãi suất huy động của các ngân hàng quốc doanh cao hơn khá nhiều. Cụ thể, hiện nay lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng của Lienvietpostbank hiện ở mức 4,1%, kỳ hạn 3 tháng là 4,6%, kỳ hạn 6 tháng là 5,1% và 12 tháng 6,7%.

Nhận định về vấn đề này, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng thương mại tăng tại một số thời điểm trong quý III, đặc biệt ở các kỳ hạn dài (trên 12 tháng). So với thời điểm tháng 6/2018, lãi suất huy động VNĐ trong quý III đối với kỳ hạn trên 12 tháng tăng trung bình khoảng 0,4 điểm phần trăm, trong khi đó, mặt bằng lãi suất không kỳ hạn, kỳ hạn dưới 12 tháng biến động không nhiều.

Về nguyên nhân của việc lãi suất huy động tăng, PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đó là do thanh khoản hệ thống eo hẹp (mà nguyên nhân của điều này là do chênh lệch lãi suất huy động - tín dụng, do Ngân hàng Nhà nước bán ra ngoại tệ để bình ổn tỷ giá cũng làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng chậm hơn…). 

“Thanh khoản eo hẹp dẫn tới hệ quả tất yếu là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên cao, đặc biệt trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8 tới giữa tháng 9. Lãi suất kỳ hạn qua đêm và một tuần nhiều thời điểm đã tiệm cận mức 4,7%, cao hơn khá nhiều cả dịp cận tết Nguyên đán vừa qua. Sự eo hẹp của thanh khoản hệ thống dẫn tới nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái tăng lãi suất huy động trên thị trường 1”, PGS. TS Nguyễn Đức Thành nói.

Tạo ra mặt bằng lãi suất mới

Cho rằng nếu như trước đây thường chỉ có các ngân hàng nhỏ nhưng hiện nay ngay cả các ngân hàng lớn cũng tăng lãi suất huy động, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định nguyên nhân của việc này là do tính chu kỳ. Cụ thể, trong những tháng cuối năm, các ngân hàng cần có thanh khoản để có nguồn cho vay ra giúp các DN tất toán niên khóa cũng như thanh toán chi phí và trả lương cho người lao động.

“Những tháng cuối năm các ngân hàng thường cần tiền để cho vay ra và giải ngân, do đó họ cần lượng huy động lớn, vì thế họ tăng lãi suất lên để huy động vốn. Đây là hiện tượng mang tính chu kỳ và năm nào cũng lặp lại. Với hiện tượng này, từ nay đến cuối năm lãi suất cả huy động và cho vay sẽ tăng nhẹ”, Nguyễn Trí Hiếu nói.

Bên cạnh lý do về thanh khoản, các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều ngân hàng phải đẩy huy động vốn, trong đó có vốn dài hạn lên cao vì Ngân hàng Nhà nước sẽ "siết" tín dụng ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong thời gian tới. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, quy định của Ngân hàng Nhà nước là sẽ giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 45 xuống 40% áp dụng từ đầu 2019, điều này có nghĩa ngân hàng sẽ không được dùng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, vì thế các ngân hàng sẽ phải có bước chuẩn bị vốn để cho vay trung dài hạn nhiều hơn từ 2019. Và muốn vậy thì công cụ lãi suất đương nhiên sẽ được áp dụng, vì thế không nên hy vọng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách vĩ mô (CIEM), việc tăng lãi suất huy động có thể là động thái đón đầu cơ hội đầu tư trong quý IV/2018 của các ngân hàng. Cơ hội đầu tư mà ông Nguyễn Anh Dương muốn nhắc tới chính là việc có thể các ngân hàng đang tính tới nguồn trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành trong quý IV/2018. Với mục tiêu phát hành trái phiếu Chính phủ cả năm 2018 dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng thì từ nay đến cuối năm, Kho bạc Nhà nước phải phát hành tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ lên tới gần 80.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc nâng lãi suất huy động cũng được xem là biện pháp để ổn định giá trị tiền đồng, kiểm soát lạm phát, cụ thể là tiền nhàn rỗi trong dân chúng sẽ được hút vào hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát 2018 đã tiệm cận mục tiêu và tăng trưởng kinh tế đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất huy động tăng cao một mặt sẽ tạo ra mặt bằng lãi suất huy động mới và chắc chắc sẽ tác động lên lãi suất cho vay góp phần tạo ra mặt bằng lãi suất nói chung tăng lên, tạo áp lực cho DN, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh cũng như sức cạnh tranh của DN.

 Bình luận thêm về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VNĐ trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế. Việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho DN trong năm 2019 và 2020.

Theo Hoài Anh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên