Lãi suất khó giảm trên diện rộng
Mặc dù 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm lãi suất lần thứ 2 trong năm nay cho các đối tượng ưu tiên, nhưng đang có áp lực cho thấy làn sóng này sẽ khó lan tỏa.
- 05-08-2019Áp lực quốc tế đang gia tăng lên tỷ giá
- 05-08-2019Tỷ giá Nhân dân tệ ở thị trường tài chính quốc tế vượt “làn ranh đỏ” 7
- 05-08-2019Cắt, cắt… giảm lãi suất toàn cầu, còn Việt Nam?
Báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) cho biết, trong tuần vừa qua (29/7 - 02/8), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 2.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, kênh OMO không phát sinh giao dịch và duy trì số dư bằng 0.
Thanh khoản các ngân hàng thương mại khá dồi dào, lãi suất trên thị trường 2 nhích nhẹ 10 điểm cơ bản (bps) so với cuối tuần trước, lên mức 2,98%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,12%/năm với kỳ hạn 1 tuần do nhu cầu dự trữ gia tăng thời điểm đầu tháng. Chênh lệch lãi suất USD-VND duy trì ở mức 0,6%/năm.
Ngày 01/8, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là BIDV, Vietcombank, Agribank và VietinBank công bố giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm với đối tượng ưu tiên. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 2 kể từ đầu năm đến nay của các ngân hàng này. Tuy nhiên khác với lần đầu, đợt giảm này đã có sự hưởng ứng thêm của một số NHTM cổ phần.
Về lãi suất huy động, tại thời điểm cuối tháng 7, một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn điều chỉnh giảm nhưng một số NHTM nhỏ khác lại tăng, mức điều chỉnh cũng khá nhỏ, chỉ khoảng 10-20bps ở các kỳ hạn 12-13 tháng. Mức lãi suất hiện tại phổ biến là 4,1%-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5-7,55%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, 6,4-7,9%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
SSI Retail Research cho rằng, diễn biến thuận lợi của tỷ giá và lạm phát giai đoạn vừa qua ủng hộ cho kỳ vọng giảm lãi suất. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang khiến cho áp lực tỷ giá quay trở lại và sẽ thu hẹp mức lan tỏa của đợt giảm lãi suất lần này.