Lãi suất ngân hàng giảm, xu hướng dòng tiền sẽ đổ về đâu?
Sau thời gian tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã có được thanh khoản dồi dào và bắt đầu giảm nhẹ lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay. Liệu gửi tiết kiệm có còn là kênh thu hút dòng tiền trong thời gian tới?
Nếu so với mức đỉnh trên 11% một năm vào cuối năm ngoái thì hiện lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng đã giảm khoảng 2% ở các ngân hàng thương mại mà dẫn đầu là nhóm big4 - 4 ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước.
Liệu lãi suất còn có thể giảm sâu?
Trả lời phỏng vấn chương trình Dòng chảy tài chính – VTV1, đánh giá về mức giảm lãi suất hiện nay, bà Thái Thị Việt Trinh chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty chứng khoán SSI cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có giảm so với thời gian cao điểm vào cuối năm ngoái song mức giảm thực tế chỉ vào khoảng 50 đến 70 điểm cơ bản.
Chương trình Dòng chảy tài chính, phát sóng 21:30 T7 hàng tuần trên VTV1
"Theo chúng tôi tính toán, mức lãi suất trung bình cuối năm ngoái chỉ vào khoảng 10,5%. Hiện nay mặt bằng lãi suất có giảm song lại có sự chênh lệch giữa mức lãi suất huy động dành cho khối khách hàng cá nhân và khối khách hàng tổ chức. Với khối khách hàng cá nhân thì mức lãi suất có giảm nhẹ, nhưng đối với nhóm khách hàng tổ chức thì lãi suất vẫn được niêm yết ở mức cao như năm ngoái. Do đó, vẫn còn dư địa giảm lãi suất trong ngắn hạn." – Bà Trinh cho biết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, xu thế tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn giảm bớt chứ chưa dừng lại, tốc độ tăng trưởng tín dụng khó có thể quá cao và các yếu tố trong nước ảnh hưởng đến thanh khoản tại các ngân hàng thương mại khiến mặt bằng lãi suất về trung hạn khó có thể giảm sâu.
Cụ thể, yếu tố đầu tiên chính là quy định lộ trình tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo Thông tư 22 (sửa đổi bởi Thông tư 08) của Ngân hàng nhà nước. Theo đó, đến tháng 10 năm nay, các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ lệ cho vay ngắn hạn xuống dưới 30%. Điều này sẽ buộc các ngân hàng phải tăng cho vay trung và dài hạn, cũng như phải chuẩn bị nguồn vốn để đề phòng rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Một yếu tố nữa chính là yếu tố nước ngoài, khi áp lực lạm phát đã khiến cho các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã phải điều chỉnh lãi suất liên tục, có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài, dự báo đến tận năm 2024. Áp lực này khiến cho ngân hàng nhà nước phải duy trì một mức lãi suất tiền đồng phù hợp để giảm thiểu áp lực lên tỷ giá, tức là giảm thiểu khả năng dòng vốn bị rút ròng ra khỏi thị trường trong nước. Do đó, dưới tác động dây chuyền từ lãi suất tiền đồng trên thị trường 2 (lãi suất liên ngân hàng) tới thị trường 1 (lãi suất huy động và lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại), mặt bằng lãi suất thực tế sẽ khó có thể giảm mạnh.
Dòng vốn tín dụng liệu có gặp khó?
Trả lời trong chương trình Dòng chảy tài chính – VTV1, bà Thái Thị Việt Trinh cũng nhận định chính sách của Ngân hàng nhà nước trong năm nay sẽ vẫn duy trì sự linh hoạt và có xu hướng ôn hòa hơn so với năm ngoái.
"Hạn mức tín dụng mà ngân hàng nhà nước phân bổ cho các ngân hàng thương mại đầu năm nay trung bình vào khoảng 9-10%, thấp hơn một chút so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức phân bổ đầu năm này chỉ mang tính tương đối cho giai đoạn hiện nay và chính sách của Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể điều chỉnh linh hoạt trong giai đoạn tiếp theo." – bà Trinh nói.
Mặc dù hạn mức tín dụng trong năm nay được đánh giá vẫn còn nhiều khi nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn đầu năm chưa cao và chính sách điều tiết linh hoạt của Ngân hàng nhà nước, song theo khảo sát gần đây của Vụ dự báo thống kê - Ngân hàng nhà nước, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng bình quân khoảng 4% trong quý 1 năm nay và tăng 13,7% trong cả năm 2023, điều chỉnh giảm 1.9 điểm phần trăm so với kỳ vọng tại đợt khảo sát trước đó. Điều này cho thấy các tổ chức tín dụng vẫn khá thận trọng khi nhìn về triển vọng kinh doanh trong năm nay.
Tiền mặt vẫn là vua
Nhiều chuyên gia cho rằng từ cuối năm 2022 đến nay dòng tiền đầu tư đã có sự dịch chuyển về thế cân bằng giữa các nhóm an toàn và các kênh rủi ro. Quan điểm "tiền mặt là vua" đang trở lại, kênh tiết kiệm được nhiều nhà đầu tư lựa chọn trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức cao.
Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
Các chuyên gia nhận định, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại, ít nhất cho đến hết quý I/2023. Mặc dù các ngân hàng thương mại gần đây đã cam kết giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm, nhưng lộ trình hạ lãi suất có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn, đặc biệt khi thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ còn khó khăn.
Tổ quốc