Lãi suất ngân hàng tăng chóng mặt khiến thị trường nhà ở trên thế giới rơi vào khủng hoảng
Chi phí vay tăng cao đang bóp nghẹt người mua nhà và các chủ đầu tư bất động sản trên khắp thế giới, trước tình trạng này chính phủ nhiều nước như Việt Nam đã quyết định nới room tín dụng để thị trường bất động sản phần nào được khơi thông nguồn vốn.
Làn sóng tăng lãi suất ngân hàng lan rộng trên thế giới
Bloomberg đưa tin, từ Sydney, Stockholm cho đến Seattle (Mỹ), người mua nhà đang bị kéo lùi ra xa thị trường, do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, khiến giá nhà giảm.
Goldman Sachs Group Inc dự đoán, giá nhà tại Mỹ sẽ đi ngang vào năm 2023, mặc dù đã có dấu hiệu giảm nhanh hơn ở một số khu vực nhất định. Trong khi đó, các công ty xây dựng nhà ở tại quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa hàng tồn kho.
Điều này đồng nghĩa với việc, hàng triệu người đã vay mua nhà với lãi suất thấp trong thời kỳ bùng nổ đại dịch COVID -19 đang phải đối mặt với các khoản thanh toán cao hơn, khi các khoản vay được thiết lập lại.
Vương quốc Anh đang ở trên “đỉnh của suy thoái nhà ở” và nhu cầu có thể sẽ giảm 20% trong năm tới. (Ảnh Chris Ratcliffe / Bloomberg)
Trong khi đó, Trung Quốc đang đối phó với một cuộc khủng hoảng bất động sản leo thang gắn liền với làn sóng vỡ nợ của các nhà phát triển. Những người đi vay mua nhà đang dừng việc thanh toán cho ngân hàng, do các ngôi nhà chưa được xây.
Thụy Điển - từng là một trong những thị trường nóng nhất của châu Âu , giá nhà đã giảm khoảng 8% kể từ mùa xuân. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán giá sẽ giảm 15%. Lãi suất tăng cũng đang gây áp lực lên các công ty bất động sản vay nặng lãi trên thị trường trái phiếu, khiến các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng tái cấp vốn cho khoản nợ đó.
Sự giảm giá nhà cũng đang tăng nhanh ở Anh. Bởi theo phân tích của Bloomberg, giá trị nhà đang không đổi hoặc giảm ở gần một nửa số quận của London. HSBC Holdings Plc cảnh báo Vương quốc Anh đang ở trên “đỉnh của suy thoái nhà ở” và nhu cầu có thể sẽ giảm 20% trong năm tới.
Tại Canada, các vụ vỡ nợ trên diện rộng khó có thể xảy ra nhưng khả năng toàn nền kinh tế phải "thắt lưng buộc bụng” ngày càng chắc chắn. Các khoản vay thế chấp bị thay đổi lãi suất chiếm gần 60% tổng số các khoản cho vay mua nhà mới vào thời điểm cơn sốt bất động sản ở nước này lên tới đỉnh điểm hồi đầu năm nay.
Chuông báo động có lẽ đang vang lên lớn nhất ở Úc, nơi giá nhà trong tháng 8 ghi nhận mức giảm lớn nhất trong gần 4 thập kỷ. Năm tới, hàng tỷ khoản vay thế chấp được cố định ở mức lãi suất thấp kỷ lục sắp được thiết lập lại.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với các khó khăn về dòng tiền , dự án gần như phải dừng lại do thiếu vốn. Nguyên nhân là bởi các ngân hàng kiểm soát hoạt động cho vay bất động sản, điều kiện vay chặt hơn, lãi suất cho vay cao hơn, thậm chí có ngân hàng tăng gấp đôi lãi suất trong thời gian ngắn khiến người mua nhà như "ngồi trên lửa".
Nhiều người mua nhà như "ngồi trên đống lửa", nhấp nhổm không yên vì khó vay ngân hàng và mức lãi suất vay ngày càng tăng cao. (Ảnh minh họa)
Ở chiều hướng khác, việc giá nhà tại những thị trường phát triển quá nóng đang đi xuống giúp người mua có thể tham gia vào thị trường. Ông Kwan Ok Lee, chuyên gia về nhà ở tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Do cuộc khủng hoảng, khả năng chi trả nhà ở đang rất nghiêm trọng ở nhiều nền kinh tế lớn, giá nhà hạ nhiệt có thể mang lại một số tác động tích cực”.
Cân bằng thị trường
Trước cơn khủng hoảng của thị trường nhà ở trên khắp thế giới liên quan đến tín dụng bất động sản, chính phủ một số nước đã có loạt động thái can thiệp giúp người tiêu dùng.
Tại Hàn Quốc - một trong những nền kinh tế tăng lãi suất sớm nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà hoạch định chính sách gần đây đã đồng ý chi hơn 400 tỷ won (290 triệu USD) để giúp giảm tỷ lệ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi lãi suất khoản thế chấp.
Ở Ba Lan, nơi các khoản thanh toán hàng tháng của một số người đi vay đã tăng gấp đôi khi lãi suất tăng, chính phủ đã vào cuộc vào đầu năm nay, cho phép người dân nước này tạm ngừng thanh toán trong tối đa 8 tháng.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với tổ chức tín dụng có đề nghị và gửi thông báo cho các đơn vị này. Việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Loạt biện pháp của Chính phủ các nước được kì vọng sẽ làm bình ổn lại thị trường bất động sản thế giới trong thời gian tới.
Đây là thông tin khá quan trọng với thị trường bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh lĩnh vực này đang rất khó khăn về nguồn vốn. Nhiều khách hàng, doanh nghiệp trong trạng thái thấp thỏm chờ giải ngân từ phía ngân hàng như “nắng hạn chờ mưa”.
Do đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào những tháng cuối năm, lúc dòng tín dụng khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho.
Mặc dù vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, việc nới room tín dụng hiện nay có thể chỉ là tác động tâm lý giúp thị trường phục hồi đôi chút, nhưng không đóng vai trò giúp thị trường tăng tốc. Vì hạn mức nới room tín dụng thấp, dư địa cho vay còn ít sẽ không đủ đáp ứng hết lượng hồ sơ đăng ký vay tồn đọng, khó vực dậy thị trường đang trầm lắng này…
Theo Bloomberg, Goldman Sachs Group Inc
Tiền Phong