MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tăng chỉ mang tính thời vụ

31-08-2018 - 17:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Tại thời điểm này, với những diễn biến đang thể hiện, cả lạm phát, tỷ giá và lãi suất vẫn đang trong tầm kiểm soát chủ động của NHNN.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
109 bài viết

Từ đầu tháng 8/2018, nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động. Cụ thể tại Techcombank, khách hàng mở mới sổ tiết kiệm sẽ được hưởng lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng là 4,7%/năm, tăng 0,2%/năm so với tháng trước; với các khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng, cũng kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất sẽ là 5%/năm. Ở kỳ hạn dài 12 tháng, Techcombank tăng lãi suất huy động tới mức 0,5%/năm, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng và số lượng tiền gửi.

Các ngân hàng khác như VPBank, ACB cũng điều chỉnh lãi suất huy động tăng 0,1%-0,2%/năm so với tháng 7, chủ yếu ở các kỳ hạn dài. Mới đây nhất BIDV công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng lãi suất là 5,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 5,5%/năm; từ 9 đến dưới 12 tháng lãi suất tối đa là 6,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 6,9%/năm.

Lãi suất tăng chỉ mang tính thời vụ - Ảnh 1.

Các ngân hàng đang tích cực huy động vốn trong dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn


Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm vẫn đứng ở mức cao khi kết thúc phiên 28/8, lãi suất cho vay qua đêm bằng đồng VND ở mức 4,55%/năm. Lãi suất trái phiếu Chính phủ vốn dĩ được coi là đường cong lãi suất chuẩn cho lãi suất trên thị trường 1 cũng liên tục tăng trong thời gian qua. Cụ thể từ ngày 29/6 đến 29/8/2018 lãi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm tăng từ 2,24% lên 4,15%/năm.

Diễn biến trên không quá bất ngờ đối với thị trường. Theo nhận định của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc các ngân hàng tăng lãi suất, đặc biệt là các kỳ hạn trung, dài hạn là do mấy nguyên nhân sau: Thứ nhất, nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm nên, trong khi thời gian này nhiều DN thường rút tiền để chi trả lương thưởng cũng như thanh toán các đơn hàng, người dân cũng rút tiền để chi tiêu dịp lễ tết. Vì vậy các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động để bù đắp.

Thứ hai, theo quy định của NHNN, tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được giảm về còn 40% kể từ đầu năm tới. Vì vậy, “một công đôi việc”, các ngân hàng đẩy mạnh hút vốn trung dài hạn để vừa đáp ứng nhu cầu thanh khoản dịp cuối năm, vừa để đáp ứng quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của NHNN.

Đồng tình như vậy, song một CEO ngân hàng cũng bổ sung, mức lãi suất ở các thị trường đang giữ ở mức cao hơn so với đầu năm đến từ định hướng kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá hạn chế biến động. Chẳng hạn như lãi suất VND trên liên ngân hàng được “neo” cao với chủ đích nhằm tạo chênh lệch với lãi suất USD, giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Mặt khác, một số nước trên thế giới điều chỉnh lãi suất như Fed tăng lãi suất và giá đồng USD đang ở mức cao. Do đó, muốn hút tiền đồng các ngân hàng buộc phải giữ hoặc điều chỉnh tăng lãi suất.

Có một điểm mà ý kiến của vị CEO không đồng nhất, đó là việc các ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài để cơ cấu nguồn vốn bền vững hơn, tạo đường cong lãi suất chuẩn hơn chứ không hẳn là để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06. Bởi vấn đề tuân thủ các chỉ số thanh khoản của ngân hàng là vấn đề có tính chất chiến lược, đặc biệt là cân đối sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không thể giải quyết bằng bài toán tăng lãi suất lên ở một thời điểm nhất định để đáp ứng yêu cầu mà đã được đưa ra cả năm nay.

Động thái tăng lãi suất của các ngân hàng cũng được TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định chỉ là thời điểm sớm hay muộn đối với thị trường. “Lãi suất là một trong những công cụ góp phần kiềm chế lạm phát, trong quan hệ ấy gắn việc bảo vệ giá trị đồng tiền, cho nên không phải ngẫu nhiên khi mà lạm phát cao hoặc là áp lực lên tỷ giá nhiều nước thường phải tăng mạnh lãi suất đồng nội tệ. Vấn đề là làm sao giữ được ổn định mức lãi suất hoặc là có thay đổi không nhiều đã là thành công rất lớn của NHNN”, ông Thành nói.

Tuy nhiên Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, lãi suất tăng chỉ là cục bộ tại một số ngân hàng. Bởi hiện tại phần lớn các ngân hàng đang trong trạng thái dư thanh khoản.

Trong khi trước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của NHNN thì đầu ra tín dụng của các ngân hàng từ giờ đến cuối năm không quá lớn, nhất là những ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng, kéo theo nhu cầu huy động vốn sẽ không quá lớn. Chưa kể, tín dụng những năm gần đây đã dàn đều qua các tháng chứ không dồn cục vào những tháng cuối năm như trước đây nữa. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các ngân hàng không chuẩn bị nguồn vốn cho mùa tín dụng những tháng cuối năm. Huy động vốn luôn luôn quan trọng đối với các ngân hàng, đặc biệt là vốn trung, dài hạn đảm bảo mục tiêu hoạt động dài hạn cho ngân hàng.

Lãi suất tăng chỉ mang tính thời vụ - Ảnh 2.

Thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào


Tuy nhiên, cả giới chuyên gia và các lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng, việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,2%-0,3%/năm chưa có tác động lớn đến thị trường, khó thành xu hướng có thể gây áp lực lên lãi suất cho vay. Nhưng muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Song với quyết tâm của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định. “Hiện tại ngân hàng cố gắng duy trì sự ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay như hiện nay để phù hợp với các diễn biến vĩ mô của nền kinh tế và đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng”, ông Tùng thông tin thêm.

Mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là kiểm soát chặt chẽ lạm phát, ổn định tỷ giá để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Để đạt được điều này chắc chắn cơ quan điều hành phải vất vả trong điều tiết cân đối các công cụ chính sách, làm sao thay đổi lãi suất ở mức thấp nhất có thể. Dù vậy, tại thời điểm này, với những diễn biến đang thể hiện, cả lạm phát, tỷ giá và lãi suất vẫn đang trong tầm kiểm soát chủ động của NHNN.

“Với nguồn lực có được của NHNN và với mức độ khả năng sử dụng công cụ chính sách, cộng với kinh nghiệm điều hành ngày càng khéo léo, nhất là trong điều hoà lượng tiền và phối hợp chính sách khác tốt hơn, NHNN có thể giữ được ở mặt bằng lãi suất như hiện nay hoặc nếu có tăng thì sẽ không nhiều”, TS. Thành tin tưởng.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên