Lãi suất thêm nhiều sức ép
Đến nay, khi đã đi được gần nửa chặng đường của năm 2019, mặt bằng lãi suất vẫn giữ được sự ổn định cần thiết, nhưng với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều thay đổi, áp lực lên lãi suất ngày càng hiện hữu.
Nỗ lực giữ ổn định
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, nhiều nước trên thế giới đã nhiều lần tăng lãi suất như Mỹ (4 lần) và nhóm các nước mới nổi như Argentina tăng 6 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3 lần, Ấn Độ tăng 2 lần, Philippines tăng 4 lần, Indonesia tăng 6 lần… Trong khi đó, lãi suất trong nước được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm (giảm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm), nhằm hỗ trợ thanh khoản và góp phần giảm chi phí vốn cho tổ chức tín dụng. Theo đó, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Cũng theo NHNN, tăng trưởng tín dụng quý I/2019 là 3,19%, thấp hơn mức 3,56% của quý I/2018. Nguyên nhân được các chuyên gia đánh giá là do yếu tố mùa vụ và do chính sách kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là việc siết hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng của quý I lại có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, 24/35 ngân hàng thương mại trong nước có tăng trưởng tín dụng, 11/35 ngân hàng có dư nợ tín dụng giảm. Chính vì mức tăng trưởng tín dụng có sự hạn chế nêu trên mà lãi suất huy động sẽ khó có thể tăng lên hoặc giảm xuống, điều này sẽ kéo theo sự ổn định của lãi suất cho vay.
Nhận xét về mức lãi suất hiện nay, trong một hội thảo gần đây, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các nền kinh tế (NHNN) cho rằng, mức này khá phù hợp vì ngân hàng là trung gian tài chính, phải đi huy động và cho vay dựa trên việc đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, thanh khoản toàn hệ thống khá tốt, lãi suất liên ngân hàng ở mức ổn định cũng đã hỗ trợ tốt cho mặt bằng lãi suất. Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thông điệp của Chính phủ cũng như các định chế tài chính đều khẳng định trong năm 2019, cung tiền ổn định, tỷ giá cũng ổn định. Do đó, về cơ bản lãi suất sẽ được duy trì ở mức ổn định.
Thách thức còn dài
Có một sự thật được nhiều chuyên gia nhìn nhận là lãi suất khó giảm thêm, dù ổn định là tốt, nhưng giảm lãi suất lại rất cần thiết để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho hay, có nhiều vấn đề trong điều hành, nếu cơ quan quản lý cứ loay hoay thì lãi suất rất khó giảm, hơn nữa còn khiến hiệu quả của hệ thống tài chính về trung và dài hạn vị ảnh hưởng. Nhưng vấn đề này, theo TS. Thành, đó là mục tiêu trung gian của chính sách tiền tệ quá nhiều, áp lực từ lạm phát cùng nhiều bất ổn từ thị trường thế giới.
Nếu phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô gần đây, thì lạm phát đang là mối nguy hiểm "rập rình" nhất tới lãi suất. Mặc dù Chính phủ luôn phát đi thông điệp sẽ kiên định điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu dưới 4% đã đề ra, nhưng những ngày qua, nhiều yếu tố đã nảy sinh, tác động lên lạm phát. Cụ thể là giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng, tỷ giá ngoại tệ giữa VND và USD vẫn đang neo ở mức cao, gần như là mức "đỉnh" trong hai năm trở lại đây… Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu nhận định, những năm qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ khá hợp lý, giúp ổn định thị trường, không gây ra biến động khó lường tới nền kinh tế. Nhưng để hỗ trợ hiệu quả hơn, phía các cơ quan quản lý, nhất là NHNN cần chú ý và phối hợp với nhau trong việc điều hành lạm phát, tránh tăng quá cao khiến lãi suất sẽ bị đội lên. Trong khi nếu lạm phát tăng thấp, dưới 3%, đây sẽ là cơ hội để lãi suất có điều kiện giảm xuống.
Ngoài ra, cùng với áp lực của lạm phát, lãi suất còn chịu áp lực của tỷ giá ngoại tệ. Bởi hiện nay, trên thị trường thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn "leo thang", sự biến động của các loại ngoại tệ đều có thể tác động tới chính sách tiền tệ trong nước. Tỷ giá đang neo ở mức cao, thậm chí còn dự báo có thể còn tăng, nên lãi suất huy động tiền đồng sẽ phải ở mức hợp lý để giữ sức hấp dẫn cho kênh gửi tiền tiết kiệm, tránh việc người dân rút tiền mua USD để kiếm lời. Tuy vậy, vừa qua NHNN đã tuyên bố sẵn sàng bán USD ra can thiệp thị trường nên cũng phần nào củng cố niềm tin của người dân. Nhưng TS.Nguyễn Trí Hiếu vẫn cho rằng, NHNN nên tiếp tục tăng lượng cung tiền ra thị trường, giúp các ngân hàng thương mại dồi dào thanh khoản hơn, từ đó sẽ có thêm điều kiện hạ lãi suất.
Cùng với những giải pháp trên, NHNN đã luôn khẳng định sẽ chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Nhưng thách thức vẫn luôn tồn tại, nên trong những điều kiện nêu trên, mặt bằng lãi suất có giữ được ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng điều hành của các cơ quan quản lý.
Hải quan