MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?

19-05-2020 - 09:58 AM | Tài chính - ngân hàng

SHB đứng đầu về lãi suất tiết kiệm với mức áp dụng 9,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, kèm điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Mức lãi suất phổ biến với kỳ hạn 12 tháng là 7-7,8%. Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tại kỳ hạn dưới 6 tháng sau quyết định của NHNN.

Từ đầu năm, SHB luôn có lãi suất tiền gửi cao nhất trong hệ thống ở mức 9,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng kèm điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng công bố lãi suất 12 tháng và 6 tháng với điều kiện tương tự lần lượt là 8,9% và 7,8%/năm. Con số này cao hơn 1,2-2,3 điểm phần trăm so với mức lãi suất cùng kỳ hạn với các khoản tiền gửi dưới 500 tỷ đồng của SHB. Theo tìm hiểu của Người Đồng Hành, lãi suất cao nhất 13 tháng đang được SHB làm cơ sở để tính lãi suất cho vay.

Ngoài SHB, một số ngân hàng cũng có chính sách tương tự, với cùng điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng và kỳ hạn 13 tháng như Viet Capital Bank công bố lãi suất 8,5%/năm, và ABBank là 8,3%/năm.

Trong khi đó, tại Eximbank, ở kỳ hạn 13 tháng và tiền gửi trên 100 tỷ đồng, với khách hàng mở mới tài khoản sẽ được hưởng lãi suất 8,4%. Bên cạnh đó, với kỳ hạn 24 tháng, khách hàng cũng có thể hưởng lãi suất 8,4% nếu tiền gửi trên 500 tỷ đồng, 8,2% với tiền gửi 300-500 tỷ đồng và 8% với 200-300 tỷ đồng.  NCB cũng ghi nhận lãi suất 8-8,1% với kỳ hạn 12-36 tháng và không có điều kiện. 

Các ngân hàng trên cũng là những đơn vị còn giữ lãi suất hơn 8% trên thị trường, trong khi phần lớn dao động 7,2-7,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. So với trước, lãi suất này đã giảm tương đối.

Đồng loạt hạ lãi suất

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm, lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm, nhiều ngân hàng có động thái hạ lãi suất với kỳ hạn ngắn, trung và mở rộng sang một số kỳ hạn dài.

Đơn cử, Sacombank hạ lãi suất với kỳ hạn 1-dưới 6 tháng 25-75 điểm cơ bản, trong đó, lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng là 4,25%/năm, kỳ hạn 1-2 tháng là 4,15-4,2%/năm. Đồng thời lãi suất tại các kỳ hạn trên 6 tháng cũng giảm 10-30 điểm cơ bản như lãi suất 6 tháng giảm từ 6-7 tháng giảm từ 6,5% về 6,2-6,25%/năm, lãi suất 9 tháng cũng giảm về 6,4% từ mức 6,7%/năm, hay trên 12 tháng cũng giảm 10-20 điểm cơ bản.

Tương tự, ACB cũng đông loạt hạ lãi suất 1- dưới 6 tháng 25-50 điểm cơ bản về quanh 4,1-4,25%/năm. Các kỳ hạn trên 6 tháng của ACB cũng giảm 10 điểm cơ bản, xuóng 6,8%/năm với kỳ hạn 6 tháng, 6,9%/năm với kỳ hạn 9 tháng…

Kienlongbank giảm lãi suất kỳ hạn dưới 1- 6 tháng 50-60 điểm cơ bản về 4,25%/năm, đồng thời hạ lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng 20 điểm cơ bản đưa về 6,6%/năm với kỳ hạn trên 6 tháng-10 tháng, 7,3-7,7%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Diễn biến này cũng xuất hiện tại nhiều ngân hàng như BaovietBank, SHB, VPBank, VIB...

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất? - Ảnh 1.

Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tại kỳ hạn ngắn. Ảnh:L.H


ABBank cũng giảm lãi suất với kỳ hạn dưới 6 tháng 25-30 điểm cơ bản theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được giữ nguyên.Trong khi đó, Techcombank giảm 25-35 điểm cơ bản đưa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng về 4%/năm. Tuy nhiên với kỳ hạn trên 6 tháng, ngân hàng này tăng lãi suất 20-30 điểm cơ bản lên 5,8%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 6-6,1%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank giảm 30 điểm cơ bản với kỳ hạn dưới 1 tháng về mức trần của NHNN, trong khi giảm 25 điểm cơ bản với kỳ hạn dưới 3 tháng về 4,25%/năm nhưng giữ nguyên kỳ hạn 1 tháng ở 4,1%/năm. Trong khi, Agribank, BIDV, VietinBank giữ lãi suất 1 tháng ở 4% và giảm 25 điểm cơ bản lãi suất 3 tháng về 4,25%/năm. Các kỳ hạn trên 6 tháng không có thay đổi. 4 ngân hàng cũng là nhóm có mặt bằng lãi suất thấp nhất hệ thống.

Tạo điều kiện huy động vốn giá rẻ cho ngân hàng

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc VietinBank, cho biết việc NHNN hạ lãi suất sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động nguồn vốn giá rẻ trong bối cảnh triển khai các gói vay ưu đãi.

NHNN hạ lãi suất điều hành 2 lần trong năm là điều kiện rất tốt để các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay với các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Động thái này một mặt thể hiện việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp của NHNN trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bới đại dịch Covid-19. Mặt khác, hành động trên cũng là tín hiệu là NHNN và ngành ngân hàng có các nguồn vốn giá rẻ hơn cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay vì nguồn thanh khoản tại các ngân hàng thương mại (NHTM) rất dồi dào.

Nhận định về hành động của NHNN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quyết định này rất quan trọng vì sẽ tác động đến lãi suất chung của nền kinh tế. Khi giảm lãi suất điều hành sẽ gián tiếp tác động hạ được lãi suất cho vay trên thị trường 1, dù sẽ có độ trễ.

Mặt khác, theo ông Hiếu, động thái của NHNN nhắm đến việc giảm chi phí vốn cho ngân hàng. Tuy nhiên, trong tình trạng nền kinh tế hiện nay, dù NHNN không thực hiện, có lẽ thị trường cũng sẽ tự điều chỉnh để phù hợp do hoạt động tín dụng của các ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Vị chuyên gia cũng cho rằng thời gian tới, trong trường hợp cần thúc đẩy mạnh nền kinh tế hoặc tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, NHNN có thể sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành.

Theo Lê Hải

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên