Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?
Một số ngân hàng neo lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12-13 tháng trên 8%/năm kèm điều kiện. Các nhà băng liên tục giảm lãi suất trong tuần cuối tháng 6 và tuần đầu tháng 7. Lãi suất tiền gửi có thể phân hóa và kéo rộng khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng.
- 21-07-2020SSI Research: Lãi suất tiền gửi có thể phân hóa
- 17-07-2020Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục hạ lãi suất điều hành?
- 16-07-2020Lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp, mức 3%/năm chưa phải là đáy?
SHB là ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi cao nhất trong hệ thống ở 9,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng kèm điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng công bố lãi suất 12 tháng và 6 tháng với điều kiện tương tự lần lượt là 8,9% và 7,8%/năm, cùng điều kiện. Con số này cao hơn đến 2,3-2,6 điểm phần trăm so với mức lãi suất cùng kỳ hạn nhưng giá trị tiền gửi dưới 500 tỷ đồng tại SHB. Theo tìm hiểu của Người Đồng Hành, lãi suất cao nhất 13 tháng đang được SHB làm cơ sở để tính lãi suất cho vay.
Bên cạnh SHB, một số ngân hàng có chính sách tương tự, với cùng điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng và kỳ hạn 13 tháng như Viet Capital Bank công bố lãi suất 8,5%/năm, và ABBank là 8,3%/năm.
Các ngân hàng neo lãi suất huy động ở mức cao kèm điều kiện. Ảnh: BĐT.
Tại Eximbank, ở kỳ hạn 13 tháng và tiền gửi trên 100 tỷ đồng, với khách hàng mở mới tài khoản sẽ được hưởng lãi suất 8,4%/năm. Bên cạnh đó, với kỳ hạn 24 tháng, khách hàng cũng có thể hưởng lãi suất 8,4% nếu tiền gửi trên 500 tỷ đồng, 8,2% với tiền gửi 300-500 tỷ đồng và 8% với 200-300 tỷ đồng.
Các ngân hàng trên cũng là những đơn vị còn giữ lãi suất hơn 8% trên thị trường, trong khi phần lớn dao động 5,5-7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Liên tục hạ lãi suất
Từ cuối tháng 6 và tuần đầu tháng 7, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất. Đơn cử ACB, lãi suất giảm 60 điểm cơ bản, từ 5,9-6,2% xuống 5,3-5,6%, tùy từng giá trị tiền gửi. Lãi suất 9-12 tháng giảm 50 điểm cơ bản xuống 5,7-5,8%.
Sacombank cũng hạ lãi suất cho vay 5-15 điểm cơ bản, dao động 3,9-4%/năm. Kỳ hạn 6-12 tháng giảm 30 điểm cơ bản, xuống 5,7-6,5%. Các kỳ hạn 15-36 tháng của ngân hàng giảm 20 điểm cơ bản xuống 6,5-6,7%/năm.
Lãi suất Eximbank cũng giảm tại tất cả các kỳ hạn 20-40 điểm cơ bản. Trong đó, lãi suất dưới 6 tháng dao động 3,5-3,7%, 6-12 tháng 5,6-5,8% và từ 12 tháng trở lên dao động 6-6,2%/năm.
Kienlongbank cũng giảm lãi suất 30 điểm cơ bản với lãi suất trên 12 tháng, xuống 7,1-7,7%. Tương tự, LienVietPostBank hạ lãi suất 20-30 điểm cơ bản, trong đó lãi suất 12 tháng giảm từ 6,5% xuống 6,2%. TPBank cũng giảm lãi suất tiết kiệm 10 điểm cơ bản, riêng lãi suất 21 tháng còn 6,5%/năm. Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác cũng có động thái tương tự.
4 ngân hàng quốc doanh 30-50 điểm cơ bản trên 6 tháng. Trong đó, Vietcombank hạ lãi suất 6-9 tháng từ 4,9% xuống 4,4-4,6%, kỳ hạn trên 12 tháng giảm 6,5-6,6% xuống 6%. Động thái tương tự cũng diễn ra tại VietinBank, Agribank và BIDV.
Nhìn chung, lãi suất dao động 3,5 - 4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,4 - 6,7%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, từ 5,5% đến 7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Như vậy, các ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi tổng cộng 80-160 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay.
Theo Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI - SSI Research, tình trạng dư thừa thanh khoản của từng ngân hàng phụ thuộc lớn vào đầu ra tín dụng, lãi suất tiền gửi có thể phân hóa và kéo rộng khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng có đầu ra tín dụng yếu có thể giảm tiếp lãi suất, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn.
Người đồng hành