MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tiết kiệm tăng, tiền nhàn rỗi nối đuôi chảy mạnh vào ngân hàng

14-11-2024 - 15:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Thêm ngân hàng tăng lãi suất gửi tiết kiệm thu hút dòng tiền nhàn rỗi chảy vào. Ngân hàng nào đang huy động lãi suất trên 6%/năm?

Ngày 14-11, Ngân hàng Việt Á (VietABank) công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,6 điểm % ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất online được ngân hàng này tăng lên 3,7%/năm kỳ hạn 1 tháng; kỳ hạn 2 tháng lên 3,9%/năm; kỳ hạn 9 tháng 5,4%/năm. 

Lãi suất cao nhất tại VietABank là 6%/năm khi khách gửi tiết kiệm online kỳ hạn 36 tháng. Nếu gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 5,6%/năm cho các kỳ hạn từ 24-36 tháng.

Thống kê của phóng viên Báo Người Lao Động đến ngày 14-11, một số ngân hàng đang huy động lãi suất trên 6%/năm khi khách gửi tại quầy cho các khoản tiền gửi dài hạn như Saigonbank 6%/năm; Oceanbank 6,1%/năm; DongABank 6,02%/năm; BacABank 6,15%/năm…

Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất huy động cao nhất thuộc về VietinBank và Agribank, lãi suất 4,8%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng; Vietcombank và BIDV huy động cùng kỳ hạn ở mức thấp hơn, 4,7%/năm…

Lãi suất tiết kiệm tăng, tiền nhàn rỗi nối đuôi chảy mạnh vào ngân hàng- Ảnh 1.

Lãi suất gửi tiết kiệm tăng tiếp, nhiều ngân hàng huy động trên 6%/năm cho các kỳ hạn dài

Lãi suất huy động nhích lên góp phần kích thích dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng. 

Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết những tháng gần đây, nguồn vốn huy động luôn trong xu hướng tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng bình quân đạt trên 1,5%.

Thống kê đến cuối tháng 10-2024, tại TP HCM, tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân (gồm tiền gửi có kỳ hạn; không kỳ hạn) tăng 8,3% so với cuối năm 2023, trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư đến nay đạt trên 1,4 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 36,8%-38% trong tổng tiền gửi.

"Tăng trưởng nguồn vốn huy động có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp ngân hàng mở rộng cho vay phát triển sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của doanh nghiệp, tiền gửi tiết kiệm dân cư được sử dụng hiệu quả, đưa vào hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Đức Lệnh nói. 

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tính đến cuối tháng 8-2024, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng xấp xỉ 7 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính tới cuối tháng 8 hơn 6,83 triệu tỉ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm ngoái.

Như vậy, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt hơn 13,75 triệu tỉ đồng.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên