MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp nào cao nhất?

03-09-2019 - 13:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo ước tính của chứng khoán SSI, trong 8 tháng đầu năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình là 8,3%/năm và kỳ hạn trái phiếu bình quân là 3,4 năm.

Báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2019 của chứng khoán SSI cho biết, có tới 62,7% trái phiếu phát hành là lãi suất cố định (tức là 73 nghìn tỷ đồng), còn lại là lãi suất thả nổi. Tuy nhiên, nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng thì cơ cấu này có sự đảo ngược với 66% là thả nổi và 34% là cố định.

Hầu hết trái phiếu ngân hàng có lãi suất cố định và trả lãi hàng năm. Lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,75%/năm và 3,3 năm. Chỉ có 3.900 tỷ đồng trái phiếu nhóm này có lãi suất thả nổi, trong đó gồm: 2.500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 3 năm của ABBank có mức lãi suất năm đầu là 6,5%/năm và các năm sau bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau của 4 SOBs; 1.400 tỷ trái phiếu lãi suất thả nổi còn lại là trái phiếu kỳ hạn dài 5-10 năm của BIDV, VietinBank, Seabank và VIB.

Nếu loại trừ nhóm ngân hàng, mức lãi suất bình quân các nhóm còn lại là 9,72%/năm trong đó cao nhất là lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (10,01%/năm), rồi đến nhóm phát triển hạ tầng (9,79%/năm); nhóm định chế tài chính (8,64%/năm).

Kỳ hạn bình quân cao nhất thuộc về nhóm phát triển hạ tầng (4,4 năm) với điển hình là 1.150 tỷ đồng trái phiếu 10 năm của CII và 1.100 tỷ đồng trái phiếu 7 năm của Vietraximex. Ngược lại, trái phiếu của các CTCK hầu hết có kỳ hạn ngắn từ 1-2 năm khiến kỳ hạn bình quân của nhóm định chế tài chính là ngắn nhất (1,8 năm).

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp nào cao nhất? - Ảnh 1.

Lãi suất trái phiếu bình quân của tất cả các trái phiếu BĐS phát hành 8 tháng đầu năm 2019 là 10,01%/năm. Trong đó, chỉ có 4 doanh nghiệp huy động được trái phiếu có lãi suất từ 8% trở xuống (Nova Tân Gia Phát, Sàn giao dịch BĐS Tiến Phước, Đất Xanh Group, REE Corp); nếu loại trừ các khoản này, lãi suất huy động bình quân tăng lên 10,3%/năm.

Khoảng lãi suất từ 10% đến dưới 11%/năm chiếm tỷ trọng lớn nhất (15.277 tỷ đồng – tương đương 41,5%). Tiếp theo là khoảng từ 11% đến dưới 12%/năm (7.874 tỷ đồng, 21,5%). Như vậy, 94,3% trái phiếu BĐS phát hành có lãi suất dưới 12%/năm.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp nào cao nhất? - Ảnh 2.

Chỉ có 8 lô phát hành của 5 doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành là 2.079 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất từ 12%/năm trở lên (tương đương tỷ trọng 5,7%) trong đó cao nhất là 200 tỷ đồng phát hành ngày 8/4/2019 của CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) với mức lãi suất 14,45%/năm.

BĐS Phát Đạt có 6 đợt phát hành thì 4 đợt đều ở nhóm lãi suất cao nhất thị trường, hai lô còn lại có lãi suất thấp hơn thì đều được các ngân hàng ôm trọn. Cụ thể: ngân hàng MB mua trọn lô 550 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, phát hành 3/6/2019 có lãi suất thả nổi, năm đầu 10,5%/năm, các năm sau bằng lãi suất tham chiếu cộng 3,5%/năm; OCB mua trọn lô 225 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm, phát hành ngày 1/8/2019 có lãi suất 9,5%/năm.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên