Làm ăn thua lỗ, thương hiệu thời trang Karen Millen tuyên bố toàn bộ cửa hàng trên thế giới sẽ ngừng hoạt động vào ngày 31/12
Hãng bán lẻ Boohoo mua lại mảng kinh doanh trực tuyến của Karen Millen và Coast với 18 triệu bảng, theo đó các cửa hàng vật lý sẽ ngừng hoạt động.
- 27-11-2019Tỷ phú Masayoshi Son gây mất niềm tin hoàn toàn: Rót 300 triệu USD vào startup dắt chó đi dạo 'trời ơi đất hỡi' và giờ công ty này trên bờ vực phá sản, định giá rẻ hơn cả số tiền Softbank đầu tư
- 19-11-2019Điêu đứng vì thương chiến, nông dân Mỹ phá sản nhiều kỷ lục
- 13-11-2019Công ty sữa lớn nhất Mỹ nộp đơn xin phá sản
Theo Guardian, hơn 200 cửa hàng outlet của Karen Millen và Coast tại Anh sẽ đóng cửa. Các cửa hàng của Karen Millen trên toàn thế giới sẽ ngừng hoạt động từ ngày 31/12/2019, theo đó hơn 1.100 nhân sự đứng trước nguy cơ mất việc, sau khi mảng kinh doanh trực tuyến của các thuơng hiệu này được nhá bán lẻ trực tuyến Boohoo mua lại với 18 triệu bảng. Các chuyên gia của Deloitte cho biết 62 nhân viên văn phòng phải ra đi ngay lập tức và các cửa hàng cũng chỉ còn mở cửa trong một thời gian ngắn.
Hai thương hiệu này hiện có 32 cửa hàng độc lập và 177 cửa hàng nhượng quyền tại các siêu thị hàng hiệu (department store) tại Anh. Giống như nhiều nhà bán lẻ khác, chuỗi cửa hàng thời trang này gặp khó khăn với tình trạng chi phí tăng cao, số lượng người mua sắm trực tiếp sụt giảm trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng đi xuống và thói quen mua đồ cũng thay đổi.
Rob Harding, chuyên viên kiểm toán tại Deloitte, cho hay: "Như chúng ta vẫn đang chứng kiến, thị trường bán lẻ ở Anh đang vô cùng khắc nghiệt." Ông cho biết Karen Millen đã nỗ lực nhưng thất bại khi tìm kiếm một đối tác mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, thoả thuận với Boohoo có thể "mang đến sức sống cho những thương hiệu nổi tiếng của Anh qua nền tảng bán hàng trực tuyến."
Boohoo cho biết 2 thương hiệu này có doanh số bán hàng trực tuyến từ các trang web chỉ là hơn 28 triệu bảng và sẽ là "sự bổ sung rất lớn" cho danh sách các thương hiệu mà họ sở hữu, gồm PrettyLittleThing, Nasty Gal và MissPap.
John Lyttle, giám đốc điều hành của Boohoo, chia sẻ rằng thương vụ thâu tóm này là một "cột mốc khác trong quá trình tăng trưởng của công ty khi đang tiếp tục đầu tư vào nền tảng đa thương hiệu và có thể giành thêm thị phần trong thị trường thương mại điện tử thời trang trên toàn cầu."
Các nhà phân tích nhận định thương vụ này sẽ giúp Boohoo thay đổi, hướng đến đối tượng khách hàng ở độ tuổi trưởng thành, khi người tiêu dùng đang ngày một già đi và không có nhu cầu với thời trang nhanh.
Nhà sáng lập Karen Millen đã tuyên bố phá sản vào năm 2017 sau vụ lùm xùm tranh chấp thuế với Cơ quan Thuế và Hải quan Anh (HMRC). Bà nói về việc thương hiệu mình sáng lập được Boohoo mua lại: "Tôi cảm thấy mất mát khi một thương hiệu mang tính biểu tượng trên 'high street' và toàn thế giới giờ đây phải đóng cửa và đặt dấu chấm hết cho mọi thứ mà chúng tôi dành cả trái tim và tâm hồn cho nó. Tôi cảm thấy tiếc cho tất cả những người bị mất việc."
Kevin Stanford, đồng sáng lập của Karen Millen - chồng cũ của bà, cho rằng Boohoo sẽ thực hiện tốt việc chăm chút cho thương hiệu này hơn là ngân hàng Kaupthing của Iceland. Ông nói: "Đây là điều đáng buồn đối với tất cả những nhân viên làm việc tại Karen Millen nhưng điều gì đó hẳn đã xảy ra với những chủ sở hữu hiện tại, họ đã phá huỷ thương hiệu này. Đó là điều xảy ra khi các ngân hàng điều hành công ty thời trang."
Tại Anh, Karen Millen và Coast có khoảng 1.100 nhân viên, không một ai trong số này được đảm bảo việc làm theo thoả thuận với Boohoo. Kết thúc năm tính đến tháng 2/2018, công ty cổ phần Karen Millen đã lỗ 5,7 triệu bảng, sau khi lỗ 11,9 triệu bảng vào năm tài chính trước đó. Cả 2 thương hiệu này cũng hoạt động ở nước ngoài, đều mở cửa hàng ở những thành phố lớn, sầm uất như New York, Chicago hay Singapore.
Tham khảo Guardian