MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm cá chết hàng loạt, Formosa bồi thường 500 triệu USD

Sau quá trình làm việc của các cơ quan chức năng VN, Formosa thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển, khiến cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung. Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD khắc phục hậu quả.

Cuộc họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở miền Trung đang diễn ra tại Hà Nội.

Đây là cuộc họp báo thường kỳ hàng tháng, tuy nhiên, tháng này, theo giấy mời của Văn phòng Chính phủ, cuộc họp sẽ tập trung vào hai nội dung chính: Kết luận về sự cố môi trường biển vừa qua tại một số tỉnh ven biển miền Trung và công bố việc ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ 1-7-2016).

Rất đông phóng viên các báo, đài trong và ngoài nước đã đến Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong để chuẩn bị đưa tin.

Dự kiến, một phó Thủ tướng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sẽ chủ trì cuộc họp báo.

Tham dự còn có lãnh đạo nhiều Bộ ngành như Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Công thương, Khoa học Công nghệ, NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh…

Trên 100 nhà khoa học

Ông Dũng thông báo ngay sau khi có sự cố, lãnh đạo Đảng, nhà nước đã trực tiếp, thường xuyên, Thủ tướng và phó Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo. Bước đầu đánh giá thiệt hại kinh tế xã hội, môi trường, tinh thần chỉ đạo cơ quan khoa học trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan đúng pháp luật làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã tổ chức trên 100 nhà khoa học, có sự phản biện của chuyên gia quốc tế, xác định nguồn thải lớn nhất tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa độc tố như Fenol, Xianua, kết hợp với Hidro, tạo thành phức hợp theo dòng hải lưu đến Thừa thiên Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt. Bộ Tài nguyên môi trường đã rà soát nguồn thải, thành lập đoàn kiểm tra.

Với chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên môi trường đã phối hợp các bộ ngành đã nhiều lần làm việc với Formosa Đài Loan cũng như Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28-6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng, biểu dương nỗ lực của các nhà khoa học, sự vào cuộc của các Ban Đảng, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan báo chí trong vào ngoài nước.

Chính phủ hoan nghênh dư luận Đài Loan ủng hộ VN xử lý nghiêm sai phạm vừa qua, yêu cầu Formosa hợp tác. Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện chính sách, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đây là bài học cho các doanh nghiệp trong tuân thủ pháp luật VN cũng như pháp luật về môi trường.

Formosa cam kết 5 điểm:

1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;

2. Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.

3. Cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.

4. Phối hợp bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không xảy ra sự cố môi trường để tạo niềm tin với người dân VN và bạn bè quốc tế.

5. Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật VN.

Với nhận thức sâu sắc sự cố môi trường ảnh hưởng sâu sắc tới người dân, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thực hiện ngay bồi thường, hỗ trợ chuyển nghề cho dân theo đúng quy định, tinh thần là đảm bảo công khai, minh bạch, sát thực tế, có giám sát của dân, mặt trận tổ quốc, cơ quan báo chí.

Yêu cầu Formosa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết. Đồng thời triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển ở 4 tỉnh và công khai số liệu.

Ông Trương Minh Tuấn cung cấp clip lời xin lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa cùng ban lãnh đạo Formosa gửi lời xin lỗi đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD

Ngay sau phần thông tin, một số báo đã đặt câu hỏi với các vị chủ trì họp báo:

* Tiền Phong: Xin hãy cho biết quá trình xác định nguyên nhân cá chết?

- Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà: Qua clip vừa rồi, xác định nguyên nhân đòi hỏi phải có chứng cứ bài bản, khoa học. Sự cố xảy ra diện rộng, phức tạp, nên phải tiến hành cẩn trọng, khách quan, chính xác…

Trước yêu cầu của Thủ tướng, yêu cầu chính đáng của dân, với sức ép rất lớn, chúng tôi xác định phải tiến hành có kế hoạch, tính toán đầy đủ, để có chứng cứ, không chỉ nêu nguyên nhân, mà chỉ rõ ai là thủ phạm.

Chúng tôi chia việc thành 3 nhóm: xác định nguyên nhân, hình dung được hiện tượng gì diễn ra, đi từ Hà Tĩnh về Huế.

Cơ chế gì xảy ra khiến hải sản chết? Nhóm thứ nhất rất phức tạp. Nhóm này tập hợp hơn 100 nhà khoa học về Hải dương học, môi trường, lấy mẫu trầm tích đáy, phù du… Tiến hành xác định từ vệ tinh từ khi bắt đầu sự việc, hồi tố lại sự việc vì sự việc diễn ra trước khi ta biết. Nhiều nhà khoa học phải xuống biển lần theo dấu hiệu vệ tinh chỉ ra.

Qua làm việc nguy hiểm, phân tích thí nghiệm, có cái vài tuần mới có kết quả, phải kiểm chứng của nhiều phòng thí nghiệm quốc tế khác. Chúng tôi lấy ý kiến nhà khoa học thế giới khác một cách độc lập nên hôm nay mới công bố.

Qua nghiên cứu khẳng định hợp chất, theo dòng hải lưu từ Hà Tĩnh đến Huế. Nó như tấm đệm, hấp thụ chất kim loại tiếp nếu có trong biển, nó chứa phenol, nó có nhu cầu oxy, lấy oxy và có độc tố nên gây cái chết của hải sản. Vậy từ đâu ra? Chúng tôi đã rà soát hàng trăm cơ sở, tập trung vào 3 đối tượng: Formosa, điện Vũng Áng, khu công nghiệp Hà Tĩnh.

Qua kiểm toán năng lượng, hàng loạt vấn đề quản lý thử nghiệm lỏng lẻo tại Formosa, thiết kế và vận hành hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo yêu cầu nên xác định chỉ lò luyện cốc phát thải phenol và xyanua. Đã có bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư chấp nhận nguồn thải từ lò luyện cốc Formosa.

- Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh: Đây là sự cố nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Thủ tướng đã phân công Bộ Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Viện Hàn Lâm khoa học Công nghệ tìm nguyên nhân.

Có thể khẳng định các nhà khoa học vào cuộc không kể ngày đêm. Tiếp cận nhiều phương pháp khác nhau, huy động mọi lực lượng, trong đó có cả nước ngoài.

Có khó khăn trong xác định nguyên nhân, là tìm kiếm dấu vết ngay tại thực địa, đáy biển, phân tích, hồi tố điều kiện thực địa ban đầu.

Với sự bổ sung của các nhà khoa học Mỹ, Israel, Nhật… đã đánh giá, kết luận với tính thuyết phục cao nhất được các nhà khoa học quóc tế công nhận.

Kết quả hôm nay đã thể hiện nỗ lực của nhà khoa học, trình độ và năng lực của nhà khoa học trong xử lý các vấn để khoa học phức tạp.

Có sự so sánh, năm 2004, tại Chiba của Nhật có sự cố môi trường nghiêm trọng, hơn 1 năm sau Hội đồng đánh giá của Nhật với chuyên gia hàng đầu mới kết luận được nguyên nhân, cũng do công ty sắt thép của Nhật xả nước thải chứa xyanua vào biển.

- Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn: Việc công bố hôm nay chứng tỏ Đảng, nhà nước chủ trương công khai minh bạch. Thủ tướng và các phó Thủ tướng đã tổ chức hàng chục cuộc họp về vấn đề này, đánh giá thiệt hại, giữ vững trật tự an toàn xã hội, xử lý nghiêm tổ chức sai phạm dù họ là ai.

Công bố nguyên nhân là để giải quyết hậu quả. Việc điều tra nguyên nhân được tiến hành bởi nhà khoa học, đối tượng là dữ kiện. Điều tra tìm thủ phạm là cơ quan điều tra, phối hợp nhà khoa học, phức tạp hơn, vì liên quan con người.

Quá trình điều tra có sự phối hợp chặt chẽ của các nhà khoa học, các địa phương.

Tôi nhấn mạnh kết quả trên là hoàn toàn khách quan, loại trừ toàn bộ sự can thiệp. Các cơ quan điều tra đã làm hết khả năng của mình.

Dư luận trên mạng xã hội có phản ứng về sự chậm trễ, bức xúc đó là dễ hiểu, vì liên quan an lành của đất nước, đời sống hàng vạn người dân nhưng phản ứng thái quá, có thế lực thù địch đã kích động gây mất trật tự công cộng.

Chúng tôi tôn trọng bức xúc nhưng không chấp nhận lợi dụng bức xúc đó để chống phá Đảng, nhà nước. Đến nay tôi khẳng định công bố hôm nay là kịp thời.

* Tuổi Trẻ: Đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết việc cấp phép xả thải với Formosa so với tiêu chuẩn VN, việc kiểm soát xả thải và trách nhiệm của Bộ với vụ việc ra sao?

- Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà: Có nguồn nước thải từ cảng, sinh hóa, từ trạm xử lý cốc. Đưa ra tiêu chuẩn 52 kiểm soát 12 thông số của gang thép. Các quy chuẩn, có quy chuẩn 40 với nước thải công nghiệp, có kiểm soát nhiều thông số hơn. Tiêu chuẩn 52 kiểm soát với nước thải công nghiệp gang thép, chỉ kiểm soát 12 thông số, yêu cầu thấp hơn.

Về quy chuẩn, ngay từ đầu chưa tiên lượng được ngành công nghiệp gang thép phải bao quát các thông số. Trong toàn bộ lưu lượng thải, nước thải bao gồm cả nước thải có dầu mỡ, tiêu chuẩn 52 không bao quát. Đúng ra phải áp dụng cả hai tiêu chuẩn.

Có thể nói ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa. Cái cần giám sát nhất là từ luyện cốc, cần có hệ thống kiểm soát đạt các tiêu chuẩn 52 nhưng đang trong giai đoạn thử, do đó chưa cơ quan nào được gọi vào, khi họ nói tôi đã vận hành thì mới vào.

Đây là kẽ hở pháp luật. Ta chưa kiểm soát được, đáng ra phải đáp ứng tiêu chuẩn 52. Hệ thông quan trắc cũng chưa quan trắc được phenol, xyanua do pháp luật còn lỗ hổng, không có giám sát trong quá trình giám sát, thử nghiệm.

Trong vụ việc này, VN có xử lý hình sự Formosa không?

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: thái độ của lãnh đạo Đảng nhà nước VN là kiên quyết. Tuy nhiên, Formosa đã nhận lỗi, đưa ra 5 cam kết. Vì vậy, người VN chúng tôi có câu đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại. Việc đưa vụ án ra khởi tố không, VN sẽ cân nhắc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn: Việc khởi tố hay không sẽ phụ thuộc vào cơ quan tư pháp, Chính phủ không can thiệp.

* Formosa có nhiều tiền án về môi trường, nhưng tại sao chúng ta vẫn để lọt? Quy trình thẩm định dự án VN tới đây có gì thay đổi không?

- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông: Chúng tôi có thể cung cấp quá trình thẩm định Formosa. Tại thời điểm đó, quy trình đã được quy định trong nghị định 108 hướng dẫn Luật Đầu tư 2005.

VN đã phân cấp cho UBND tỉnh, các bộ ngành. Chúng tôi nhận được văn bản của UBND Hà Tĩnh hỏi về việc đầu tư của Formosa.

Chúng tôi đã góp ý về môi trường như sau: phần đánh giá tác động môi trường còn sơ sài, biện pháp tác động khả năng xấu. Chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư đánh giá tác động môi trường trình theo quy định. Như vậy, chúng tôi đã cảnh báo.

Chính sách đầu tư của VN sau việc này, tôi khẳng định chính sách này là nhất quán, theo đúng pháp luật, cam kết quốc tế. Một sự kiện xảy ra là đáng tiếc, các cơ quan Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là bài học, để đảmbảo thu hút đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Chính sách của chúng ta ttrong thu hút đầu tư mới vừa được nêu trong nghị quyết 13 của Chính phủ đã nêu sẽ chủ trọng thu hút dự án là không đánh đổi thu hút đầu tư bằng mọi giá, không chấp nhận đánh đổi môi trường.

* Hãng Nikkei (Nhật Bản): Tiền bồi thường 500 triệu USD là rất cao. Chúng tôi muốn biết tại sao là 500 triệu USD?

- Ông Trần Hồng Hà: 500 triệu USD còn là nhỏ. Đó là chúng tôi mới đánh giá được thiệt hại của dân, mức độ tồn lưu, còn thiệt hại lớn hơn là tổn thương tâm lý…

Chúng tôi yêu cầu Formosa và các cổ đông phải tiến hành chuyển đổi công nghệ để không bao giờ xảy ra nữa.

- Đại diện UBND Hà Tĩnh: Formosa là dự án lớn, có tất cả bộ ngành tham gia, nhiều việc vượt quá khả năng của Hà Tĩnh.

Dù vậy, Hà Tĩnh đã phối hợp trong kiểm tra, giám sát trên địa bàn. Hà Tĩnh đã giao trách nhiệm cho Ban quản lý khu kinh tế, Sở Tài nguyên Mội trường. Trên thực tế đã có nhiều cuộc kiểm tra và có xử lý, đặc biệt khi có sự cố xảy ra, chúng tôi đã tích cực cung cấp thông tin, để tìm ra nguyên nhân.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy do khả năng có hạn, việc kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, còn nhiều bất cập. Thông qua việc này, chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm để xử lý các cá nhân được giao trách nhiệm.

- Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn: Để kết thúc, tôi xin thông báo hôm nay, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát toàn bộ các quy hoạch môi trường, các quy chuẩn về môi trường. Với trách nhiệm cán bộ công chức liên quan, dù cấp nào, Thủ tướng cũng yêu cầu sẽ phải xem xét trách nhiệm trước pháp luật.

Toàn cảnh vụ cá chết ở miền Trung

Từ đầu tháng 4-2016, bắt đầu xảy ra hiện tượng cá chết dạt vào bờ biển Hà Tĩnh, đặc biệt là khu vực Vũng Áng, gần nhà máy của Formosa, sau đó lan ra các tỉnh thành khác như Quảng Trị, Quảng Bình.

Ngày 20-4, khu vực bãi biển Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) nhiều người dân đổ xô ra biển lượm cá chết dạt, trôi lềnh bềnh trên bờ biển. Hiện tượng cá chết lan ra Huế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đến ngày 26-4, các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh...

Ngày 1-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp vào Hà Tĩnh chỉ đạo phải tìm cho ra nguyên nhân cá chết.

“Dù bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào vi phạm pháp luật cũng phải làm rõ trên căn cứ khoa học, không ai bao che cả. Cần có kết luận cụ thể vì đây là nguyện vọng của nhân dân nhưng phải chặt chẽ, khoa học” - Thủ tướng chỉ đạo.

Ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do cá chết bất thường.

Ngày 29-5, báo chí ghi nhận không chỉ khu vực miền Trung mà ngay tại TP.HCM, tiểu thương bán hải sản cũng bị vạ lây vì người dân thận trọng khi mua hải sản.

Ngày 2-6, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã tìm ra nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố vì chờ phản biện.

Ngày 13-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc ngày 20-7 và diễn ra trong khoảng chín ngày.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, bên cạnh một số nội dung cần báo cáo theo thông lệ, đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Theo Cầm Văn Kình

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên