Làm đường gây thiệt hại cho 36.000 hộ dân: Ai bồi thường?
Không dùng ngân sách đền bù thiệt hại cho 36.000 hộ dân do làm đường, cần thiết thì ra tòa
Thay mặt Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có tờ trình gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải quyết bồi thường hơn 166,7 tỉ đồng cho 35.814 hộ dân có nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) bị ảnh hưởng do thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Tuy nhiên, UBTVQH vừa bác đề nghị này và yêu cầu phải giải quyết bằng dân sự, sớm bồi thường cho dân.
Nằm ngoài khả năng dự báo của nhà thầu!
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tổng hợp sơ bộ dự kiến kinh phí đền bù là khoảng 167 tỉ đồng tại 31 dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh. Cụ thể, 15 dự án đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ, 3 dự án đoạn qua Tây Nguyên sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) khoảng 82 tỉ đồng và 13 dự án đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ theo hình thức BOT gần 85 tỉ đồng. Ước tính có khoảng 35.814 hộ dân bị ảnh hưởng với nằm ngoài trách nhiệm bảo hiểm do chủ đầu tư mua.
Theo ông Thể, việc bồi thường thiệt hại (bị lún, nứt, thấm, dột, sụp đổ hoặc có nguy cơ sụp đổ) cho các hộ chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Nguyên nhân gây ra thiệt hại nằm ngoài phạm vi GPMB là khách quan, bất khả kháng, nằm ngoài khả năng tính toán, dự báo của nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan" - Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Ông Thể cho rằng lý do là các dự án trên mở rộng rất lớn. Trước đây dân ở cách xa đường, sau mở đường lẽ ra phải đền bù mỗi bên thêm 7-8 m nhưng do tiết kiệm tiền GPMB, dân ở rất gần đường nên dẫn đến bị thiệt hại như Chính phủ đã nêu tại tờ trình.
Tuy nhiên, theo ông Thể, việc sử dụng nguồn vốn TPCP từ nguồn kinh phí GPMB của dự án để chi trả bồi thường thiệt hại chưa được quy định trong các văn bản luật, nghị định của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị UBTVQH chấp thuận, cho phép Bộ GTVT được sử dụng nguồn vốn TPCP của các dự án trên để chi trả bồi thường thiệt hại. Phần vốn này được lấy từ kinh phí GPMB trong tổng mức đầu tư của các dự án và giao UBND các tỉnh, hội đồng GPMB địa phương xem xét, xác định đối tượng, mức độ ảnh hưởng, quyết định giá trị thiệt hại và thực hiện chi trả bồi thường trên cơ sở kết quả giám định tổn thất của đơn vị tư vấn giám định độc lập, ông Thể nói.
Nhiều nhà dân ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị tháo dỡ để mở rộng Quốc lộ 1.Ảnh: Hồng Ánh
Không có chuyện dùng ngân sách
Đại diện cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho rằng việc bồi thường thiệt hại cho người dân cần được thực hiện theo điều 605 Bộ Luật Dân sự. Theo đó, nhà thầu thi công làm ảnh hưởng đến nhà dân phải có trách nhiệm liên đới bồi thường.
"Ngân sách nhà nước không bố trí nguồn lực để xử lý các nội dung này và việc xem xét xác định nguyên nhân gây thiệt hại, trách nhiệm và kinh phí bồi thường thuộc thẩm quyền Chính phủ, không sử dụng kinh phí GPMB để bồi thường. Đồng thời, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để làm căn cứ thực hiện bồi thường" - ông Hải nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị: "Nhà thầu phải có trách nhiệm từ khảo sát, thiết kế đến thi công, bảo hiểm bảo dưỡng cho công trình. Trong điều hành thì đây là quan hệ trực tiếp giữa nhà thầu với dân, trước hết hãy làm tròn trách nhiệm của cơ quan quản lý và giám sát hoạt động của các nhà thầu".
Về trách nhiệm dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga phân tích: "Luật quy định rất rõ ràng về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong việc này, nếu lỗi là do thi công, nhà thầu phải bồi thường; nếu Chính phủ có cam kết chịu trách nhiệm thì lúc đó lấy tiền của Chính phủ, còn nếu không thì tòa án sẽ phân xử".
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình góp ý: "Đối với trường hợp này cần đưa ra tòa xử chứ không dùng ngân sách để chi trả, tạo tiền lệ xấu cho nhiều dự án khác. Vấn đề là trách nhiệm thuộc về ai và tiền ở đâu?".
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định đề xuất của Chính phủ không thuộc thẩm quyền của UBTVQH mà thuộc trách nhiệm xử lý của Chính phủ. "Đây là trách nhiệm dân sự thực hiên theo luật dân sự, không liên quan đến hoạt động của ngân sách, nếu dùng ngân sách để xử lý thì tạo nên tiền lệ không hợp lý"- ông Phùng Quốc Hiển băn khoăn.
Không kéo dài việc bồi thường
Ông Phan Thanh Bình bày tỏ: "Làm hư hỏng nhà dân là phải bồi thường và không nên để lâu vì bà con dọc QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên rất khó khăn, đừng để bà con khó khăn thêm".
Người lao động