Làm gì để ngăn tẩu tán tài sản của “quan” tham nhũng?
Buộc đối tượng có nguy cơ tham nhũng phải kê khai và công khai tài sản sẽ khiến người có chức vụ quyền hạn sẽ phải thay đổi theo hướng tích cực
Vấn đề thu hồi tài sản từ tham nhũng đang được xem là một trong những hạn chế lớn trong công tác tham nhũng. Lý do khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay gặp khó khăn là do phải qua quy trình truy tố, xét xử, ra bản án sau đó mới kê biên tài sản. Khoảng thời gian diễn ra quy trình này đã được tội phạm tham nhũng tận dụng để tẩu tán tài sản.
Một lãnh đạo Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thừa nhận “việc thu hồi tài sản tham nhũng để lâu sẽ rất khó, giống như một người làm đổ nước xuống đất, càng để lâu nước càng thấm xuống dưới và rất khó thu lại”. Chưa kể, trong nhiều vụ án tham nhũng, hành vi tham nhũng đã diễn ra trong nhiều năm. Trong thời gian đó, đối tượng đã sử dụng tài sản với nhiều mục đích khác nhau, cất giấu, chuyển hóa, nên đến khi có bản án, tài sản gần như đã bị tẩu tán hết, không còn điều kiện để thi hành.
Cụ thể, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, tính tổng cộng trong 10 năm thực hiện luật, đã có 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can đã bị khởi tố; số vụ truy tố là gần 3.000 vụ và số bị đưa ra xét xử vào khoảng 2.630 vụ. Tổng số tiền bị thiệt hại trong các vụ tham nhũng lên đến 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Trong số này, cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được 4.676,6 tỷ đồng, chưa đầy 8% và trên 219 ha đất.
Tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Tội phạm tham nhũng “lách luật” rất tinh vi
Làm rõ thêm những nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, đang gặp nhiều vướng mắc, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là chúng ta chưa có một thể chế thực sự phù hợp, đặc biệt trực tiếp nhất là Luật Phòng chống tham nhũng.
Nguyên nhân chủ quan là đối tượng phạm tội tham nhũng thuộc nhóm tội phạm về chức vụ, có thể nói họ là những người có hiểu biết rất sâu về pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, pháp luật liên quan đến tham nhũng, nên họ có khả năng “lách luật” và che giấu hành vi tham nhũng rất tinh vi, đặc biệt để đối phó với sự phát hiện, thu hồi của cơ quan chức năng.
Giải pháp cho công tác phòng chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng, Tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, Ủy ban Tư pháp sẽ có trách nhiệm thẩm tra, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.
Một trong những giải pháp quan trọng là phải sửa Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng những người có nguy cơ tham nhũng đều phải kê khai và công khai tài sản tại nơi làm việc, tại nơi cư trú để những người cùng đơn vị, những người cùng nơi sinh sống biết được tình hình tài sản cũng như sự biến động về tài sản của người đó.
Trên cơ sở hiểu và biết được, dư luận sẽ theo dõi, giám sát, phát hiện những biểu hiện nghi ngờ liên quan đến tham nhũng để báo cho các cơ quan có thẩm quyền. Việc công khai tài sản sẽ buộc những người có chức vụ quyền hạn buộc phải thay đổi theo hướng tích cực, hạn chế hành vi tham nhũng nếu không muốn bị dư luận quần chúng giám sát, phát hiện, tố giác.
Việc sửa Luật Phòng chống tham nhũng cũng sẽ tập trung vào những đối tượng là người thân của những người có nguy cơ tham nhũng. Những người này cũng phải kê khai tài sản của mình để tránh tình trạng tài sản tham nhũng được chuyển dịch hoặc lấy tên của người thân.
Cùng với đó, phải sửa luật theo hướng quy định tất cả các tài sản phải được đăng ký đúng tên người sử dụng, sở hữu. Anh mua một chiếc ô tô nhưng không thực hiện sang tên, khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm tái diễn, sẽ bị coi là phạm tội, bị đưa ra xử lý trước pháp luật.
Trường hợp kê khai không đủ, không đúng sẽ buộc phải bổ sung, giải trình. Giải trình không thỏa đáng, có thể bị tịch thu tài sản kê khai không thỏa đáng, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, chứng minh có dấu hiệu tội phạm để tiến hành xử lý.
Kiểm soát nguồn tiền chuyển ra nước ngoài
Để tránh trường hợp đối tượng chuyển tài sản tham nhũng ra nước ngoài, một trong những giải pháp rất quan trọng là dần từng bước tiến tới quy định không dùng tiền mặt, mọi thanh toán, giao dịch đều qua tài khoản.
Trên cơ sở đó để nắm bắt được các hoạt động về kinh tế với những biến động về tài sản, về thu nhập cuả những người có chức vụ, quyền hạn, có nguy cơ tham nhũng. Việc quản lý được tài sản thông qua tài khoản sẽ tránh được trường hợp đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản. Những tài sản đã giám sát được, thuộc tên chủ sở hữu trong tài khoản, ngay khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, phải có biện pháp quản lý, kê biên, niêm phong.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Công ty Luật INTERCODE, Hà Nội)
Thu hồi tài sản tham nhũng ở trong nước đã khó, việc thu hồi tài sản tham nhũng các đối tượng chuyển ra nước ngoài còn khó khăn hơn rất nhiều. Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Công ty Luật INTERCODE, Hà Nội), việc thu hồi tài sản tham nhũng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam là một quy trình phức tạp, không hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam mà còn dựa trên quan hệ ngoại giao song phương, vấn đề chính trị, kinh tế của quốc gia nơi có tài sản, cơ chế có đi có lại, việc tôn trọng và tuân thủ của Việt Nam trong quá trình thực thi Công ước về chống tham nhũng từ trước đến nay…
Ngoài ra, đối tượng tham nhũng có thể hình thành tài sản, tài khoản ở những nơi chưa tham gia công ước LHQ về chống tham nhũng, chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam hoặc chưa từng có tiền lệ tịch thu và hoàn trả cho nước gốc tài sản tham nhũng là những rào cản cho quá trình thu hồi.
Vì vậy vấn đề đặt ra là cần có giải pháp ngăn chặn từ đầu, việc mua bán hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài phải được giám sát. Theo Tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà, nếu kiểm soát, quản lý tốt nguồn tiền ở trong nước bằng cách kiểm soát việc thanh toán không dùng tiền mặt thì có thể kiểm soát được hành vi tẩu tán tài sản.
Qua thực tế một vài vụ việc chuyển tài sản tham nhũng ra nước ngoài, điển hình là vụ Giang Kim Đạt mà tòa án đang xét xử, ông Hà cho rằng, chúng ta đã có sự buông lỏng trong quản lý thời gian qua. Bên cạnh đó, trong cơ chế, chính sách pháp luật còn nhiều kẽ hở, chưa phù hợp. Đặc biệt, cũng có thể lực lượng phòng chống tham nhũng chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.
VOV