MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để những "món nợ" với cử tri không bị kéo dài?

06-06-2016 - 08:16 AM | Xã hội

Để những món nợ của cử tri không bị kéo dài, kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội cần có thực quyền và hiệu quả.

Theo đuổi đến cùng việc giải quyết kiến nghị của cử tri không chỉ là mong muốn của cử tri mà là trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội. Chắc chắn, đó cũng là trách nhiệm tiếp nối của đại biểu trong một nhiệm kỳ mới của Quốc hội. Để những kiến nghị của cử tri được xem xét một cách kịp thời, thấu đáo, không chỉ cần tâm huyết, năng lực của đại biểu mà còn thêm nhiều đòi hỏi khác.

Không ít đại biểu đến cuối nhiệm kỳ cùng chung tâm trạng day dứt vì chưa làm tròn vai đại diện của mình khi nhiều kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết. Họ gọi đó là món nợ với cử tri. Một nhiệm kỳ mới của Quốc hội sắp bắt đầu. Làm thế nào để những món nợ với cử tri không bị kéo dài, để những kiến nghị của cử tri không dai dẳng từ kỳ họp này sang kỳ họp khác vẫn y nguyên là điều cần được xem xét một cách nghiêm túc. Trả lời cho được câu hỏi này cũng có nghĩa Quốc hội, các đại biểu Quốc hội mới hoàn thành trọng trách trước cử tri, cũng có nghĩa niềm tin của cử tri vào cơ quan đại diện dân cử cao nhất càng thêm vững bền.


Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm

"Bao nhiêu mối quan hệ chằng chịt nên cách bố trí, cơ cấu làm sao để đại biểu có tính độc lập tương đối, có điều kiện phát huy chính kiến một cách độc lập. Phát hiện vấn đề là một phần, không phải không đủ năng lực để phát hiện đâu mà phát hiện được rồi thì có nói hay không, nói được hay không nói có ai nghe hay không, ba vấn đề trong cùng vấn đề chất lượng và hiệu lực giám sát", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến.

Theo đuổi đến cùng việc giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ chỉ có ý nghĩa khi hiệu lực của giám sát tối cao được coi trọng. Đại biểu Quốc hội nhiều lần đề nghị cần có chế tài đối với các cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện các kết luận giám sát. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được kiến nghị có trách nhiệm xem xét và trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Quá thời hạn này mà không nhận được trả lời hoặc trường hợp không tán thành với nội dung trả lời thì đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đề nghị cần cụ thể quy định này: "Nếu quá 15 ngày mà không giải quyết thì cần nói rõ hơn là đoàn đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu thì có quyền kiến nghị với người đứng đầu cơ quan tổ chức xử lý hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên xử lý".

Để những món nợ của cử tri không bị kéo dài, kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội cần có thực quyền và hiệu quả. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào năng lực, tâm huyết, bản lĩnh của mỗi đại biểu mà quan trọng là cơ chế để đại biểu độc lập và cơ chế đảm bảo hiệu lực của các kết luận giám sát./.

Theo Hồng Vân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên