MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để tăng nguồn cung và kéo giảm giá nhà?

29-04-2021 - 08:59 AM | Bất động sản

Làm gì để tăng nguồn cung và kéo giảm giá nhà?

Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng mới đây, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đã kiến nghị khẩn trương tháo gỡ “ách tắc” đối với tất cả dự án nhà ở thương mại và dự án nhà ở xã hội, để tăng nguồn cung và kéo giảm giá nhà.

Cụ thể, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng khẩn trương, quyết liệt, chủ động đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi ngay một số quy định bất cập của Nghị định 30/2021/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP, để tháo gỡ "ách tắc" đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại và tất cả các dự án nhà ở xã hội, để tăng nguồn cung dự án, tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhằm kéo giảm giá nhà đang rất cao hiện nay, góp phần bình ổn thị trường BĐS khi có biến động như thực tế đang diễn ra trong thời gian gần đây.

Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP) xác định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, đối với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất các loại đất khác (không phải đất ở) phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở.

Nói về lý do đề xuất, đại diện HoREA cho rằng, do Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP chỉ xác định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở, đã có quyền sử dụng "đất ở" (có 100% đất ở), hoặc đã có "đất ở và các loại đất khác" (có các loại đất khác "dính" với đất ở), nhưng lại không công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở, đối với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc đã có đất phi nông nghiệp (không phải đất ở).

Trong lúc Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2020 cho phép tổ chức kinh tế (nhà đầu tư) "có quyền sử dụng đất" thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng "đất" phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư, thì được cơ quan có thẩm quyền có văn bản "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời công nhận nhà đầu tư".

Bên cạnh đó, do Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP) quy định "trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại". Nhưng quy định này không phù hợp và không thống nhất với điểm c Khoản 2 và Khoản 5 Điều 29 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, vì điểm c Khoản 2 và Khoản 5 Điều 29 Nghị định 31/2021/NĐ-CP chỉ quy định "cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư" và không có hình thức văn bản "trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại".

Để "chữa cháy", Hiệp hội đề nghị xem xét bổ sung thêm cụm từ "bao gồm có quyền sử dụng đất ở, hoặc có quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác, hoặc có quyền sử dụng đất các loại đất khác (không phải đất ở)" vào cuối Điểm b Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, như sau: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở, bao gồm có quyền sử dụng đất ở, hoặc có quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác, hoặc có quyền sử dụng đất các loại đất khác (không phải đất ở).

Cùng với nhà ở thương mại thì HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP) về xác định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Theo HoREA, việc xác định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng bị "ách tắc, vướng mắc" tương tự như dự án nhà ở thương mại, do điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP) quy định "trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội". Nhưng quy định này không phù hợp và không thống nhất với điểm c Khoản 2 và Khoản 5 Điều 29 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, vì điểm c Khoản 2 và Khoản 5 Điều 29 Nghị định 31/2021/NĐ-CP chỉ quy định "cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư" và không có hình thức văn bản "trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị, Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP) về xác định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, theo đúng quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 7 Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 và thống nhất với Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 quy định "chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Cụ thể, đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư. Nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện có chức năng kinh doanh BĐS theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản và trong nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định với chấp thuận nhà đầu tư, thì nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Bảo Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên