Làm gì để thúc đẩy ngành công nghiệp giấy phát triển?
Là ngành công nghiệp có mức độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng ngành giấy đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chính sách quản lý, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và sự phát triển mạnh mẽ của tuyền thông kỹ thuật số dẫn tới sự sụt giảm đối với nhu cầu sử dụng giấy.
- 21-03-2019Kiến nghị không tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng
- 21-03-2019Ai Cập mời thầu quốc tế nhập khẩu 20.000 tấn gạo
- 21-03-2019Lô xe VinFast đầu tiên được "xuất ngoại" kiểm tra chất lượng
Ngày 21/3/2019, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn "Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy Việt Nam".
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Trung Sơn, Phó chủ tịch VPPA cho biết, ngành giấy là một ngành sản xuất nguyên liệu quan trọng có quan hệ mật thiết với nền kinh tế quốc dân và với sự phát triển của xã hội; bao gồm sản xuất bột giấy, giấy (bao gồm giấy và bìa giấy, giấy thủ công), gia công sản phẩm giấy liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp, hóa chất, máy móc, điện tử, năng lượng, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác.
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp giấy đang tăng trưởng mạnh mẽ thông qua việc các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao cũng đã và đang kéo theo sự gia tăng mạnh về nhu cầu giấy làm bao bì. Đây là sản phẩm phụ trợ cho các ngành hàng khác, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao.
Trong những năm gần đây, ngành giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm, trong lĩnh vực này đã có những dự án đầu tư công suất lớn đang hoạt động, với công suất mỗi dự án khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm; một số doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án với công suất trên 1.000.000 tấn giấy bao bì/năm. Sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2018.
Tuy nhiên, ngành giấy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như chính sách quản lý trong nước còn nhiều điểm chưa khuyến khích phát triển ngành, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số dẫn đến sụt giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo, nhưng lại làm tăng trưởng mạnh mẽ giấy bao bì, hộp giấy...
Ông Sơn chia sẻ, thị trường giấy Việt Nam còn nhiều khoảng trống, đặc biệt là phân khúc sản phẩm giấy bao bì cao cấp. Sức cạnh tranh cũng kém so với ngay các nước trong khu vực do quy mô nhỏ. thiết bị công nghệ lạc hậu.
Ngoài ra, ngành giấy không được bảo hộ do hầu hết thuế nhập khẩu các loại giấy là 0% trong khi Trung Quốc hiện vẫn duy trì thuế suất nhập khẩu 7% với hầu hết các loại giấy. Thị trường nguyên liệu giấy thu hồi (phế liệu) lệ thuộc nhiều vào tình hình và chính sách của Trung Quốc.
Trước những khó khăn mà ngành giấy đang gặp phải, ông Sơn kiến nghị, nhà nước cần coi công nghiệp sản xuất giấy và tái chế giấy là ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, do nguồn nguyên liệu có thể tái tạo được (rừng trồng); sản phẩm sau sử dụng có thể tái chế 100%; các chất thải trong quá trình sản xuất (nước thải, khí thải, chất thải rắn,…) đều có thể được xử lý triệt để đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường...
Đồng thời, có chính sách khuyến khích hoạt động thu gom tái chế giấy và sớm ban hành Luật tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên, vì đây là hoạt động bảo vệ môi trường. Tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy đang tăng nhanh. Không nên coi giấy thu hồi là phế liệu mà là nguyên liệu sản xuất.