MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì khi chứng khoán giảm sâu?

Làm gì khi chứng khoán giảm sâu?

Sau 4 phiên giảm sâu, VN-Index đã mất gần 90 điểm, tài sản bị bào mòn nhanh. Nhà đầu tư đang có lãi chuyển sang thua lỗ lớn, danh mục "kẹp" nhiều cổ phiếu đang rất bối rối vì không biết phải xử lý thế nào

Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, về những biến động bất thường của thị trường chứng khoán (TTCK) những ngày qua và đưa ra lời khuyên phù hợp cho các nhà đầu tư.

* Việc TTCK giảm sâu trong những ngày qua, theo ông, đâu là lý do chính?

- Ông HUỲNH ANH TUẤN: Việc TTCK giảm mạnh những ngày qua có thể bắt nguồn từ các thông tin liên quan đến tỉ giá tăng, Ngân hàng (NH) Nhà nước rút ròng hàng chục ngàn tỉ đồng qua kênh tín phiếu để ổn định tỉ giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong khi lãi suất tiền đồng vẫn có xu hướng giảm, NH thừa tiền chưa cho vay được, ảnh hưởng tới tỉ giá nên việc điều tiết rút tiền của NH Nhà nước chỉ nhằm bảo đảm an toàn tài chính, không phải tín hiệu thắt chặt tiền tệ nên không quá đáng lo.

Làm gì khi chứng khoán giảm sâu? - Ảnh 1.

Ông HUỲNH ANH TUẤN

Cái chính là trong lúc nhà đầu tư lo lắng khi thị trường giảm lại xuất hiện tin đồn xấu mà nhiều khả năng do chủ ý của nhà tạo lập, càng làm cho những người sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) cao hoảng sợ phải bán ra bằng mọi giá, dẫn tới bán tháo, kéo chỉ số giảm sâu.

Về câu chuyện tin đồn, mỗi khi thị trường biến động mạnh đều xuất hiện thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng trong các hội nhóm về chứng khoán trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư. Chúng ta nói phải làm trong sạch, lành mạnh cho thị trường nhưng việc này cứ lặp đi lặp lại, chưa được xử lý triệt để. Vì vậy, bản thân nhà đầu tư phải tỉnh táo nhìn nhận đâu là tin đúng, tin đồn để tránh tiêu cực, bi quan thái quá mà hành động theo đám đông không kiểm soát.

* Theo kinh nghiệm của ông, thị trường sẽ diễn biến thế nào sau những đợt sụt giảm mạnh? Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài ảnh hưởng như thế nào đối với thị trường trong những phiên thế này?

- Trong phiên ngày 26-9, áp lực bán giải chấp của các công ty chứng khoán đã hạ nhiệt, việc bán tháo không còn quá lớn. Chắc chắn thị trường sau những phiên giảm sâu liên tục sẽ có vài phiên hồi phục vì cổ phiếu giảm về vùng hấp dẫn sẽ có nhà đầu tư tham gia bắt đáy.

Chúng ta đã thấy trong những phiên giảm mạnh này, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng sau thời gian dài bán mạnh. Hay khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng mua rất nhiều so với bán ra. Họ xem đây là cơ hội để gom cổ phiếu giá tốt. Khối tự doanh của các công ty chứng khoán và các tổ chức nước ngoài thừa biết lý do thị trường giảm điểm có chính đáng hay không, bởi họ rất chuyên nghiệp, có đội phân tích tốt. Quan trọng là họ không quá bi quan như nhà đầu tư cá nhân trong nước nên mạnh dạn giải ngân.

* Có một thực tế là hầu hết nhà đầu tư cá nhân trên thị trường không phân tích sâu và nhanh nhạy như các tổ chức lớn, nhiều người đang lỗ nặng và rất hoang mang, ông có lời khuyên nào dành cho họ lúc này?

- Như chúng ta đã thấy, lãi suất tiết kiệm hiện nay chỉ 5%-6%/năm, trong khi trên TTCK đã có nhiều mã chứng khoán của doanh nghiệp tăng trưởng tốt, lợi nhuận ổn và hằng năm chia cổ tức 25% nhưng giá cổ phiếu chỉ hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Tôi cho rằng xu hướng TTCK trong vòng một năm tới sẽ vẫn tích cực. Năm sau, thị trường có nhiều điểm sáng liên quan vận hành hệ thống KRX, nâng hạng thị trường, gia tăng thu hút nhà đầu tư nước ngoài… Đặc biệt, Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hàng loạt cơ hội thu hút đầu tư, giao thương mở ra. Vì vậy, đây là thời điểm tốt nhất để nhà đầu tư lên chiến lược đầu tư rõ ràng và mua vào cổ phiếu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc khi sử dụng margin vì đây là con dao hai lưỡi. Nếu nhà đầu tư có tâm lý không vững, chiến lược đầu tư không rõ ràng, chọn cổ phiếu sai mà còn sử dụng margin thì sẽ khó xử lý khi thị trường giảm. Khi đó, nhà đầu tư không xử lý kịp mà bỏ luôn tài khoản cho công ty chứng khoán bán thu hồi nợ thì thiệt hại rất lớn.

Làm gì khi chứng khoán giảm sâu? - Ảnh 2.

Nhiều nhà đầu tư lo lắng vì thua lỗ nặng chỉ trong vài phiên ngắn ngủi Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trường hợp nhà đầu tư không sử dụng margin mà tài khoản đang lỗ nặng thì không nên mua bình quân giá xuống. Thay vào đó, nhà đầu tư cần bình tĩnh nhìn nhận cổ phiếu mình nắm giữ có giảm mạnh hơn thị trường hay không? Nếu giảm quá nhiều thì thà cắt lỗ và mua lại sau, còn hơn cứ mua bình quân giá xuống rồi bị lỗ kép.

Thực tế, ở các TTCK lớn trên thế giới, nhà đầu tư cá nhân không chiếm tỉ trọng cao như của Việt Nam. Vì vậy, thị trường Việt Nam dễ biến động mạnh theo tâm lý của nhà đầu tư cá nhân. Ví dụ, một nhà đầu tư có thể lên kế hoạch hôm nay không mua thêm cổ phiếu nhưng khi thấy thị trường tăng thì vội mua. Khi thị trường quay đầu giảm, họ lại lo sợ, mang cổ phiếu ra bán. Vì vậy, nhà đầu tư cần kiểm soát cảm xúc, tránh tâm lý bầy đàn, đặc biệt là phải tuân thủ kỷ luật, chiến lược cụ thể để hạn chế rủi ro.

Nhà đầu tư lo lắng

Phiên giao dịch ngày 26-9, VN-Index tiếp tục giảm mạnh 15,24 điểm (-1,32%), xuống 1.137,96 điểm; HNX-Index mất thêm 1,75 điểm (-0,76%), còn 229,75 điểm và UpCom-Index cũng giảm 0,27 điểm (-0,3%), về 88,43 điểm. Đặc biệt, phiên này thị trường phục hồi khá tốt ở nửa đầu phiên chiều, hàng trăm cổ phiếu bật tăng mạnh, thậm chí kịch trần, VN-Index phục hồi tới 11 điểm nhưng bất ngờ bị bán ngược vào cuối phiên, từ đó kích hoạt lệnh bán giải chấp khiến thị trường tiếp tục giảm sâu.

Trong khi nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng 1.138 tỉ đồng thì các tổ chức trong nước, khối ngoại và khối tự doanh của công ty chứng khoán vẫn mua ròng tổng cộng 1.137 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích và nghiên cứu sản phẩm khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định những thông tin như việc NH Nhà nước tiếp tục hút tiền về qua kênh tín phiếu hay Thông tư 06 liên quan quy định "các NH không được cho vay với mục đích gửi tiền trở lại NH" tác động tới các công ty chứng khoán... khiến nhà đầu tư lo lắng.

Trên thị trường quốc tế, đồng USD tiếp tục mạnh lên và lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn tăng sau cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), những yếu tố này ngoài dự đoán của thị trường, từ đó tâm lý lo ngại lạm phát tăng trên thị trường quốc tế, tác động tới tỉ giá USD/VNĐ và chứng khoán trong nước… "Tâm lý của nhà đầu tư chưa ổn định, dòng tiền yếu nên khi VN-Index phục hồi là họ bán ra, tiêu biểu ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản. Diễn biến này đã xảy ra trong 2 - 3 phiên trở lại đây, nhất là trong khoảng 10 phút cuối phiên ngày 26-9 khiến VN-Index đảo chiều giảm mạnh" - ông Nguyễn Thế Minh nói.

Liên quan quy định "các NH không được cho vay với mục đích gửi tiền trở lại NH" tại Thông tư 06 của NH Nhà nước được cho là ảnh hưởng tới các công ty chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc nghiên cứu phân tích, khối khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định hiện chưa có kết luận rõ ràng về thuật ngữ "tiền gửi" ở đây có bao gồm giấy chứng nhận tiền gửi (CD) hay không? Nhưng các nhà đầu tư ngại rằng điều này sẽ giảm nguồn tài trợ của các NH cho công ty chứng khoán.

Ước tính, phần lãi từ CD chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số thu nhập từ lãi và khoảng 2%-4% lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán nên tác động nếu có là không nhiều. Chưa kể, khi TTCK tăng trưởng tốt, nhu cầu cho vay ký quỹ tăng lên, công ty chứng khoán có khả năng sẽ chuyển nguồn vốn sang các hoạt động này...

Theo Thái Phương

Theo Người Lao Động

Trở lên trên