MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm lãnh đạo mà không có 5 đặc điểm này, đừng hỏi vì sao nhân viên thay nhau nghỉ việc: Gặp sếp hội tụ đủ, bạn nhớ phò tá lâu dài!

12-08-2020 - 23:54 PM | Sống

Một lãnh đạo có tâm và có tầm thì ít nhất phải sở hữu 5 đặc điểm sau đây mới có thể xây dựng sự tin tưởng và lòng trung thành, dẫn dắt nhân viên cùng đạt được nhiều thành tựu lớn.

Theo các nghiên cứu từ đại học Harvard và Stanford, một lãnh đạo tồi sẽ đem lại ảnh hưởng xấu tới sức khỏe không kém gì việc hút thuốc lá thụ động, đồng thời cũng trở thành nguyên nhân chính gây ra căng thẳng, áp lực nhiều nhất trong công việc.

Trong một khảo sát gần đây của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cho thấy, 60% nhân viên thích có một người sếp mới dễ chịu còn hơn là được tăng lương. Còn khảo sát năm 2017 của công ty BambooHR thì phát hiện ra rằng 44% những người được khảo sát bỏ việc vì phải làm việc với một vị “sếp” tồi.

Đó chính là lý do mà người ta càng sớm nhận thức được các dấu hiệu không tốt của một vị lãnh đạo thì càng có lợi cho cả sức khỏe, tinh thần và sự nghiệp. Bạn cũng có thể rời đi sớm hơn trước khi lún sâu vào môi trường làm việc đó.

Sau đây là những đặc điểm quan trọng mà một leader có tâm và có tầm phải nắm bắt được, nếu không, bạn nên suy nghĩ lại về việc có nên phò tá vị sếp này lâu dài hay không.

1. Luôn thể hiện sự quan tâm về mức lương và thu nhập của nhân viên

Nhiều lãnh đạo cho rằng, thỏa thuận lương ban đầu đạt được khi nhận việc chính là tất cả những gì một nhân viên cần có để chăm chỉ làm việc. Thực tế, một cơ chế điều chỉnh tương đối linh hoạt, phụ thuộc nhiều vào năng lực và sự đóng góp tương ứng mới là nhân tố kích thích mọi người nỗ lực, giải phóng nhiều khả năng của mình hơn.

Thông qua sự thay đổi này, mỗi người cũng phát hiện rằng, sự phấn đấu của bản thân đã được lãnh đạo quan sát và ghi nhận, từ đó càng tích lũy thêm động lực tích cực trong công việc. Tiền thưởng, tiền làm thêm giờ... đều là cách ghi nhận những nỗ lực của nhân viên về mặt tài chính. Ngược lại, người lao động sẽ có xu hướng từ bỏ nếu như những cố gắng của họ không được hồi đáp xứng đáng.

Làm lãnh đạo mà không có 5 đặc điểm này, đừng hỏi vì sao nhân viên thay nhau nghỉ việc: Gặp sếp hội tụ đủ, bạn nhớ phò tá lâu dài! - Ảnh 1.

Tiền thưởng, tiền làm thêm giờ... đều là cách ghi nhận những nỗ lực của nhân viên về mặt tài chính.

2. Đưa ra cơ hội thăng tiến trong công việc

Sự kích thích về mặt vật chất của bất kỳ công việc nào cũng luôn có giới hạn. Một nhân viên thông thường cũng không thể liên tục tăng lương suốt một thời gian dài. Sau khi đạt tới ngưỡng thu nhập nhất định, người ta sẽ để tâm hơn tới vị trí của mình trong bộ máy doanh nghiệp.

Làm việc nhiều hơn và tốt hơn so với những gì bạn được yêu cầu là đặc điểm của một nhân viên giỏi. Một ông chủ tuyệt vời là người nhận ra điều đó và để bạn biết rằng họ luôn đánh giá cao cống hiến của bạn.

Chính vì lẽ đó, việc thăng chức cho nhân viên là một trong những đãi ngộ mà người lãnh đạo bắt buộc phải quan tâm. Các nhân sự có kỹ năng xuất sắc sẽ không bao giờ chấp nhận “dậm chân tại chỗ” ở cùng vị trí quá lâu, dựa trên những thành tựu mà họ đã đạt được. Nếu lãnh đạo không thể cho họ thấy hy vọng về lộ trình thăng tiến tương lai thì chẳng ai nguyện phò tá lâu dài cả.

3. Cung cấp không gian để cải thiện khả năng

Sự phát triển năng lực cá nhân, tiến bộ hơn về kỹ năng và trình độ chuyên môn của cấp dưới không chỉ hỗ trợ cho lãnh đạo đạt được những mục tiêu sự nghiệp, mà còn là nguyên nhân khiến một nhân viên tình nguyện gắn bó với doanh nghiệp lâu dài hơn. Thông qua công việc, họ được tạo cơ hội để tích cực học hỏi, rèn luyện và phấn đấu để cải thiện khả năng, nâng cao tầm nhìn.

Các nhà quản lý khôn ngoan là người biết cách “đầu tư” chính xác vào chính những con người trong nhóm của họ bằng cách giúp các nhân viên có thể tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp. Khi làm được điều đó, họ sẽ khuyến khích các nhân viên của mình cống hiến nhiều hơn và trách nhiệm hơn.

Làm lãnh đạo mà không có 5 đặc điểm này, đừng hỏi vì sao nhân viên thay nhau nghỉ việc: Gặp sếp hội tụ đủ, bạn nhớ phò tá lâu dài! - Ảnh 2.

Các nhân sự có kỹ năng xuất sắc sẽ không bao giờ chấp nhận “dậm chân tại chỗ” ở cùng vị trí quá lâu, dựa trên những thành tựu mà họ đã đạt được. Nếu lãnh đạo không thể cho họ thấy hy vọng về lộ trình thăng tiến tương lai thì chẳng ai nguyện phò tá lâu dài cả.

4. Làm tốt các đãi ngộ danh dự

Trong cuốn sách Đắc nhân tâm (How to Win Friends & Influence People), Dale Carnegie đã nói rằng: "Hãy chân thành khi cảm kích người khác, và đừng tiết kiệm lời khen tặng".

Đây chính là kỹ năng quan trọng nhất mà một lãnh đạo tốt phải có và liên tục phát huy. Đã là người làm nhiệm vụ quản lý, họ phải nắm bắt được tâm lý yêu thích lời khen ngợi và không bao giờ có giới hạn về số lời khen của số đông mọi người. Sự ngợi khen đúng lúc, đúng chỗ có thể giúp người ta cảm thấy được tin tưởng, tự hào và muốn cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với những mỹ từ đó.

Một ông chủ tuyệt vời sẽ hiểu được quy luật này và biết cách vận dụng nó để thúc đẩy tinh thần làm việc của đội ngũ nhân sự. Thông qua đó, họ kích thích được tinh thần cầu tiến và phát triển của nhân viên.

Ngược lại, nếu làm việc với lãnh đạo hay chì chiết, trách mắng, giận dữ và đổ tội cho nhân viên của mình thì chỉ tạo ra môi trường làm việc đầy tiêu cực, là rào cản của sự sáng tạo và lòng trung thành.

5. Quan tâm tới cuộc sống mọi người

Đó có thể là sự quan tâm đến từ một khía cạnh rất nhỏ bé và đời thường, chẳng hạn như, một lời chúc mừng vào ngày sinh nhật của nhân viên, thông cảm cho vấn đề bất ngờ về gia đình hoặc sức khỏe khiến cấp dưới phải xin nghỉ đột xuất, chấp thuận yêu cầu ứng lương trong phạm vi cho phép để trang trải cuộc sống… Bản chất của các mối quan tâm này sẽ tác động tới cảm xúc cá nhân của nhân viên, tạo ra sự liên kết mạnh mẽ.

Sự quan tâm, lắng nghe và chia sẻ giúp người quản lý hiểu rõ hơn về đội nhóm của mình, đồng thời có thể cảm thông và có những chia sẻ phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người. Một vị lãnh đạo giỏi luôn biết gắn kết cả tập thể bằng cảm xúc và sự nhiệt tình. Nếu một ông chủ không quan tâm đến nhân viên thì sao có thể mong đợi nhận được sự quan tâm từ phía họ? Không thể và không bao giờ có được.

Có thể nói rằng, sự thành bại của một nhóm phụ thuộc rất nhiều vào sự tin tưởng, và người lãnh đạo chính là “thợ xây” của sự tin tưởng đó. Đi theo một quản lý biết quan tâm và sẻ chia, bạn mới có thể khai phá càng nhiều năng lực tiềm tàng của chính mình, gặt hái những thành tựu xứng đáng. Còn đi theo một vị sếp tồi, tất cả những gì bạn nhận được chỉ là sự tiêu cực, chán chường và muốn bỏ việc mà thôi.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên