Lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản sẽ ra sao?
Các chuyên gia cho rằng, ở khía cạnh tích cực với thị trường bất động sản, nhà đầu tư sẽ quay về các kênh đầu tư an toàn. Có thể thấy, xu hướng đã thay đổi rất rõ thời gian gần đây. Một số người cho rằng đây là thời điểm tốt để mua bất động sản.
- 22-07-2022“Cò đất” sủi tăm, đất nền phân lô nằm “bất động”
- 22-07-2022Giá nhà ở vẫn tăng trong bối cảnh thị trường chững lại, nguyên nhân do đâu?
- 22-07-2022Thị trường bất động sản đã tạo xong đỉnh, bước sang giai đoạn mới
Lạm phát có thể vượt ngưỡng mục tiêu
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, nửa đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội đã được khôi phục gần như trước đại dịch. Tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,72%, là mức tăng trưởng quý II cao nhất từ năm 2011 đến nay. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức tăng 5,64% cùng kỳ năm trước, gần bằng mức tăng 6,76% cùng kỳ năm 2019 và cao hơn mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 01 (5,1 - 5,7%). Xuất, nhập khẩu, giải ngân vốn FDI tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng khoảng 0,51% chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. Một trong những nguyên nhân là do sức ép lạm phát tăng lên.
Theo TS. Lực, dự báo 6 tháng cuối năm, giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao. Đà phục hồi kinh tế, sức cầu và vòng quay tiền trong nước cải thiện hơn. Chỉ số CPI 6 tháng cuối năm dự báo sẽ cao hơn nửa đầu năm. Dự báo lạm phát cả năm ở mức 3,8 - 4,2%.
TS Cấn Văn Lực cho rằng lạm phát có thể sẽ cao hơn mức mục tiêu 4% song đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh và Việt Nam cần ưu tiên phục hồi kinh tế.
Lạm phát xảy ra bất động sản sẽ tăng giá?
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) với các hội viên là những nhà môi giới bất động sản đang hoạt động, có tới 83% số người được hỏi cho rằng nên đầu tư bất động sản như một công cụ đối phó với lạm phát. Trong tình hình vĩ mô diễn biến phức tạp và khó dự đoán, hầu hết các nhà môi giới được hỏi (90%) cho rằng giá căn hộ sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, chỉ 53% tin rằng giao dịch bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với bất động sản, lạm phát càng thúc đẩy tâm lý mua bất động sản để trú ẩn dòng tiền. Các nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu bất động sản càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền mặt.
Trong khi đó, thời gian qua, chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan chức năng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đã khiến nguồn cung trên thị trường chững lại. Thống kê của VARS cho thấy, hầu hết căn hộ chung cư được chào bán trong nửa đầu năm đều là từ các dự án đã chào bán trước đó, tình hình cấp phép dự án mới rất hạn chế.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, lạm phát cao sẽ tác động nhiều đến thị trường bất động sản. Các quốc gia trên thế giới đã buộc phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ vay tăng lên, tỷ giá tăng lên, đồng tiền nội tệ của các nước mất giá…
Cùng với đó, giá cả các mặt hàng tăng lên, thậm chí có hiện tượng "té nước theo mưa". Nhà đầu tư có tâm lý "phòng thủ", tiết giảm chi tiêu và đầu tư, từ đó kinh tế giảm đà hồi phục.
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực với thị trường bất động sản, nhà đầu tư sẽ quay về các kênh đầu tư an toàn. Có thể thấy, xu hướng đã thay đổi rất rõ thời gian gần đây. Một số người cho rằng đây là thời điểm tốt để mua bất động sản.
"Đây là kênh để đầu tư trú ẩn, chờ thời trong bối cảnh thị trường nhiều rủi ro. Cho nên, lúc này lại thuận lợi hơn cho những người đầu tư dài hạn", TS Cấn Văn Lực nhận định.
TS. Võ Thị Vân Khánh, giảng viên Học viện Tài chính nhận định, trước những diễn biến phức tạp của thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát, khi giá cả của nhiều mặt hàng đang tăng cao. Trong trường hợp lạm phát xảy ra, dòng vốn sẽ trở lại bất động sản rất mạnh.
“Khi lạm phát cao, không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi, mà nguy cơ cả giới doanh nghiệp cũng muốn đổ vốn vào bất động sản do e ngại giá sản xuất đầu vào tăng nhanh. Nói cách khác, khi lạm phát cao, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh sẽ kém hấp dẫn hơn so với đầu cơ tài sản”, bà Khánh nói.
Bà Vân Khánh cho rằng, chính cuộc đua sở hữu bất động sản sẽ dẫn đến hiện tượng giá thị trường liên tục leo thang và các nguồn lực xã hội sẽ bị chôn hết vào đất. Đồng thời, thị trường bất động sản lúc này sẽ tích tụ nhiều rủi ro tiềm tàng. Nếu tham gia vào giai đoạn sớm, tức là mua từ đầu với giá thấp thì rủi ro thấp nhưng càng mua về cuối thì giá cao, theo đó rủi ro sẽ cao.
Bà Khánh cho rằng, về cơ bản, lạm phát và giá bất động sản di chuyển cùng hướng với nhau. Khi lạm phát tăng cao sẽ đẩy giá bất động sản lên theo. Nhưng giá quá cao thì tính thanh khoản sẽ kém.
“Trong quá khứ, lạm phát cao từng khiến giá bất động sản tăng cao và bị trì trệ. Người bán giữ giá cao, nhưng không có người mua. Nói cách khác, lạm phát cao, giá bất động sản tăng, nhưng tính thanh khoản có thể không tăng tương ứng và làm xuất hiện nghịch lý, nhiều bất động sản, nhưng không có tiền. Khi đó, việc dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho nhà đầu tư và gây áp lực lên hệ thống ngân hàng”, bà Khánh nói.
Theo đó, bà Khánh khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc khi rót tiền đầu tư. Trong đó, những nhà đầu tư vốn mỏng nên đầu tư vào khu vực gần trung tâm, lợi nhuận ít hơn, nhưng dễ thanh khoản hơn và tập trung vào các nhu cầu ở thực với phân khúc căn hộ mức giá trung bình, nhà ở giá rẻ hay đất nền ven đô. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc lạm phát cao, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó để đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn, tránh thiệt hại do trữ tiền mặt nhàn rỗi.
Đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.
"Tuy nhiên, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Tôi cho rằng trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ", Giám đốc cấp cao của Savills nhấn mạnh.
Vị chuyên gia dự báo, trong 9 - 12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá", TS Khương nhấn mạnh.