Lạm phát tăng vọt tại Anh, Mỹ
Giá tiêu dùng ở Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua trong tháng 3, gia tăng sức ép buộc Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak hành động để giảm bớt áp lực về chi phí sinh hoạt cho người dân.
- 13-04-2022Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ nhìn từ giá…quả mận: Món bình dân bằng 1/6 thu nhập, hệ quả cay đắng từ chính sách tiền tệ ‘ngược đời’
- 12-04-2022Lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong 40 năm
- 12-04-2022Nhà Trắng dự đoán lạm phát sẽ 'tăng bất thường'
Theo dữ liệu chính thức ngày 13-4, tỉ lệ lạm phát hằng năm đã tăng từ mức 6,2% hồi tháng 2 lên 7% trong tháng 3 - mức cao nhất kể từ tháng 3-1992 và cao hơn dự báo của hầu hết các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Sự tăng giá trên diện rộng, từ nhiên liệu đến thực phẩm và đồ nội thất, đều là nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao.
Hồi tháng trước, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Anh dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh cao nhất trong 40 năm vào khoảng 8,7% trong quý IV/2022. Trong khi đó, ông Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Kinh tế học vĩ mô Pantheon (Anh), dự báo lạm phát sẽ đạt 8,8% vào tháng 4 khi chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình tăng vọt nhưng sau đó giảm dưới mức mục tiêu 2% đề ra của Ngân hàng Trung ương Anh trong nửa cuối năm tới.
Người dân mua sắm trong siêu thị ở thủ đô London - Anh Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, lạm phát ở Anh đã tăng lên mức chưa từng thấy trong năm qua, tương tự hầu hết các nền kinh tế phát triển khác khi giá năng lượng tăng và thách thức về chuỗi cung ứng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine từ ngày 24-2 cũng góp phần đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa.
Không tránh khỏi ảnh hưởng, Bộ Lao động Mỹ ngày 12-4 công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 8,4% mà các nhà kinh tế dự báo và đây là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1981.
Nếu không tính giá lương thực và năng lượng, CPI lõi của tháng vừa qua tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,3% so với tháng trước đó, thấp hơn mức 0,5% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
Ông Andrew Hunter, chuyên gia cao cấp về kinh tế Mỹ tại Capital Economics, cho rằng mức tăng trong tháng 3 là mức đỉnh của lạm phát và có dấu hiệu cho thấy sức ép giá cả sẽ giảm xuống.
Chứng kiến lạm phát tăng vọt tại Mỹ, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden đã giảm xuống 41% trong tuần này. Đây là đòn giáng mạnh vào hy vọng của Đảng Dân chủ trong việc duy trì quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ muốn ông Biden ưu tiên các vấn đề kinh tế, trong đó khoảng 27% người được hỏi cho rằng kinh tế là vấn đề quan trọng nhất mà Mỹ đang đối mặt hiện nay.
Người Lao động