Lạm phát toàn cầu sắp 'cất cánh'?
Các nhà máy trên thế giới đang đối mặt nhiều bất lợi từ tình trạng giá hàng hóa tăng, phí vận tải biển tăng và nguồn cung bán dẫn khan hiếm, dấy lên lo ngại rằng lạm phát toàn cầu sắp bùng nổ trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn phục hồi từ đại dịch Covid-19.
- 15-05-2021Mỹ sẽ bị rơi vào tình trạng lạm phát “không thể ngăn cản được”?
- 14-05-2021Lạm phát tăng tốc, Fed có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đến bao giờ?
- 14-05-2021WSJ lý giải vì sao lạm phát cao kỷ lục không còn đồng nghĩa với tăng lãi suất
Giá đồng, kim loại chủ đạo trong nền kinh tế, tăng 80% trong năm qua lên đỉnh lịch sử, dẫn đầu đợt tăng giá nguyên liệu thô – từ gỗ cho đến quặng sắt đều lên cao nhất nhiều năm.
Ngày 6/5, chỉ số của Cục Nghiên cứu Hàng hóa trụ sở New York, đo lường xu hướng giá của nhiều loại hàng hóa khác nhau lên cao nhất kể từ tháng 9/2011, tăng 55% so với tháng 3/2020. Trong khi đó, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tăng 10 tháng liên tiếp, lập đỉnh lịch sử trong tháng 3.
Các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có cùng việc triển khai vaccine Covid-19 tại những nền kinh tế phát triển càng làm gia tăng triển vọng lực cầu phục hồi mạnh, đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa. Trước nguy cơ chi phí tăng, những nhà sản xuất hàng tiêu dùng tại Mỹ như Coca-Cola và Procter & Gamble gần đây thông báo kế hoạch tăng giá một số sản phẩm ở thị trường nội địa, gia tăng lo ngại áp lực từ phía cung đang chuyển sang bên cầu.
Giá nguyên liệu thô tăng còn châm ngòi lo ngại lạm phát. Câu hỏi quan trọng đối với giới lập chính sách và nhà phân tích thị trường là liệu đợt tăng giá này ngắn ngủi hay kéo dài.
Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) – đo biến động giá hàng hóa trao đổi giữa các công ty khai khoáng và nhà sản xuất – những tháng gần đây tăng nhanh. Cụ thể, PPI tháng 3 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, nhanh nhất kể từ tháng 7/2018. Xu hướng này càng được củng cố trong tháng 4, khi giá than, thép, xi măng và thủy tinh đều tăng mạnh.
Hầu hết đều nhất trí rằng PPI còn tăng trong quý II nhưng họ bất đồng về việc xu hướng này sẽ chuyển sang phía người tiêu dùng thế nào. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Trung Quốc tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, tháng tăng đầu tiên trong năm nay nhưng vẫn còn xa mới đến mức cảnh báo.
Thế giới đối mặt tình trạng khan hiếm chip, khi nguồn cung không đủ để đáp ứng lực cầu tăng mạnh. Ảnh: Reuters.
"PPI tăng có lan sang phía người tiêu dùng hay không thì đều phụ thuộc vào quy mô và thời gian PPI tăng", Xu Wei, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, Quốc vụ Viện Trung Quốc, nói.
Lực cầu hồi sinh trong bối cảnh kinh tế hồi phục đang bóp nghẹt nguồn cung – vốn đã chịu áp lực vì sự gián đoạn do Covid-19 gây ra, cùng với thời tiết cực đoan và sự chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế, Xu bổ sung.
Con đường đưa kinh tế thế giới thoát cú sốc Covid-19 sẽ khác so với những cuộc khủng hoảng trước đó bởi lực cầu bị nén trên diện rộng và có nhiều động lực lạm phát khác nhau, BlackRock cho biết trong báo cáo gần đây. Nền kinh tế giống như "tái khởi động" hơn là chu kỳ "phục hồi" thông thường.
Ảnh hưởng từ đại dịch đến kinh tế toàn cầu không chỉ đến từ sản xuất bị đình trệ mà còn từ những yếu tố dài hạn đã làm giảm sự bền bỉ của các chuỗi cung ứng toàn cầu, theo Peng Wensheng, kinh tế gia trưởng tại China International Capital Corp (CICC). Ngoài cản trở sản xuất và vận chuyển nguyên liệu thô, Covid-19 còn thúc đẩy doanh nghiệp tăng dự trữ, làm khoảng cách cung – cầu thêm rộng.
Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu là một ví dụ, Peng nói.
Thay vì lạm phát trên toàn nền kinh tế, áp lực giá chỉ ảnh hưởng một số lĩnh vực nhất định, phản ánh vấn đề về cấu trúc của Trung Quốc, Li Xunlei, kinh tế gia trưởng tại Zhongtai Securities, nói. Trong khi giá nguyên liệu sản xuất tăng, giá hàng tiêu dùng nhìn chung ổn định. Giá hàng tiêu dùng cao cấp tăng nhanh hơn so với hàng "bình dân" và chênh lệch giá giữa các khu vực đang nới rộng.
Bộ Chính trị Trung Quốc cuối tháng 4 cam kết đảm bảo nguồn cung các hàng hóa quan trọng đối với sinh kế người dân, giữ giá ổn định. Cơ quan này còn đưa ra biện pháp mới để ngăn đầu cơ nhà đất.
Giới phân tích cho rằng thông báo trên ám chỉ ngân hàng trung ương Trung Quốc không thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó giá hàng hóa tăng. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng những biện pháp có mục tiêu cụ thể hơn như tăng nguồn cung một số sản phẩm nhất định để bình ổn giá.
Dư địa để điều chỉnh chính sách tiền tệ ứng phó lạm phát cấu trúc không còn nhiều. Trung Quốc cần có thêm nỗ lực thúc đẩy tái cấu trúc, giới phân tích cho biết.
Lạm phát 'chập chờn'
Lo ngại gần đây về nguy cơ lạm phát cận kề gia tăng chủ yếu trong giới đầu tư và doanh nghiệp hơn là người tiêu dùng. Tại Trung Quốc, giá thực phẩm giảm sau đợt tăng ngắn hồi tết Âm lịch tháng 2. Tháng 3, CPI tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 11 nhưng vẫn thấp hơn 0,5% so với tháng trước đó, cho thấy hàng tiêu dùng ít tăng giá.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất lại thấy một bức tranh khác. Trong báo cáo tài chính công bố cuối tháng 4, nhiều công ty viện dẫn lý do giá nguyên liệu tăng khiến kết quả kinh doanh quý I bị ảnh hưởng.
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy chi phí tăng trong sản xuất và tinh chế dầu, hóa dầu, luyện kim là nguyên nhân chính khiến PPI tháng 3 đi lên.
Guo Lei, kinh tế gia trưởng tại GF Securities, nói giá tăng trong công nghiệp nặng phản ánh tác động từ đà phục hồi kinh tế toàn cầu, các chiến dịch giảm ô nhiễm và nguồn cung nguyên liệu thô thiếu hụt vì Covid-19 diễn biến xấu tại một số nước giàu tài nguyên.
Chiến dịch toàn cầu nhằm giảm ô nhiễm carbon và hạn chế biến đổi khí hậu là một yếu tố thúc đẩy giá hàng hóa. Đồng, chất dẫn điện tốt nhất chỉ sau kim loại bạc quý giá, dẫn đầu đà tăng giá do có vai trò quan trọng trong chuyển đổi năng lượng xanh và sẽ còn tăng giá trong dài hạn.
Goldman Sachs ước tính lực cầu đồng có thể tăng tới 900% vào năm 2030, chủ yếu do lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất xe điện. Giá những kim loại dẫn điện tốt khác như nhôm và bạc cũng tăng.
Giá nguyên liệu thô tăng tại Trung Quốc còn phản ánh áp lực phải giảm công suất lên các ngành có mức độ ô nhiễm cao. Bắc Kinh đặt mục tiêu giảm sản lượng thép và lượng than tiêu thụ trong năm nay. Nhiều vùng sản xuất than và thép đã công bố kế hoạch hạn chế sản xuất, đẩy giá tăng vì lo ngại khan cung.
Giới chuyên gia cho rằng đợt tăng giá nguyên liệu thô gần đây cho thấy thị trường ngày càng lo ngại về ảnh hưởng chính sách và cảnh báo giới lập chính sách cần có sự sắp xếp về dài hạn để dần thúc đẩy nỗ lực phi carbon hóa.
Chuyển đổi năng lượng xanh sẽ khiến chi phí đối với nền kinh tế tăng nhưng không có nghĩa phải hấp thu tất cả trong một giai đoạn ngắn, Peng tại CICC bổ sung. Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan còn cảnh báo nhà chức trách quản lý đà giảm carbon để giảm nguy cơ lạm phát.
Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 30/4 thông báo thúc đẩy hơn nữa chiến dịch trung tính hóa carbon "một cách có trật tự", cho thấy áp lực phần nào nới lỏng với sản lượng các ngành than và thép, giới phân tích nhận định. Ngôn từ mềm mỏng hơn hé lộ sự lo ngại từ nhà chức trách trước nguy cơ lạm phát tiềm ẩn từ cung giảm, Ming Ming, nhà kinh tế tại Citic Securities, nói.
Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của FAO tăng 10 tháng liên tiếp, lập đỉnh lịch sử trong tháng 3.
Hầu hết giới phân tích nhất trí PPI Trung Quốc còn tăng trong quý II nhưng dự báo cho nửa cuối năm 2021 lại ngược nhau.
Bất kể thế nào, nhà chức trách và giới phân tích đều xem nhẹ nguy cơ người tiêu dùng Trung Quốc phải đối mặt lạm phát diện rộng với lý do quy mô ngành công nghệp nội địa của nước này và nguồn cung hàng tiêu dùng còn dồi dào.
Chính sách ứng phó
Quan chức các ngân hàng trung ương có thể nhận thấy công cụ chính sách tiền tệ của họ ít hiệu quả trong ứng phó xu hướng lạm phát hiện tại.
"Nguồn cung khan hiếm trên toàn thế giới trong ngắn hạn do cung bị bỏ lại xa so với lực cầu từ đà phục hồi kinh tế", Zhang Jun, kinh tế gia tại Morgan Stanley Huaxin Securities, cho biết. "Đó không phải là thứ có thể giải quyết bằng chính sách tiền tệ".
Đại dịch làm gián đoạn cả cung lẫn cầu nhưng hai bên không cùng tốc độ hồi phục, Pan Hongsheng, nhà phân tích cấp cao tại Viện Tài chính và Thị trường vốn Trung Quốc, đánh giá.
Thanh khoản dần bình thường trong hè 2020 nhưng nền kinh tế Trung Quốc lại đối mặt áp lực lạm phát không đồng đều. Điều đó có nghĩa nhà chức trách cần triển khai thêm biện pháp linh động, có mục tiêu cụ thể để củng cố đà phục hồi hơn là thay đổi chính sách tiền tệ.
Đà phục hồi tiêu dùng là chìa khóa của kinh tế Trung Quốc năm 2021, theo Sheng Songcheng, cựu trưởng phòng thống kê và khảo sát tài chính, ngân hàng trung ương Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cần giữ nguyên hướng chính sách tiền tệ.
Bộ chính trị Trung Quốc cuối tháng 4 cho biết chính sách tiền tệ sẽ giữ ôn định, đảm bảo thanh khoản ở mức hơp lý nhằm trấn an thị trường.
Guosheng Securities dự báo ngân hàng trung ương Trung Quốc khả năng cao ra công cụ chính sách mới để hỗ trợ tài chính trực tiếp các doanh nghiệp nhỏ ứng phó chi phi tăng. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc có thể mở dự trữ chiến lược năng lượng cho nền kinh tế, đồng thời khuyến khích nhân dân tệ biến động để hỗ trợ nguồn cung phục hồi.
Peng cho rằng Trung Quốc cần cách tiếp cận phối hợp hơn, không chỉ dừng lại ở biện pháp tài chính và tiền tệ truyền thống. Về ngắn hạn, điều quan trọng nhất là kiểm soát Covid-19 và tăng cường chương trình tiêm chủng vaccine.
NDH