MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm rõ cuộc chuyển giao TrustBank giữa bà Hứa Thị Phấn - Hà Văn Thắm - Phạm Công Danh

07-10-2016 - 20:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài việc gây thiệt hại nghiêm trọng tại OceanBank, Hà Văn Thắm còn liên quan đến đại án Phạm Công Danh, cụ thể là cuộc chuyển giao cổ phần từ nhóm Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn) và ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch ngân hàng Xây dựng, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh - bị cáo vừa bị tuyên án 30 năm tù hôm 9/9).

Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Hà Văn Thắm (SN 1972, quê Bắc Giang), nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương - Oceanbank và 16 đồng phạm.

Ông Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố về 3 tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm xảy ra tại Oceanbank và một số đơn vị liên quan là 1 trong 6 đại án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017.

Ngoài việc gây thiệt hại nghiêm trọng tại OceanBank, Hà Văn Thắm còn liên quan đến đại án Phạm Công Danh, cụ thể là cuộc chuyển giao cổ phần từ nhóm Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn) và ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch ngân hàng Xây dựng, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh - bị cáo vừa bị tuyên án 30 năm tù hôm 9/9).

Theo bản kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng TMCP yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng này về Oceanbank, ông Thắm gặp bà Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín) đặt vấn đề chuyển giao lại ngân hàng Đại Tín cho ông Thắm. Ông Thắm đã gây sức ép bằng việc đưa ra những sai phạm trong quản trị, điều hành của HĐQT và việc vay vốn của bà Phấn tại ngân hàng này... để yêu cầu bà Phấn phải chuyển nhượng cổ phần cho Ngân hàng Đại Tín.

Tháng 2/2012, bà Phấn giao cho cấp dưới ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84,92% vốn điều lệ của ngân hàng Đại Tín cho ông Hà Văn Thắm, kèm theo việc Chủ tịch Oceanbank phải chịu trách nhiệm trả nợ và được sở hữu tài sản từ các khoản vay hơn 3.553 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín.

Ông Thắm sau đó cho người vào quản lý ngân hàng Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của bà Phấn và cá nhân liên quan. Quá trình tiếp quản, ông Thắm nhận thấy ngân hàng này có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi.

Chủ tịch HĐQT Oceanbank lập tức tính toán việc chuyển nhượng số cổ phần của ngân hàng này cho Phạm Công Danh.

Hà Văn Thắm quen biết với Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh qua giới thiệu của ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng giám đốc Oceanbank.

Hai bên đã thống nhất sau khi hoàn tất thủ tục ông Danh vào tiếp nhận, điều hành và đổi tên ngân hàng Đại Tín thành Ngân hàng TMCP Xây Dựng.

Tuy nhiên, ông Phạm Công Danh cũng không trả tiền cho bà Phấn, chưa trả cho ông Thắm 800 tỷ đồng như thoả thuận.

Theo kết luận điều tra, nếu giao dịch của bà Phấn, ông Thắm và ông Danh không thực hiện sẽ không thể thanh khoản được các khoản vay có dư nợ lớn, dư nợ xấu của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín. Điều này sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cơ cấu và sáp nhập ngân hàng Đại Tín vào ngân hàng khác.

Nếu điều này xảy ra, việc chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín giữa bà Phấn, ông Thắm và ông Danh sẽ không thực hiện được và mọi thỏa thuận sẽ không thành công. Để tránh việc đó, ba người họ thống nhất Oceanbank sẽ cho ông Danh vay 500 tỷ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn.

Ông Danh và Thắm thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Công ty Trung Dung để vay (công ty mà Phạm Công Danh nhờ lái xe đứng tên làm giám đốc).

Tại cơ quan công an, ông Thắm khai đã cùng với cấp dưới ký quyết định cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng dù số tài sản đảm bảo của doanh nghiệp này không có tính pháp lý, chưa đủ giá trị cho vay nhưng ông Thắm và cấp dưới đã chấp thuận giải ngân số tiền này.

Ngoài những nội dung trên, Hà Văn Thắm còn khai nhận tổng giá trị của số tài sản để làm đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung là 482,556 tỷ đồng còn ít hơn số tiền cho vay đã giải ngân là 17,444 tỷ đồng. Như vậy là trái với quy định về quy chế cho vay của NHNN của Oceanbank và các quy định của pháp luật... Ông Thắm là người chủ trương và quyết định Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, đến nay Oceanbank không thu hồi được.

Nhóm cá nhân bà Phấn là những người trực tiếp liên quan đến khoản vay của Công ty Trung Dung tại Oceanbank đã tự nguyện đưa các tài sản (nhà, đất, cổ phiếu) và ký các hợp đồng thế chấp tài sản, các thủ tục liên quan để đảm bảo cho khoản vay; đồng thời được Phạm Công Danh chuyển số tiền vay để tất toán 5 hợp đồng tín dụng tại Ngân hàng Xây dựng.

Thực tế, nhóm bà Phấn không được lấy số tiền 500 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân mà dòng tiền lại quay trở lại Ngân hàng Xây dựng để xử lý nợ xấu cho khoản vay trước đây của nhóm bà Phấn, nhóm này cũng là bên có nghĩa vụ liên quan đến tài sản đảm bảo khoản vay 500 tỷ tại Oceanbank nhưng trách nhiệm này thuộc về cán bộ Oceanbank. Do vậy, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị không xem xét trách nhiệm đối với nhóm cá nhân này.

Mai Ngọc

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên