Làm rõ lý do ba năm liền xuất siêu, chỉ tiêu 2020 lại nhập siêu
Trong 3 năm gần đây, Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng kết quả thực tế là xuất siêu...
- 05-10-2019Ba năm liền dự báo nhập siêu, kết quả đều xuất siêu?
- 02-10-2019Xuất siêu nhờ tỷ trọng các mặt hàng thiết yếu lớn
- 28-09-2019Thương mại 9 tháng xuất siêu 5,9 tỷ USD, chủ yếu vẫn nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 15/10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo kinh tế, xã hội, ngân sách.
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, xây dựng kế hoạch 2020, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với kết quả đạt được và đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó có kết quả kiềm chế lạm phát.
Nhiều mặt hàng tăng giá, lạm phát thấp nhất ba năm
Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, lạm phát diễn biến tương đối ổn định. Mặc dù giá thực phẩm (thịt lợn) trong nước tăng cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm chỉ tăng 2,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4% của Quốc hội.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể kinh nghiệm kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá, giá thực phẩm có xu hướng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm…
Theo Bộ Công Thương, giá bán điện bình quân tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019 làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,29%. Từ ngày 1/5/2019, 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường bệnh, 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tại các bệnh viện ở Hà Nội được điều chỉnh giá, phần lớn tăng giá... cơ quan thẩm tra nêu thông tin cụ thể.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, trong lĩnh vực ngân hàng, một số ý kiến cho rằng việc triển khai cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, việc yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế đặt ra thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Việc thực hiện nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả như mong đợi; còn một số khó khăn, vướng mắc nhất là công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương.
Có ý kiến đề nghị, cần báo cáo rõ hơn về tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Báo cáo cụ thể về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ tài chính và những tác động, rủi ro tiềm tàng trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) phát triển mạnh hiện nay cũng là ý kiến được nêu tại báo cáo thẩm tra.
Băn khoăn chỉ tiêu xuất, nhập khẩu
Xem xét các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ trình cho năm sau, về chỉ tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7%, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu này. Vì năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 7,9% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm lại dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta giảm hoặc tăng chậm lại như hàng thủy sản, rau quả, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ mục tiêu tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 7-8% (tương tự như mục tiêu đề ra của năm 2019).
Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng GDP năm 2020 là khoảng 6,8% (tương tự như kết quả ước đạt năm 2019), trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng 7% (thấp hơn kết quả ước đạt năm 2019).
Cơ quan thẩm tra đề nghị phân tích rõ hơn căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng GDP thông qua các yếu tố đóng góp vào GDP năm 2020 (so sánh với năm 2019) như tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tích lũy tài sản.
Đáng chú ý, năm 2020 chỉ tiêu Chính phủ xác định là tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ cơ sở của việc xác định chỉ tiêu này hàng năm (chỉ tiêu này không thay đổi trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội) để phù hợp kết quả thực tế. Trong 3 năm gần đây, Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng kết quả thực tế là xuất siêu, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Vneconomy