MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm rõ việc cấp phép và giám sát hoạt động của Công ty đa cấp Liên Kết Việt

17-06-2017 - 09:59 AM | Xã hội

Viện KSND tối cao vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Lê Xuân Giang – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt) cùng đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 BLHS.

Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung trong vụ án này cần được làm rõ nhiều nội dung để phục vụ cho việc truy tố các bị can, vai trò đồng phạm, hậu quả do tội phạm gây ra…

Theo đó, Viện KSND tối cao đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ, kết luận về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp phép, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa là thực phẩm chức năng được Công ty Liên Kết Việt sử dụng để kinh doanh đa cấp; trách nhiệm các cơ quan liên quan trong việc cấp phép, giám sát hoạt động kinh doanh đa cấp tại Công ty Liên Kết Việt.

Đồng thời, Viện KSND tối cao đề nghị làm rõ các khoản tiền mà các văn phòng của Liên Kết Việt đã thu từ những người tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp và việc Lê Xuân Giang đã sử dụng, chi tiêu khoản tiền hơn 718 tỉ đồng như thế nào; thu hồi số tiền 55 tỉ đồng chiếm đoạt của NPP, chuyển cho các văn phòng, chi nhánh.

Giang chỉ đạo kế toán lập sổ sách, khai báo gian dối như thế nào; làm rõ số tiền thu khác là hơn 11 tỉ đồng trong tổng số tiền thu của NPP là 2.091 tỉ đồng; kết luận chính xác số tiền hoa hồng, ai nhận, ai chi từ tháng 7-2014 đến 15-8-2015…

Trước đó, Báo Công an nhân dân đã đưa tin, cơ quan Cảnh sát điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 7 bị can gồm: Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt; Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Tổng Giám đốc kiêm trưởng nhóm quản lý phát triển kinh doanh; Lê Văn Tú, Tổng Giám đốc Công ty Liên kết Việt; Trịnh Xuân Sáng, thành viên nhóm quản lý phát triển kinh doanh; Lê Thành Sơn; Nguyễn Xuân Trường; Vũ Thị Hồng Dung đều là thành viên nhóm quản lý phát triển kinh doanh.

Theo kết luận điều tra, ngày 10-2-2014, Công ty Liên Kết Việt được cấp phép kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, Lê Xuân Giang không biết gì về kinh doanh đa cấp nên cứ xin cấp phép để đấy. Đến tháng 3-2014, Nguyễn Thị Thủy đã đến gặp Giang để bàn về hợp tác kinh doanh. Một bên thì có giấy phép, một bên thì có kinh nghiệm kinh doanh đa cấp (trước đó Thủy đã từng làm việc cho Công ty Sinh Lợi, nay là Công ty Thiên Ngọc Minh Uy kinh doanh đa cấp).

Để hai bên cùng có lợi, ngày 26-3-2014, Giang đã ký hợp đồng thuê êkip của Thủy phát triển kinh doanh đa cấp cho Công ty Liên Kết Việt. Sau đó, lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt đã tổ chức các đại hội hoa hồng, lễ đón nhận các danh hiệu, khen thưởng một cách hoành tráng ở những nơi như Thiên đường Bảo Sơn, Trung tâm văn hóa quận Thanh Xuân, Bảo tàng Hà Nội và ngay trụ sở Công ty…, chi thưởng cho các NPP top đầu những phần thưởng cực lớn như căn hộ trị giá 1,8 tỷ đồng, ô tô trị giá 1 tỷ, xe máy SH, Vission…

Đáng chú ý, để tạo sự tin tưởng lôi kéo người khác tham gia, các lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt đã mạo danh là doanh nghiệp của Bộ Quốc, trong đó Lê Xuân Giang thường xuyên đeo quân hàm đại tá quân đội. Ngoài ra, Giang , còn thành lập Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP) (để mọi người nhầm tưởng là Bộ Quốc Phòng). Với vỏ bọc Bộ Quốc Phòng hoành tráng và chiêu trò chi trả tiền hoa hồng siêu cao như trên, từ tháng 3-2014 đến tháng 11-2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển 34 chi nhánh, văn phòng, đại lý tại 49 tỉnh thành, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền khoảng 2.100 tỉ đồng.

Trong số tiền thu được, Giang đã chi cho các NPP, chi hoạt động của công ty tổng số tiền hơn 1.113 tỉ đồng. Như vậy, các bị can đã sử dụng số tiền còn lại và phải chịu trách nhiệm là hơn 978 tỷ đồng.

Cá nhân Lê Xuân Giang phải chịu trách nhiệm hơn 871 tỉ đồng (bản thân Giang khai cũng không nhớ hết chi tiêu khoản gì vì không biết hồ sơ, sổ sách kế toán thế nào); Nguyễn Thị Thuỷ hưởng lợi cá nhân 36,4 tỉ đồng; Lê Văn Tú hưởng lợi 61,9 tỉ đồng; Trịnh Xuân Sáng hưởng lợi 15,4 tỉ đồng; Lê Thanh Sơn hưởng gần 8 tỉ đồng; Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường mỗi bị can hưởng lợi hơn 4 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an 49 tỉnh thành phố đã tiến hành lấy lời khai của 9.100 người khách hàng của công ty Liên kết Việt, về cơ bản những người này đều khai báo được bạn bè rủ rê họ đã đến chi nhánh các văn phòng đại diện, đại lý để tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của công ty đa cấp Liên kết Việt. Số người này đã mua 63.173 mã sản phẩm với số tiền đã nộp là hơn 747 tỷ đồng, trừ đi số hoa hồng và hàng hóa họ đã được nhận thì hiện họ vẫn bị thiệt hại hơn 423 tỷ đồng.

Đến nay cơ quan CSĐT- Bộ Công an chỉ tạm giữ được gần 148 tỷ đồng của Lê Xuân Giang (chưa tính tài sản kê biên). Như vậy, khả năng người bị hại được hoàn trả toàn bộ số tiền bị thiệt hại là không thể.

Theo Đào Minh Khoa

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên