Làm rõ việc thoái vốn "trá hình" tại Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam
Vừa qua, Nhà xuất bản giáo dục VN đã tổ chức thoái vốn thành công 51% (510.000 CP) vốn Nhà nước tại Công ty CP sách và thiết bị trường học Hòa Bình. Tuy nhiên, 2 nhà đầu tư trúng đấu giá toàn bộ số cổ phần này là Công ty CP sách miền Bắc (đơn vị có 46% vốn Nhà nước do chính Nhà Xuất bản sở hữu) và ông Dương Đình Thọ - Tổng giám đốc Công ty CP sách miền Bắc .
Câu hỏi đặt ra là, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện thoái vốn rốt ráo tại một đơn vị thành viên nhưng bên mua lại chính là một công ty trong hệ thống có vốn nhà nước chiếm 46%, thì việc thoái vốn này có mang tính hình thức khi chỉ đảo vốn “từ tay trái sang tay phải” không?
Báo điện tử VnMedia vừa nhận được đơn kiến nghị của các cổ đông Công ty CP sách và thiết bị giáo dục Hòa Bình phản ánh về những điểm khuất tất trong việc đấu giá cổ phần tại công ty này.
Theo đó, Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hòa Bình có số vốn điều lệ là 10 tỷ đồng và Nhà xuất bản Giáo dục sở hữu 51%.
|
Mới đây, ngày 6/11/2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán đấu giá 510.000 cổ phần sở hữu tại CTCP Sách và Thiết bị trường học Hòa Bình với giá khởi điểm 10.500 đồng/CP. Phiên đấu giá này đã thu hút 6 cá nhân và 4 tổ chức tham gia với tổng khối lượng đăng kí mua tới 3.100.000 cổ phần, vượt gấp 6 lần lượng chào bán.
Sức “nóng” của phiên đấu giá còn ở mức giá đấu thành công lên tới 16.500 đồng/CP, cao hơn 65% giá chào bán của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, giúp công ty này thu về 8,4 tỷ đồng tiền thoái vốn.
Kết thúc phiên đấu giá, các cổ đông của Công ty CP sách và TB trường học Hòa Bình vô cùng bất ngờ khi thấy 2 nhà đầu tư trúng đấu giá toàn bộ 51% vốn Nhà nước thoái ra lại chính là: Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục miền Bắc (mua 310.000 CP) và Tổng giám đốc công ty này - ông Dương Đình Thọ (mua 200.000 CP).
Mức giá trúng cao gấp 1,7 lần mệnh giá và gấp tới gần 1,6 lần giá trị cổ phiếu của Công ty tại thời điểm 30/6/2018 là 10.422 đồng/CP do đơn vị kiểm toán xác định.
Một nhà đầu tư cho biết, theo báo cáo tài chính của công ty CP sách và thiết bị trường học Hòa Bình, tình hình sản xuất kinh doanh không khả quan như 6 tháng đầu năm 2018, công ty đang báo lỗ; lợi nhuận thấp, công ty thường xuyên không chi trả cổ tức. Ngoài ra, công ty này đang đối mặt với khoản nợ khó đòi khoảng 4 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ. Trong khi đó, 2 nhà đầu tư trúng giá chấp nhận trả giá mua cổ phần cao hơn 65% giá trị sổ sách cổ phần CTCP Sách và thiết bị trường học Hòa Bình?
Điều đáng nói, việc Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục miền Bắc hiện vẫn còn sở hữu vốn Nhà nước 46% và là đơn vị chủ lực đóng góp doanh thu lớn (năm 2017 là 353 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 10,2 tỷ đồng).
Việc bán đấu giá cổ phần cạnh tranh sẽ giúp Nhà nước thu hồi vốn với giá trị tối ưu nhất, thế nhưng, bên mua cổ phần lại dùng chính “tiền nhà nước” thông qua pháp nhân doanh nghiệp để trả giá cao ngất… đang là điều khó hiểu?
Điều lạ nữa là, doanh thu của CTCP Sách và Thiết bị giáo dục miền Bắc hàng năm rất “khủng” hơn 342 -353 tỷ đồng (2016-2017), song lợi nhuận lại “khiêm tốn” chỉ 7-8 tỷ đồng. Vậy mà lãnh đạo công ty dành tới 50% lợi nhuận năm qua để mua cổ phần công ty sách khác, liệu có hợp lý?
Trước sự việc này, các nhà đầu tư đề nghị cơ quan có trách nhiệm làm rõ đúng sai việc dùng vốn của Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục miền Bắc để đấu giá mua số cổ phần này? Đồng thời, làm rõ việc ai phải chịu trách nhiệm khi quyết định mua cổ phần với giá cao bất thường của Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục miền Bắc . Đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm quản lý vốn Nhà nước của Nhà xuất bản Giáo dục tại Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục miền Bắc khi quyết định đầu tư mua số cổ phần này với giá cao bất thường như vậy?
Đặc biệt cùng ngày 6/11/2018 Nhà xuất bản Giáo dục cũng đấu giá bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Công ty CP sách Hà Giang thì kết quả cũng đúng như kịch bản đã xảy ra của Công ty sách và TB trường học Hòa Bình. Đơn vị trúng đấu giá cũng là Công ty CP Sách và Thiết bị Giáo dục miền Bắc.
VnMedia